Tiếp tục nhân rộng những tấm gương bình dị mà cao quý

Thứ Năm, 28/05/2020, 13:26

Ngày 28/5, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã thông tin chính thức về lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 11 năm 2019-2020 và chương trình nghệ thuật "Noi theo gương sáng Bác Hồ".

Đây là hoạt động thiết thưc kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), 109 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2020), 72 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2020), 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020).

Cuộc thi viết do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) và Nhà xuất bản QĐND, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam tổ chức. Cuộc thi nhằm phát hiện, tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình, những công dân Việt Nam tiêu biểu, đang sinh sống, học tập, công tác ở trong và ngoài nước, luôn phấn đấu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức gặp gỡ các tác giả, nhân vật trong tác phẩm đạt giải và cơ quan báo chí tại Hà Nội ngày 28/5

Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phụ trách Tổng biên tập Báo QĐND, đồng Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được phát động lần đầu tiên vào tháng 4-2008, nhân dịp kỷ niêm 60 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi đi đua ái quốc. Qua 11 lần tổng kết trao giải, hơn 2.500 tác phẩm đã được chọn đăng trên các ấn phẩm của Báo QĐND, hàng trăm tác giả đã được trao giải. 

Ban tổ chức đã chọn những tác phẩm xuất sắc nhất, xuất bản thành 16 tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, bổ sung vào tủ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Sách  được độc giả ở các vùng, miền trong cả nước đánh giá cao, góp phần tuyên truyền, làm lan tỏa sâu rộng những điển hình tiên tiến cùng những việc làm bình dị mà cao quý.

Nhiều tác giả, nhân vật trong tác phẩm tham gia chương trình

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng Trưởng Ban tổ chức nhận định: Đây là một trong những cuộc thi viết dài nhất nhưng càng về sau chất lượng, số lượng tác phẩm càng được nâng lên, phong phú, hấp dẫn hơn. Cuộc thi đã phát hiện, tôn vinh nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên, người dân, thuộc mọi thành phần, lứa tuổi… bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình, đã nỗ lực cống hiến cho đất nước và cộng đồng, làm được nhiều việc tốt, có sức lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, thực sự là những điển hình tiêu biểu học tập và làm theo Bác.

Tại lần tổ chức thứ 11, Ban tổ chức đã nhận được gần 200 tác phẩm của các nhà báo và các cây viết không chuyên trong cả nước; trong đó có 125 tác phẩm đã đăng tải trên các ấn phẩm của Báo QĐND. Các tác phẩm dự thi phản ánh sinh động những tấm gương người thật, việc thật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương… trên mọi miền Tổ quốc, khẳng định phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới, noi theo gương sáng Bác Hồ. 

Các tác phẩm đã góp phần cổ vũ, giáo dục, bồi đắp thêm niềm tien của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, đồng thời khái quát, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý báu trong thực hành, học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Sau 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban tổ chức đã quyết định chọn 16 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Trong đó, giải Nhất thuộc về tác giả Nguyễn Hồng Hải, Báo QĐND với tác phẩm “Người từ chối nói về mình”. 2 giải Nhì gồm các tác phẩm: Người khắc họa vẻ đẹp của Bác Hồ qua những trang sách (tác giả Phùng Trang); Trái tim vàng của lực sĩ khuyết tật Lê Văn Công (tác giả Hùng Khoa). 

3 giải Ba gồm các tác phẩm: Hành trình “thay máu” cho nông dân (tác giả Chí Trung); Nữ bác sĩ tiên phong trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 (Phan Tùng Sơn); “Châu chấu đá xe” ở Canh Nậu (tác giả Lê Duy Thành). 

10 giải khuyến khích, gồm: Dấu ấn trưởng bản Sùng A Ly (tác giả Phạm Kiên); Lê Quang Hiếu, “thủ lĩnh” của những công trình ngang tầm thế giới (tác giả Nguyễn Hồng Sáng); Nghệ sĩ - “Hiệp sĩ” (tác giả Vũ Huyến- Hoàng Việt); Giáo sư U90 không ngừng học (tác giả Hà Thanh Minh); “Bà tiên” với những chuyến xe cấp cứu 0 đồng (tác giả Đức Hà- Đào Hiệp); Nguyễn Văn Quân và những giọt máu hiếm (tác giả Trần Văn Bình); Hơn 20 năm lái ca nô vượt biển cứu người (tác giả Thùy Dung); Bà Bảy đưa đò (tác giả Trương Thanh Liêm); Đặng Minh Vương- Tỷ phú trẻ giữa ruộng lúa Đồng Tháp (tác giả Trần Trọng Trung); Nữ trưởng thôn đảo Trần (tác giả Nguyễn Trường).

Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi được tổ chức vào 20h ngày 5-6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên Kênh VTC1, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC/Đài Tiếng nói Việt Nam, tiếp sóng trên Kênh VOVTV/Đài Tiếng nói Việt Nam; ghi hình, xuất bản trong Chương trình video-audio của Báo QĐND Điện tử. 

Cùng với lễ tổng kết là chương trình nghệ thuật tên “Noi theo gương sáng Bác Hồ”. “Chúng tôi quan niệm chương trình nghệ thuật trang nghiêm, thành kính nhưng phải tươi mới và trẻ trung. Vì vậy, trong chương trình sẽ có nhiều gương mặt ca sĩ mới Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội,bên cạnh các nghệ sĩ đã nổi tiếng, quen thuộc…”. Đại tá Đoàn Xuân Bộ khẳng định.


N.Hoa
.
.
.