Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Thế Hiển: Nhánh lan rừng mãi nở

Thứ Sáu, 20/11/2015, 19:29
40 năm gắn bó với âm nhạc, “sở hữu” một khối lượng tác phẩm khá lớn, đến nay, dù đã ở tuổi lục tuần, nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Thế Hiển vẫn miệt mài sáng tác, vẫn rong ruổi với những chuyến đi và miệt mài dùng âm nhạc để kể những câu chuyện của cuộc sống.

Đi và hát, cảm nhận cuộc sống và sáng tác, với nhạc sĩ Thế Hiển, âm nhạc đã trở thành hơi thở và lẽ sống. Khán giả hôm nay đã rất quen thuộc với một Thế Hiển với hình ảnh người nhạc sĩ ôm cây đàn guitar hát và rất nhiều những ca khúc đã phổ biến đặc biệt sâu rộng trong cộng đồng: Nhánh lan rừng, Hát về anh, Tóc em đuôi gà, Dấu chấm hỏi… Í tai biết rằng, Thế Hiển đến với âm nhạc nhờ một “ngã rẽ” đặc biệt trong cuộc đời.

Sinh năm 1955, 20 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất của trường Luật khoa Sài Gòn, Thế Hiển chứng kiến thời khắc lịch sử: ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975. Nhạc sĩ cho biết, thời điểm ấy, gia đình anh sống ở phường 9 quận Phú Nhuận. Gia đình có 4 anh em thì cả 4 đều thích ca hát và hát trong một ban nhạc chung. Giải phóng, 4 anh em tham gia văn nghệ quần chúng. Nghệ sĩ ưu tú Mỹ An về địa phương giảng dạy thanh nhạc, gặp Thế Hiển và động viên anh đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Đây chính là khởi đầu cho bước ngoặt mới trong cuộc đời Thế Hiển. Sau này, chính nhạc sĩ cũng thừa nhận, đây là ngã rẽ tuyệt vời nhất trong cuộc đời. Với công chúng, ngã rẽ này đã mang đến không chỉ một nghệ sĩ đàn giỏi, hát hay mà còn là một nhạc sĩ với rất nhiều sáng tác mang đậm hơi thở cuộc sống.

Nhạc sĩ Thế Hiển và cây đàn guitar quen thuộc trong ngày rong ruổi cùng đoàn phim “Nhánh lan rừng mãi nở” tại Khánh Hòa.

Nhạc sĩ Thế Hiển kể lại, trong 4 năm học tại đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Bông Sen với lớp học trung cấp, tôi cũng được may mắn được những người thầy như NSUT Thanh Trì, NSND Quốc Hương, NSUT Hoàng Tín, NSUT Mỹ An, NSUT Quốc Trụ…Sau này, Thế Hiển còn tiếp tục trau dồi kiến thức tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Có cơ hội tiếp xúc với các nhạc sĩ, anh có điều kiện phát huy thêm sở trường sáng tác của mình. Sau “Triệu đóa hồng”, “Khi bong bóng bay”…, Thế Hiển còn đặc biệt được nhiều người biết đến với các ca khúc “Nhánh lan rừng”, “Hát về anh”,… Cùng với những chuyến rong ruổi biểu diễn cán bộ chiến sĩ khắp cả nước, nhất là vùng biên giới, hải đảo thì chính các ca khúc này đã đưa thế hiển trở thành “nhạc sĩ của bộ đội”. Hơn chục  năm trở lại đây, nhạc sĩ Thế Hiển gắn bó với đông đảo bạn trẻ với “Tóc em đuôi gà” và khá nhiều sáng tác về trẻ thơ… Với đối tượng khán giả nào, viết về “nhân vật” nào, Thế Hiển cũng được yêu mến.

Có một điều rất đặc biệt khác ở nhạc sĩ Thế Hiển là dường như anh “chạm” cảm xúc vào đâu là ở đó có tác phẩm âm nhạc. Nhạc sĩ cho biết, năm 1991, Thế Hiển có dịp ra ngoài Hà Nội. Giữa đêm đông, tình cờ gặp một em nhỏ nằm co ro trên phố giữa cái lạnh cắt da cắt thịt, anh xúc động, về sáng tác ca khúc “Dấu chấm hỏi” chỉ sau 5 giờ đồng hồ. Chính cái dáng em bé nằm co ro trên phố gợi đến hình ảnh của dấu chấm hỏi với rất nhiều câu hỏi về thân phận, về cuộc đời mà anh gửi gắm trong ca khúc… Có sáng tác như “Người mẹ và hoa sứ trắng”, nhạc sĩ viết khi xem một phóng sự trên truyền hình. Anh còn nhớ rất rõ, đó là phóng sự kể về người mẹ già, nhặt hoa sứ trắng để làm kế sinh nhai và chăm con trai là bệnh binh trong bệnh viên Quân Y 175. Phóng sự phát vào một chiều thành phố mưa nặng hạt. Mùa mưa cũng là mùa hoa sứ ít nở, mau tàn nhưng những cánh hoa chưa rơi mà nước mắt mẹ rơi. Những hình ảnh xúc động ấy đã rưng rức thành các nốt nhạc. Khi “Người mẹ và hoa sứ trắng” được phát sóng, người mẹ ấy đã được hỗ trợ, giúp đỡ có mái nhà yên ấm để trú ngụ khi mưa nắng…

Nhạc sĩ Thế Hiển trong vòng tay chúc mừng của bạn bè ngày ra mắt phim “Nhánh lan rừng mãi nở”.

Đi nhiều, sáng tác nhiều nhưng nhạc sĩ Thế Hiển ít để tâm lưu lại các tư liệu về những gì anh đã làm và làm thành công. Đạo diễn Trần Quốc Sơn, người được hãng phim TFS, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh giao làm phim tài liệu về nhạc sĩ Thế Hiển kể rằng, khi nhận làm phim, anh cứ nghĩ người như Thế Hiển sẽ có rất nhiều tư liệu để dành. Thế nhưng, khi bắt tay vào thực hiện, anh và ê kíp mới phát hiện nhạc sĩ gần như không lưu giữ được gì về hoạt động của anh bằng tư liệu. Làm phim, gần như tất cả phải bắt đầu dựng lại, kể cả các chuyến đi. May mắn là những người thân quen, biết Thế Hiển rất nhiều. Khi đặt vấn đề, kể cả với các đơn vị trong quân đội, các đồn biên phòng, nhờ Thế Hiển, đoàn đều được đón tiếp, giúp đỡ tận tình. Đến các địa phương khác lấy bối cảnh, quay, dựng, Thế Hiển luôn được người dân yêu mến. Thời điểm đoàn quay tại Khánh Hòa, người dân không chỉ giúp đoàn làm việc. Đến giờ nghỉ, nhiều người còn mang hải sản đến tặng, mời cơm… Nhờ những tình cảm, sự giúp đỡ đặc biệt ấy, sau 6 tháng, 2 tập phim tài liệu “Nhánh lan rừng mãi nở”  đã hoàn thành. Theo kế hoạch, phim sẽ được phát sóng vào 14h ngày 26/11 và 27/11 trên Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, kênh HTV9. Hy vọng, với 2 tập phim sẽ giúp người xem hiểu nhiều hơn về nghệ sĩ ưu tú Thế Hiển trong 40 năm rong ruổi ca hát và chắp cánh cho ca từ bằng âm nhạc…

N.Hoa
.
.
.