Nhạc sỹ Thế Hiển: "Tôi còn nợ cuộc sống rất nhiều"

Chủ Nhật, 28/02/2010, 10:24
Tôi biết nhạc sỹ Thế Hiển cách đây vừa đúng 25 năm. Khi đó, anh cùng các thành viên Đoàn Nghệ thuật Bông Sen TP HCM sang Liên Xô biểu diễn. Tại đó, sau khi biểu diễn xong ca khúc bằng tiếng Nga "Triệu triệu đoá hồng", một cô gái Nga bước lên sân khấu trao tặng anh một bông hồng, rồi nói: "Sao anh không phải là người Nga mà hát tiếng Nga và giai điệu Nga chuẩn thế".

Chưa kịp đáp lại, Thế Hiển đã được cô gái tặng thêm một nụ hôn. Ngày nay Liên Xô không còn nữa, song nước Nga và con người Nga với Thế Hiển vẫn là những kỷ niệm sâu đậm trong cuộc đời nghệ sĩ của anh.

"Cách mạng đã chắp nối cho đời tôi"

Gặp lại Thế Hiển trong một chuyến anh hành hương ra Bắc, so với ngày ấy, cách đây 25 năm mà tôi đã gặp, bây giờ xem ra anh có vẻ bận bịu và phong trần. Nhưng cái mừng ở anh mà tôi cảm nhận được là Thế Hiển vẫn thế, vẫn hồn nhiên, tươi trẻ và đam mê với nghề.

Sau vài câu chuyện, Thế Hiển nhìn trời, nhìn đất rồi bảo: "Nhanh thật, thế mà đã 35 năm". Giữa lúc tôi chưa hiểu anh còn định nói gì nữa thì Thế Hiển đã giải thích: "Còn mấy tháng nữa là chúng ta kỷ niệm 35 năm ngày miền Nam giải phóng. Tụi này đang thai nghén cho một nhạc phẩm về chủ đề đó đấy, bận mà vui anh ạ".

Thì ra ngày miền Nam giải phóng (1975), Thế Hiển tròn tuổi 20. Khi ấy anh đang là sinh viên Khoa Luật, Trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Sài Gòn tháng 5 năm ấy đối với giới trẻ thành phố kỳ diệu làm sao! Bao nỗi lo, thấp thỏm về tương lai đã vơi cạn, cách mạng về đã chắp cánh cho những ước mơ của lớp thanh niên ngày ấy.

Cũng như lớp lớp sinh viên thời chống Mỹ xuống đường biểu tình, đòi tự do, tranh đấu cho hoà bình, lớp sinh viên sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất cũng sôi động xuống đường tham gia nhiều hoạt động xã hội nhằm góp phần vào những đổi thay ở một đô thị vừa giải phóng.

Thế Hiển kể rằng, Sài Gòn giải phóng được ít ngày, anh tham gia phong trào văn nghệ quần chúng ở quận Phú Nhuận. Hồi đó, chàng sinh viên tuổi 20 này đâu có ngờ rằng từ cái phong trào mang tính "cây nhà lá vườn" ấy lại là tiền đề để anh trở thành ca sĩ rồi một nhạc sĩ nổi danh như hôm nay. Từ phong trào văn nghệ quần chúng đó, anh không ngờ đã lọt vào cặp mắt xanh của Nghệ sỹ ưu tú Mỹ An (vợ nhạc sỹ Ca Lê Thuần).

Bà là người phát hiện và gợi ý cho Thế Hiển thi vào Đoàn Nghệ thuật Bông Sen TP HCM. Bỏ lại phía sau những hoài bão trở thành một luật gia, sau khi được Đoàn Nghệ thuật Bông Sen tiếp nhận, phát hiện ở chàng thanh niên này có năng khiếu và tố chất bẩm sinh về âm nhạc và thanh nhạc, lãnh đạo đoàn đã quyết định cho Thế Hiển theo học khoá đào tạo 4 năm chuyên về thanh nhạc với sự hướng dẫn trực tiếp của Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương và Nghệ sĩ ưu tú Thanh Tứ.

