Thông qua tuyên bố chung về bảo vệ di sản văn hóa khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Thứ Năm, 08/11/2018, 16:38

Sáng 8-11, tại TP Huế, sau nhiều phiên tham luận khác nhau diễn ra trong hơn 2 ngày, hội nghị di sản VHPVT khu vực Châu Á- Thái Bình Dương 2018 với chủ đề “Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đã chính thức khép lại.


Tại phiên bế mạc, hội nghị đã thông qua tuyên bố chung về định hướng trong công tác quảng bá, giáo dục, bảo tồn và khuyến khích các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cùng tham gia bảo vệ DSVHPVT. Đồng thời kêu gọi các NGO, các bên liên quan tăng cường cam kết cộng đồng để tham gia phát triển cộng đồng bền vững thông qua bảo vệ DSVHPVT và tái khẳng định cam kết thực hiện biện pháp bảo vệ ICH theo tinh thần của Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ DSVHPVT của nhân loại.

Phiên bế mạc hội nghị di sản VHPVT khu vực Châu Á- Thái Bình Dương 2018 vào sáng 8-11.

Ngoài ra, Ban tổ chức hội nghị cam kết sẽ phổ biến các chiến lược trao quyền cho cộng đồng để trở nên bền vững, sáng tạo và hòa nhập; tiếp tục các hoạt động bảo vệ ICH cho sự phát triển bền vững của cộng đồng, tổ chức nhóm và đóng góp cho mạng lưới để có trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và tác động đến các hoạt động chăm sóc môi trường hợp tác. Bên cạnh đõ, sẽ kêu gọi UNESCO, các quốc gia thành viên tiếp tục tham gia, hỗ trợ các hoạt động của các ICH NGO, đặc biệt là các sáng kiến liên quan đến việc kết nối và hợp tác bảo vệ di sản VHPVT.

Tại hội nghị, TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản văn hóa và TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm quý giá trong công tác kiểm kê di sản, bảo tồn di sản Hát Xoan, Nhã nhạc đến các đại biểu đại diện 35 tổ chức thuộc 16 quốc gia trong Châu Á- Thái Bình Dương.

TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản văn hóa (người đứng) chia sẻ kinh nghiệm trong công tác gìn giữ, bảo tồn di sản Hát Xoan Phú Thọ.

TS Lý nói rằng, trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã xem bảo vệ Hát Xoan là một chiến lược của tỉnh, lập ra Ban chỉ đạo bảo vệ di sản Hát Xoan và cùng phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể để tập trung nguồn lực, nhân lực nhằm bảo vệ Hát Xoan như một di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. Từ đó từng bước đưa Hát Xoan ra khỏi danh sách khẩn cấp để đến với danh sách đại diện của UNESCO, qua đó phổ biến Hát Xoan ra cộng đồng và được đông đảo công chúng đón nhận. Và đây có thể nói là một bài học vô cùng quý giá trong công tác bảo tồn, phục hồi di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Nhã nhạc cung đình Huế là di sản VHPVT đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh đã được Trung tâm BTDT Cố đô Huế nỗ lực bảo vệ, phát huy, lan tỏa ra cộng đồng và quốc tế.

Trong khi đó, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, sau khi Nhã nhạc được UNESCO vinh danh, từ năm 2005-2008, tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã nỗ lực triển khai và thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc trên 3 lĩnh vực, gồm công tác nghiên cứu, lưu trữ; công tác truyền dạy và chính sách nghệ nhân; biểu diễn quảng bá Nhã nhạc đến với cộng đồng. Và những nỗ lực này đã góp phần “hồi sinh” Nhã nhạc, quảng bá di sản văn hóa này ra cộng đồng và quốc tế.

Được biết, đến nay đã có 62.283 DSVHPVT ở 63 tỉnh thành của Việt Nam đã được các cơ quan chức năng kiểm kê. Trong đó có 271 di sản đã đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia qua 25 đợt công bố và 12 DSVHPVT đã được UNESCO ghi danh tại các danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại và DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp.


Anh Khoa
.
.
.