“Những bức hình kể chuyện”: Chấm dứt bạo lực với phụ nữ

Thứ Ba, 21/07/2020, 15:19
Triển lãm “Những bức hình kể chuyện” đã giới thiệu câu chuyện có thật về cuộc sống những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực. Công chúng không chỉ được thấy giọt nước mắt, nỗi đau mà còn cả nụ cười và sức mạnh nội tại của họ để vượt qua nghịch cảnh.


Trong suốt quá trình thực hiện điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), nhóm điều tra đã phỏng vấn gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi 15-64 và họ đã chia sẻ câu chuyện của chính mình.

Dựa trên thông tin ghi lại được, nhóm tư vấn truyền thông của UNFPA đã xây dựng các câu chuyện điển hình. Đặc biệt, để bảo mật thông tin chonạn nhân bị bạo hành, một số phụ nữ khác đã đồng ý chụp ảnh, giúp tái hiện nội dung những câu chuyện trên.

Bức ảnh được lựa chọn là một lát cắt cho thấy sự bất bình đẳng giới, bất công mà người phụ nữ phải gánh chịu. Đây là một thực tế đòi hỏi nhiều giải pháp và cách tiếp cận để hỗ trợ hiệu quả cho nạn nhận của bạo lực trên cơ sở giới.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng.

Điểm chung giữa các bức ảnh là người phụ nữ phải đối diện với bạo lực. Tuy nhiên không phải ai cũng tiếp tục chịu đựng. Có người đã hành động để giải thoát bản thân, giành lại cuộc sống tự chủ cho mình, như trong câu chuyện “Tôi sẽ không im lặng” hay “Giải thoát”,….

Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị bạo hành cao. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến. Thực trạng này cũng được phản ảnh trong số liệu của cuộc điều tra quốc gia và được trưng bày tại triển lãm. Trong đó, một nửa phụ nữ bị chồng bạo hành chưa từng chia sẻ với ai, hầu hết phụ nữ (90,4%) không tìm kiếm sự trợ giúp sau khi chịu bạo hành về thể xác hoặc tình dục.

Ba bức ảnh trong câu chuyện “Tôi sẽ không im lặng”.

Sau hơn 10 năm từ cuộc điều tra lần thứ nhất, người phụ nữ trong gia đình và xã hội Việt Nam đang từng bước được cải thiện. Họ sẵn sàng chia sẻ, đấu tranh hay thậm chí tố giác đối với bạo lực.

Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh: “Bạo lực đối với phụ nữ không bao giờ được chấp nhận. Tình trạng này có thể ngăn chặn được và chúng ta cần phải cam kết không khoan nhượng với bất kỳ hình thức bạo lực nào”.

Triển lãm mở đến hết ngày 23/7 trong khung giờ 10:00 – 20:00 tại Trung tâm triển lãm ảnh, 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 chỉ ra rằng cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, kiểm soát hành vi do chồng hoặc bạn tình gây ra trong đời; tỷ lệ bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua) là 31,6%.

Báo cáo cũng cho thấy phụ nữ khuyết tật có nguy cơ bị bạo hành cao hơn phụ nữ không bị khuyết tật. 4.4% phụ nữ ở Việt Nam cho biết họ bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 trong khi số liệu này ở sau tuổi 15 là 9%

Hà My
.
.
.