Nếu mà không Quan họ, Kinh Bắc ơi có buồn?…

Chủ Nhật, 03/05/2009, 16:52
Đó là câu thơ bạn tôi viết vì trót mấy mươi năm chơi với người Quan họ. Chơi Quan họ rồi đâm nghiền Quan họ. Đến nỗi Tết năm 2006, Đài TH Bắc Ninh đã đón tôi làm "khách mời" của đài về di sản văn hoá Quan họ…

Quý Tráng đắm đuối một đời cùng Quan họ, vui buồn cùng Quan họ. Rồi trong những cuộc nhậu la đà thể nào gã cũng lại ru bạn bè bằng những làn điệu cổ mà gã lôi từ trong vốn cũ của các làng về. Những đêm mưa đất Quan họ thật đẫm hồn vía Quan họ, trong không gian văn hoá thật sự.

Tráng kể: Cùng một lứa bên trời lận đận ngày nào giờ chỉ còn Xuân Mùi với Quý Tráng và vài bạn hát… Bao nhiêu đào kép thuở nào lần lượt "ra về", để khăn để áo để tình Quan họ lại đây. Hôm Tráng nhậm chức phụ trách đoàn, thế nào đó tôi lù lù xuất hiện. Thiêng thế! Tráng bảo. Trong vai trò ông bầu của đoàn Quan họ, anh đã bộc bạch tâm tư và kỳ vọng khi Quan họ đang được lập hồ sơ di sản nhân loại.

Vâng! Quan họ xứng đáng là di sản của nhân loại, bởi nó có sức sống dân gian lâu bền, nó là không gian văn hoá Kinh Bắc. Chiều xuân nay, bên đường Nguyễn Trãi, TP Bắc Ninh, tôi lại có dịp ngồi cùng Quý Tráng và Xuân Mùi, hai cây đa cây đề của Quan họ đoàn. Câu chuyện về nghệ thuật Quan họ, về vui buồn nghề hát đã đưa chúng tôi về lại "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy".

Xuân Mùi bảo: Bốn mươi năm còn gì? Ngày nào lũ chúng tôi lớp Quan họ đầu tiên có Thuý Cải, Lệ Ngải, Tự Lẫm, Xuân Mùi… Vừa mới hôm nào mặt búng ra sữa, hồn nhiên lanh lợi đùa vui như con trẻ ấy, thế mà nay đã thành ông thành bà. Tóc bạc lưng còng…

Mùi kể ngày ấy sau bao nhiêu năm kháng chiến trường kỳ đánh Pháp rồi bắt đầu đánh Mỹ, cả nước đói nghèo, cả nước ra trận. Hội hè Quan họ chìm vào quên lãng. Quan họ gần như thất truyền. Những lớp nghệ nhân cuối cùng vơi cạn. May có một người trai kinh Bắc làng Đọ Xá vì quá xót xa lo lắng cho số phận mong manh của Quan họ mà bất chấp khó khăn trắc trở, thậm chí phản đối gay gắt của đồng chí đã quyết tâm dựng bằng được đoàn Quan họ, với ước mơ sưu tầm gìn giữ giới thiệu văn hoá Quan họ, hồi sinh một nghệ thuật đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Người ấy lẽ ra được đoàn Quan họ dựng tượng, đó là Trưởng ty Văn hoá Hà Bắc, ông Lê Hồng Dương. Cái con người tâm huyết đam mê văn hoá ấy còn mò ra tận Đoàn Chèo Trung ương lôi bằng được một người trai Quan họ về để phong trưởng đoàn đầu tiên, đó là nghệ sĩ Nguyễn Đức Siêu.

Sau một năm lặn lội khắp chốn cùng quê, ông trưởng đoàn "không quân" ấy đã vời về một ông thầy là lão nghệ nhân với 7 diễn viên để đoàn gọi là có quân có tướng. Đưa cả thầy và trò về đoàn rồi đưa lên Trường Văn hoá nghệ thuật Hà Bắc, ông Siêu cùng Trưởng ty Lê Hồng Dương lại tiếp tục lên đường "chiêu hiền đãi sĩ".

Từ tay không, ba năm sau đoàn đã có gần 30 nghệ sĩ. Những cái tên dễ thương chân chất quê mùa ấy đã thành tên nghệ sĩ Quan họ. Cụ Nguyễn Đức Sôi đã đặt thành một bài thơ tứ tuyệt từ những cái tên ấy ghép lại để dễ nhớ, dễ gọi. Bốn mươi năm sau, trong số 28 tên người trong bài thơ tứ tuyệt ấy chỉ còn lại ba người. Một người trong số "cựu binh" là Lê Toàn hiện đang là Viện trưởng Viện Âm nhạc.

