Nô nức Hội Lim vùng quan họ

Thứ Sáu, 19/02/2016, 20:10
Hội Lim là lễ hội văn hoá nghệ thuật có từ lâu đời đặc sắc của làng quê quan họ Bắc Ninh. Đây là lễ hội đông vui và nổi tiếng nhất trong các hội Quan họ. Hội mở vào ngày 12, 13 tháng Giêng (âm lịch), đúng vào phiên chợ đầu năm của chợ Lim.

Mỗi năm, cứ đến mùa du lịch lễ hội là Hội Lim, Bắc Ninh lại thu hút nhiều người, mọi thành phần lứa tuổi từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc về trẩy hội chơi Xuân, trong đó phần đông là các bạn trẻ nam thanh nữ tú.

Một số hình ảnh tại Lễ hội.

Đến với Hội Lim họ lại cùng nhau ca hát, với những cụ ông, cụ bà thì đến với hội là dịp tìm về tuổi thanh xuân, với tầng lớp thanh niên thì hội Lim lại là dịp tìm bạn, tìm duyên vui chơi, giải trí. Đây là một sự kiện văn hoá độc đáo nổi tiếng đã trở thành giá trị tinh thần của nền văn hóa Việt Nam.

Quan họ là loại thể loại dân ca nghệ thuật đặc sắc và chủ yếu của vùng Kinh Bắc ngày xưa. Sự nổi tiếng của những làn điệu dân ca quan họ không chỉ bởi ở lời ca trữ tình, say đắm yêu cuộc sống và tình yêu nồng nàn, hay với hàng trăm làn điệu dân gian đặc sắc mà còn do những đặc điểm độc đáo không có ở những làn điệu dân ca các vùng khác. 

Từ lời ăn tiếng hát đến cách ứng xử hàng ngày hay trong ngày hội, người dân Quan họ đều nhẹ nhàng, khiêm tốn. Tục kết “chạ” giữa các làng Quan họ hay kết bạn giữa các "bọn" Quan họ đã hình thành nếp sống đạo đức cao quý. Người Quan họ đều rất hiếu khách, là những anh em thân thiết với nhau. Sự hiếu khách của người Quan họ ngày xưa đã đi vào trong câu hát: Mấy khi khách đến chơi nhà/Lấy than, quạt nước tiễn trà người xơi/Trà này ngon lắm người ơi/Người xơi một chén cho tôi bằng lòng.

Và đến lúc chia tay về, thì thật là khó để chia ly vì lời ca bao giờ cũng như níu chân khách lại: Người ơi, người ở đừng về...

Hội hát Quan họ cũng thường gắn với lễ hội chùa. Vậy nên chùa cũng là nơi nghỉ chân và đi lễ của khách Quan họ. Ở đây có tới 49 làng hát quan họ, phân bố chủ yếu trong bốn huyện ở phía nam tỉnh Bắc Ninh. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ở xã Lũng Giang ngày xưa. Hội mở trên đồi Lim, nơi có chùa Lim. Hội Lim là hội đông vui và nổi tiếng nhất trong các hội Quan họ. Hội mở vào ngày 12, 13 tháng Giêng, đúng vào phiên chợ đầu năm của chợ Lim.

Để lễ hội Lim diễn ra an toàn, lành mạnh, Ban tổ chức cử một tổ thường trực cứu thương tại trung tâm lễ hội, dựng các bốt vệ sinh di động, các nhà vệ sinh tạm, các thùng đựng rác tại khu vực trung tâm lễ hội và các khu vực lân cận để phục vụ cho du khách, hơn 400 cán bộ chiến sĩ Công an, Quân sự tham gia bảo vệ an ninh trật tự lễ hội. Ngoài ra huyện Đoàn Tiên Du huy động hàng trăm thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn du khách thập phương về dự lễ hội.

Bùi Tú Anh (sinh viên tình nguyện Bắc Ninh - Trường Lao động Xã hội) cho biết: “Đây là lần đầu tiên em tham gia các hoạt động hỗ trợ, phân làn đường, vệ sinh, tiếp nước miễn phí… trực tiếp tại lễ hội, đây là một trong những hoạt động có ích, ý nghĩa và vô cùng tự hào đối với một người con Bắc Ninh đóng góp một phần nhỏ cho quê hương của mình”.

Đến với hội Lim, du khách du Xuân được xem và nghe hát khắp mọi nơi trên các đồi, hát sau sân chùa, hát trên thuyền hội và hát trong các gia hình, tiếng hát quan họ ở khắp mọi nơi làm say đắm lòng người; nếu để ý, quý khách lại có thể nghe hát đối từng cặp đôi nam nữ. Khách du Xuân, trẩy hội Lim còn được tham gia nhiều hoạt động văn hoá truyền thống khác của địa phương, như các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, đấu vật đánh bài tổ tôm... là những nét đặc trưng văn hóa dân gian còn giữ lại những trò chơi của hội làng cổ truyền mà hội Lim vẫn còn tồn tại như một di sản.

Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim.

Đây cũng là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc. Những hoạt động phong phú của lễ và hội đã có nội dung và tầm cỡ lễ hội văn hóa dân gian Kinh Bắc, gần như hội đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh – mảnh đất được coi là vương quốc của lễ hội dân gian Việt Nam.

Thúy Hằng – Hoàng Thương
.
.
.