Quan họ Kinh Bắc trên miền đất phương Nam

Thứ Tư, 19/10/2016, 10:53
Sáng cuối tuần, Cung văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh lại râm ran tiếng hát. Không khăn mỏ quạ, không áo dài mớ ba mớ bảy, những con người thuộc khá nhiều lứa tuổi, không phân biệt lãnh đạo doanh nghiệp hay người lao động, sinh viên, trí thức hay người nội trợ, đều miệt mài học, miệt mài hát.

Những làn điệu quan họ vốn là “đặc sản” văn hóa cổ truyền từ xứ Kinh Bắc lại từ đây lan tỏa về nhiều địa phương, như những mạch ngầm nhỏ đưa quan họ lan tỏa trong các ngõ ngách đời sống của chốn thị thành vốn thuộc hàng phồn hoa đô hội nhất cả nước.

Nghệ sĩ Ngọc Quang, một trong số các gương mặt gắn bó lâu năm nhất với các hoạt động truyền dạy quan họ tại Cung Văn hóa cho biết, các thành viên dạy và học hát đều thuộc Câu lạc bộ (CLB) Trúc Xinh. Đây cũng là đơn vị gây dựng và duy trì các hoạt động truyền dạy và biểu diễn quan họ của Cung Văn hóa suốt 15 năm qua.

Một tiết mục của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trong câu lạc bộ Trúc Xinh, Cung Văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh.

Trúc Xinh cũng chỉ là một trong những nhánh chính của các nhánh hoạt động truyền dạy và biểu diễn quan họ tại TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Thực ra, hát quan họ đã theo chân những người con của vùng đất Kinh Bắc vào miền Nam lập nghiệp từ rất lâu trước đó. Đầu tiên, nghệ sĩ Thanh Hiền (nay là Phó Chủ nhiệm CLB Trúc Xinh) đề nghị mọi người tập hợp, sinh hoạt thường xuyên như một dịp giao lưu mỗi tuần, mỗi tháng với quy mô sinh hoạt nhóm. Dần dà, nhiều người xin theo học, bất kể là đến từ địa phương nào. CLB theo đó nâng dần từ cấp phường, qua cấp quận rồi đến cấp thành phố.

Năm 2001, CLB  Trúc Xinh trực thuộc Cung Văn hóa lao động TP Hồ Chí Minh chính thức thành lập. Sau 15 năm, đến nay, trừ 10 thành viên nòng cốt, sinh hoạt thường xuyên có khoảng 50 người.

15 năm truyền dạy, chưa bao giờ và chưa nghệ sĩ nào thử một lần nhẩm tính xem học trò của mình đã có bao nhiêu. Những lớp học, thời điểm đông nhất, từ 2001 đến 2004, đều có đến 30 học viên. Có những khoảng thời gian, học viên đông quá, người dạy phải chia thành 2 lớp song song và chia nhau truyền dạy.

Học phí, có thu cũng thường ở mức tượng trưng... CLB Trầu Xanh và hàng loạt các CLB quan họ trên các quận Thủ Đức, quận 2, Bình Chánh, Bình Tân theo nhau “chào đời”.

Năm 2009, khi quan họ chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nghệ thuật truyền thống độc đáo của vùng đất Kinh Bắc càng quen thuộc hơn với người dân các tỉnh thành, kể cả vùng đất phương Nam quanh năm nắng ấm. Không ít người học vì đam mê, duy trì truyền dạy quan họ vì yêu và tiếc cái vốn văn hóa quê nhà xác lập được vị trí trong cộng đồng...

Tính sơ sơ, riêng với Trúc Xinh, đã có ít nhất 30 chương trình được sản xuất, phát sóng trên các đài truyền hình. Thử hỏi các thành viên gắn bó với quan họ nhiều năm có chạnh lòng không khi nhiều ca sĩ nhận thù lao vài chục triệu đến trăm triệu cho mỗi đêm diễn còn bản thân chỉ nhận mức thù lao ít ỏi, có khi mang tính tượng trưng, câu trả lời chung mà chúng tôi nhận được là nụ cười và cái lắc đầu.

 Với những nghệ sĩ chuyên nghiệp và cả không chuyên ấy, quan họ đã trở thành tình yêu mà đã yêu thì khó bỏ. Thế nên, nếu một ngày đặt chân đến TP Hồ Chí Minh, bạn cũng đừng ngỡ ngàng khi vô tình bắt gặp những nét duyên quan họ với những “Hừ la”, “La rằng”, “Tình tang” hay cảm thấy mình bị níu giữ cùng trúc xinh, bèo dạt mây trôi, người ở đừng về…

Ngọc Nguyễn
.
.
.