Chuyện xúc động về “Những tấm gương bình dị mà cao quý”

Thứ Tư, 12/06/2013, 11:26
“Có niềm tin với Bác là chúng ta có tất cả, có tương lai tươi sáng ở ngày mai. Việc Báo Quân đội nhân dân tổ chức cuộc thi, tôn vinh “Những tấm gương bình dị mà cao quý” cũng là cách khơi dậy lòng yêu nước, nhân lên sức mạnh niềm tin chính nghĩa, niềm tin vào những tấm gương người tốt, việc tốt, mà lúc sinh thời Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm”.

“Có niềm tin với Bác là chúng ta có tất cả, có tương lai tươi sáng ở ngày mai. Việc Báo Quân đội nhân dân tổ chức cuộc thi, tôn vinh “Những tấm gương bình dị mà cao quý” cũng là cách khơi dậy lòng yêu nước, nhân lên sức mạnh niềm tin chính nghĩa, niềm tin vào những tấm gương người tốt, việc tốt, mà lúc sinh thời Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm”, đây là những suy ngẫm của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Lễ trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 4 năm 2012 và Chương trình Giao lưu - Nghệ thuật “Giữ trọn niềm tin với Bác” được Báo Quân đội nhân dân (QĐND) và các đơn vị tài trợ đồng tổ chức tối ngày 10/6, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Ba Đình, Hà Nội).

Giải nhất cuộc thi thuộc về tác giả Đoàn Xuân Bộ với tác phẩm “Một cách yêu biển, đảo Việt Nam”, viết về tấm gương hai bạn sinh viên Cao Huy Hiệp và Nguyễn Bá Phúc, lớp K53, Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội, đã nặng lòng với biển đảo quê hương, vào Nam, ra Bắc tiến hành nghiên cứu, thu thập hàng trăm tài liệu, gặp những nhân chứng lịch sử xây dựng thành đề tài nghiên cứu khoa học để khẳng định chủ quyền biển đảo nói chung, quần đảo Hoàng sa và quần đảo Trường Sa nói riêng là của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Hiệp và Phúc còn đề ra những giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo, đặc biệt là việc đưa hai quần đảo vào chương trình giáo dục đào tạo của Việt Nam. Chỉ với một “con lợn tiết kiệm” với vẻn vẹn 3 triệu đồng, nhưng các em đã làm được một việc giàu ý nghĩa.

Nói về việc làm của mình, Hiệp và Phúc tâm sự: “Cũng như các bạn trẻ Việt Nam khác, chúng em yêu tha thiết biển, đảo Việt Nam và đã yêu thì phải có trách nhiệm góp phần bảo vệ chủ quyền và xây dựng, phát triển biển đảo một cách thiết thực. Dù việc làm của chúng em là rất nhỏ nhưng chúng em rất tự hào vì được góp một tiếng nói, một góc nhìn của giới trẻ về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

2 giải nhì thuộc về tác giả Nguyễn Thị Huyền Trang với tác phẩm “Người dìu dắt 166 mảnh đời” và tác giả Nguyễn Trung Kiên với tác phẩm “Người thầy thuốc trẻ không ngừng sáng tạo”. Ban Tổ chức cũng trao 3 giải ba cho các tác giả Đỗ Thị Kim Dung - “Bông hồng vàng trên cánh đồng sáng tạo”; Ngô Văn Học – “Cựu chiến binh “săn” bom” và Nguyễn Thị Thu Hà – “Con nuôi” của đồn biên phòng”…

Ngoài những tiết mục văn nghệ đặc sắc đã đi cùng năm tháng, không khí của buổi giao lưu càng sâu lắng hơn với những việc làm giản dị, bình tâm mà vô cùng cao quý, đã lặng lẽ cống hiến, hy sinh, hết lòng vì cộng đồng mà không hề đòi hỏi bất cứ sự biết ơn, đền bù, khen thưởng nào. Đó là tấm gương bà Trần Thị Thanh Hương, chủ cơ sở nuôi trẻ khuyết tật Thiện Giao ở quận Đồ Sơn, Hải Phòng, là tấm gương sáng về đức hy sinh và lòng nhân ái.

Vượt lên mọi khó khăn, cần mẫn, tảo tần sớm hôm chăm sóc, nuôi dưỡng để các con khôn lớn, chăm sóc cho các con từng miếng cơm, manh áo. Để rồi cả hội trường lặng im khi biết bà đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, cuộc sống chỉ tính được bằng tháng, bằng ngày. Thế nhưng, khi được hỏi về việc mình đã làm, bà Hương vẫn lạc quan, nhẹ nhàng nói: “Việc tôi nâng đỡ, dìu dắt con em đồng đội bị chất độc da cam, bị khuyết tật là muốn gánh vác, chia sẻ một phần thiệt thòi cho đồng đội của mình. Đấy là công việc rất đỗi bình thường, đơn giản mà ai cũng có thể làm được nếu người đó thực sự có lòng yêu thương con người”…

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương Báo QĐND đã tổ chức thành công cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 4 và nhiệt liệt chúc mừng các tác giả đoạt giải cuộc thi này.

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn Báo QĐND và các cơ quan báo chí khác thường xuyên tổ chức tuyên truyền, cổ vũ, phát hiện những tấm gương bình dị và cao quý, tiếp tục nhân lên sức mạnh trí tuệ và niềm tin của gần 90 triệu người Việt Nam, biến thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong muốn…

Trần Xuân
.
.
.