Tốt nghiệp khoá học, cũng là một cơ hội để Thế Hiển được tham gia các chuyến lưu diễn tại nhiều miền quê khác nhau của Tổ quốc. Mỗi chuyến đi là đầy ắp những kỷ niệm buồn vui, chia sẻ với bao khó khăn, mất mát, những thân phận trong đời sống cộng đồng.

Và cũng từ những chuyến đi ấy để lại cho anh những cảm xúc sáng tạo, cảm hứng trong sáng tác về con người, đất nước. Và thế là nhạc phẩm đầu tay của anh "Khi bong bóng bay" đề cập về những ước nguyện của tuổi thơ đã ra đời từ những chuyến lưu diễn ấy.

Trách nhiệm nhân đôi

Sau những thành công của nhạc phẩm đầu tay được công chúng đón nhận, Thế Hiển dần dà tìm được chỗ đứng của mình. Đó là những góc khuất của cuộc đời. Với anh, trước một đất nước sau bao năm chiến tranh, kéo theo đó là bộn bề những bức xúc nảy sinh từ cuộc sống.

Ngày ngày Thế Hiển bắt gặp ở ngoài đường bao số phận của những đứa trẻ thất học, hàng ngày phải đi bán báo, vé số để tự nuôi mình. Và đêm về là những "dấu chấm hỏi" ở sân ga, lấy sân ga làm nơi trú ngụ nằm co ro ngủ ngoài trời như những con sâu đo.

Thế Hiển nhớ lại: "Một lần vào năm 1990, khi ra Hà Nội, một tối sau đêm diễn, tôi về khách sạn 30-4 nơi mình ở gần ga Hàng Cỏ thì thấy một đứa bé nằm ngủ ngoài trời. Khi đó gió mùa đông bắc đã về. Mưa phùn bay lay phay. Tôi thấy nó nằm như thế thì gọi dậy, dắt nó đi ngược lên hàng phở. Tại đây, tôi kêu cho tôi một bát phở và cậu bé một bát phở. Khi tôi hỏi thăm cha cháu là ai, mẹ cháu là ai?

Cậu bé trả lời: "Cháu lớn lên không biết cha, mẹ cháu là ai nên cháu phải đi bán báo, khi thì đi đánh giày". Nghe vậy, tôi khuyên nó: “Cháu sống bằng sức lao động của mình là tốt, đừng bao giờ dính vào trộm cắp". Ăn xong tô phở, tôi cho nó ít tiền. Một giờ sau khi về đến khách sạn, tôi không sao ngủ được. Tôi bật dậy đi ra sân ga và lại nhìn thấy cậu bé lúc nãy đang nằm co ro trên sân ga.

Lúc này, một luồng điện cảm xúc chạy trong người tôi. Ngay lập tức tôi đặt nhan đề bài hát mà tôi sắp viết là "Dấu chấm hỏi". Tôi viết một mạch từ 1 giờ đến 6 giờ sáng. Viết xong, tôi ôm đàn ngồi hát đi hát lại. Anh biết không, tôi vừa hát, vừa khóc. Khóc vì thương đứa trẻ bất hạnh, khóc vì mình đã sáng tác được một ca khúc dâng tặng cho đời".

Rất mừng ca khúc trên ít lâu sau đã giành được giải thưởng của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Một lần khác vào năm 1989, Thế Hiển xem một phóng sự về một mẹ già và một người con là thương binh.

Để nuôi mẹ, nuôi con, ngày ngày người mẹ phải đi nhặt nhạnh những bông hoa sứ, nhưng hoa chẳng rơi. Nước mắt mẹ nhòa đi trong mưa. Phóng sự trên khiến anh nhớ đến người mẹ đã sinh ra mình, bà cũng bán buôn, tần tảo để nuôi anh đi học rồi trở thành nhạc sĩ.