Bốn mươi năm ấy biết bao vui buồn. Bây giờ ngồi ôn kỷ niệm, họ không nhớ đã biểu diễn bao nhiêu đêm, đã làm nức lòng bao nhiêu khán giả, đã đi bao nhiêu quốc gia giao lưu biểu diễn. Quan họ có lúc được xem như một biểu tượng của văn hóa Bắc Bộ, và Việt Nam, từng được cử đi dự Liên hoan Âm nhạc châu Á - Thái Bình Dương, Liên hoan Giai điệu phương Đông; rồi Liên hoan Âm nhạc 14 nước Bắc Âu...

Không thể nhớ hết bao nhiêu lần Quan họ như là đặc sản văn hóa nghệ thuật Việt đãi khách xa, mừng nguyên thủ các nước đến Việt Nam. Bốn mươi năm mày mò sưu tầm, nghiên cứu biểu diễn và truyền dạy Quan họ, Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được nhà nước tưởng thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba...

Những năm chiến đấu gian khổ, Quan họ Bắc Ninh cũng đã có những nghệ sĩ vào chiến trường phục vụ chiến đấu trong Đoàn Văn công “xung kích Hà Bắc”. Vốn Quan họ cổ và văn hoá Quan họ đã được bảo tồn và phát huy. Công ấy có vai trò đóng góp của Đoàn Quan họ. Hàng trăm làn điệu, hàng ngàn lời hát Quan họ đã được sưu tầm, truyền dạy cho các thế hệ nghệ sĩ và từ đó Quan họ ở lại với dân gian.

Văn hoá Quan họ với những nét đẹp nhiều mỹ tục trong giao tiếp ứng xử trong lối sống sinh hoạt đã được phát hiện và giữ gìn. Rồi thì trang phục Quan họ. Những áo mớ ba mớ bảy, những nón thúng quai thao nếu không có đoàn Quan họ, chắc gì còn hiện diện hôm nay giữa đời thường nhiều biến động. Nhiều nghệ sĩ của đoàn đã trở thành NSƯT như Thuý Cải, Khánh Hạ, Thúy Hình, Lan Hương, Hải Xuân...

Còn nhớ có mấy mươi năm hễ ai đó nhắc đến Đoàn Dân ca Quan họ thì có người hỏi ngay có Hai Tráng và Thúy Cải, Thúy Hường… không? Ấy là thương hiệu. Những cái tên ấy gắn liền với những chương trình xuyên Việt đem Quan họ đến mọi miền đất nước. Gã "liền anh" Hai Tráng này có cái chất giọng lôi cuốn người nghe bằng các làn điệu Quan họ cổ. Và rồi chính gã là một trong những người đầu tiên đem Quan họ ra ngoài biên giới Việt Nam. Ấy là dạo giải phóng miền Nam ít lâu, ông Lê Hồng Dương lúc đó là Trưởng ty kiêm Trưởng đoàn Dân ca Quan họ Hà Bắc đã cùng Quý Tráng tham gia đoàn nghệ thuật Việt Nam đi biểu diễn ở Nhật Bản. Rồi thì mấy bận nữa, sang tận châu Âu.

Một dạo chị Thúy Cải là đại biểu Quốc hội, Hai Tráng một mình độc diễn. Cặp liền anh liền chị này có một dạo gắn bó lắm.

Thế mà đã bốn mươi năm kể từ năm 1969 ấy. Cái trụ sở Đoàn Quan họ Bắc Ninh vẫn nhỏ bé cũ kỹ giữa cái thành phố mới Bắc Ninh hoành tráng, Hai Tráng tiếp tôi với tư cách là người đứng đầu một đoàn nghệ thuật. Vẫn câu chuyện năm nào về Quan họ, nhưng bây giờ vị thế của Tráng đã khác. Tráng giờ được xem là trùm Quan họ. Đã là trùm thì phải lo cho cái nghiệp ấy, mà nghiệp Quan họ đâu chỉ có kịch mục, diễn viên trẻ đẹp hát hay? Văn hóa Quan họ cần người bảo tồn phát huy vốn nghệ thuật mà sắp tới đem trình thế giới xếp hạng di sản phi vật thể của nhân loại.

Tráng bảo: Ngày nhận việc ở đoàn là tôi nghĩ ngay đến hai việc lớn của Quan họ là lập một bộ phận lo bảo tồn chuyên sưu tầm giảng dạy Quan họ bên cạnh tổ chức đoàn nghệ sĩ trẻ hơn chuyên biểu diễn phát huy giá trị...

 Bao nhiêu việc phải làm để Quan họ là văn hóa, mà văn hóa là thứ cần giữ như giữ cái gốc cái nền của văn hóa dân tộc. Nếu mà không Quan họ, Kinh Bắc ơi có buồn? Câu thơ bạn tôi viết vì quá yêu Quan họ có thể đúng chăng, nếu một ngày đất này không còn Quan họ?…

Tân Linh
.
.
.