5 giờ chiều hôm đó, anh sáng tác bài hát "Người mẹ nhặt hoa sứ trắng" mà những giọt nước mắt cứ tràn ra. Sau khi bài hát này ra mắt công chúng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM đã tổ chức cuộc vận động xây dựng tặng người mẹ và người thương binh ấy căn nhà tình nghĩa. Thành phố còn đứng ra bảo trợ cho 2 mẹ con suốt đời.

Rồi biết bao những thân phận cuộc đời của người dân sống ở vùng sâu, vùng xa thiếu cái ăn, cái mặc, chứ chưa nói đến chuyện học chữ, học nghề được Thế Hiển đưa vào các ca khúc của mình.

Thế Hiển kể rằng, càng đi đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… thấu hiểu những khó khăn của đồng bào bao nhiêu, anh càng cảm phục những tấm lòng tận tâm, những tấm gương hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ Công an, Bộ đội biên phòng và những việc làm bình dị của các thanh niên tình nguyện.

Ở đây, họ thiếu thốn đủ thứ, cái mà họ có chỉ là tấm lòng và những việc làm tận tụy những mong mang cái chữ về với buôn làng. Và từ những chuyến đi ấy, đêm về Thế Hiển trằn trọc không sao ngủ được. Ca khúc "Hát về anh" rồi "Nhánh lan rừng" của anh được ra đời trong những hoàn cảnh ấy.

Theo Thế Hiển, người nghệ sỹ, trước những số phận như thế dường như trách nhiệm được nhân đôi. Có một câu chuyện mà Thế Hiển kể, tôi vẫn nhớ, còn Thế Hiển thì coi đó là kỷ niệm của riêng mình. Đó là vào đầu năm 2003, anh cùng anh chị em thanh niên tình nguyện ở TP HCM về huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

Tại đây, anh được chứng kiến một câu chuyện rất thương tâm. Đó là vào một buổi sáng, một cô giáo cũng là một thanh niên tình nguyện đến lớp không thấy lớp trưởng - một cô gái 9 tuổi. Ngày sau, ngày sau nữa cũng không thấy, khiến cô giáo rất giận.

Để rõ thực hư, cô tìm đến nhà và được chứng kiến một thảm kịch vừa xảy ra với nhà em. Thì ra, toàn bộ căn nhà của em lớp trưởng bị sóng đánh đổ sụp dưới dòng sông. Ngay đêm ấy và 2 đêm tiếp theo, cô huy động các bạn cùng lớp đốt đuốc tìm nhưng 3 ngày, 3 đêm vẫn không tìm được xác em và mọi người trong gia đình. Tuần sau, lớp học vẫn tiếp tục.

Mở đầu buổi học, cô đề nghị các em ở lớp bầu một bạn làm lớp trưởng thay cho bạn vừa mất. Nhưng khi cô giáo vừa nêu vấn đề lên thì một em học sinh đã đứng dậy phát biểu: "Cô ơi cô, theo em khỏi phải bầu lớp trưởng nữa, cứ để bạn ấy làm lớp trưởng là được rồi".

Sau câu nói đó, cả cô và trò đều khóc. Còn với Thế Hiển, chứng kiến cảnh đó, đêm về anh trằn trọc không sao ngủ được. Anh bật dậy sáng tác bài hát: "Cô giáo áo xanh - Thanh niên tình nguyện".

Một lần khác, Thế Hiển đến thăm các thương binh hỏng mắt ở Quân y viện 175. Tại đây, khi biết Thế Hiển đến, một thương binh nắm chặt tay anh rồi thổn thức: "Anh Thế Hiển ơi, anh hãy hát lại bài "Một ba lô, cây súng trên vai, người chiến sĩ quen với gian lao, ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ…".

Đáp lại yêu cầu của người thương binh, Thế Hiển lại vừa đàn, vừa hát và sau đó là cả phòng bệnh đều hát cùng anh. Sau lần ấy, một ca khúc mới được anh sáng tác "Những giọt nước mắt từ đôi mắt không còn" của anh ra đời để gửi tặng những thương binh hỏng mắt đang điều trị tại đây.

Một con người đa cảm

Đã ở vào cái tuổi ngoài 50, bàn chân của nhạc sĩ Thế Hiển in dấu ở hầu hết các địa phương của Tổ quốc, sáng tác hàng trăm ca khúc, nhưng Thế Hiển bao giờ cũng tự nhận mình là một con người, một nhạc sĩ đa cảm.

Theo anh thì tất cả những người làm công việc sáng tác đều đa cảm, chứ không riêng gì anh; bởi họ là những người thường được chứng kiến niềm vui và nỗi buồn của cuộc sống đương đại. Gần đây, Thế Hiển đã làm một công việc mang tính tổng kết, xâu chuỗi cuộc đời hoạt động sáng tác và biểu diễn của mình bằng một Album: "Nghệ sĩ Thế Hiển - Đời và nghề".

Album trên đã được thực hiện bởi 2 kênh truyền hình: SNTV và SCTV6. Tại đó vẫn là những khúc tâm ca đường phố với chủ đề xuyên suốt về những mảnh đời nghèo khó, tuổi thơ côi cút, bất hạnh. Thế Hiển bảo rằng: Để hoàn thành 12 khúc tâm ca này anh đã phải trải qua một quãng đời dài; sống, quan sát, nuôi dưỡng cảm xúc cho đến khi chín muồi mới cầm bút viết.

Tại đó, người nghe vẫn bắt gặp các khúc ca "Dấu chấm hỏi", "Nhong nhong nhong", "Một trái tim, một tấm lòng" và "Người mẹ nhặt hoa sứ trắng"… Sau những khúc ca trên, Thế Hiển dồn sức cho việc thực hiện chương trình "Hãy chắp cánh ước mơ" mà theo Thế Hiển dành cho Trung tâm nhân đạo Quê Hương ở tỉnh Bình Dương, rồi chương trình "Ký ức nhánh lan rừng - độc thoại và tự tình".

Tiếp nối các chương trình ấy là "Đợi chờ trong cơn mưa" gồm 18 ca khúc. Được biết vào trung tuần tháng 3 năm nay, chương trình "Đợi chờ trong cơn mưa" sẽ ra mắt công chúng Hà Nội với sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng.

Gần đây, người ta lại thấy Thế Hiển "tái xuất giang hồ" qua việc khai trương Câu lạc bộ Âm nhạc mang tên "Nhánh lan rừng" đặt tại 115/3 đường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Theo Thế Hiển thì khách đến với câu lạc bộ chủ yếu là bạn bè và những người quen biết. Đến đây, họ vừa thưởng thức các món ăn, vừa cùng nhau thưởng thức nhạc, thơ, họa…

Tất cả bạn bè đều ủng hộ anh thành lập câu lạc bộ này. Tại đây, các ca sỹ không chỉ hát các bài hát do anh sáng tác mà còn hát những sáng tác của nhiều nhạc sỹ khác tuỳ theo yêu cầu của khán giả. Đối với Thế Hiển, với "Nhánh lan rừng" sẽ làm nguôi ngoai nỗi buồn của người đàn ông cô đơn và biết đâu cũng từ câu lạc bộ ấy, một "Nhánh lan rừng" ưng ý sẽ hiểu và sẻ chia với anh.

Trước khi chia tay với tôi, Thế Hiển bảo rằng: "Tôi vô cùng cảm ơn cuộc sống này và cũng còn nợ cuộc sống rất nhiều. Hàng ngày tôi chạy xe Future, xài điện thoại cũ, ăn đói một chút không sao, miễn là tôi được toàn tâm, toàn ý sáng tác, làm từ thiện với hy vọng góp phần làm vơi đi những cơ cực, khốn khó trong đời sống thường nhật, các em tật nguyền có nụ cười trên môi, các em nghèo có tấm áo mới. Đó là niềm vui của tôi".

Thế Hiển là vậy, một nghệ sĩ vác đàn guitar đi lang thang trên đường phố

Lưu Vinh
.
.
.