“Mật mã Đặc khu” giải mã cuộc đời oanh liệt của nhà cách mạng Phan Kiệm

Thứ Tư, 19/04/2017, 11:49

Thiết thực kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2017), Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ra mắt cuốn sách “Mật mã Đặc khu” của Thượng tá, nhà báo Phan Tùng Sơn, Phó trưởng đại diện Báo Quân đội nhân dân tại phía Nam. 


Được viết theo thể loại truyện ký, “Mật mã Đặc khu” kể về cuộc đời hoạt động thầm lặng mà đầy oanh liệt của nhà cách mạng lão thành Phan Kiệm (1920 - 1998) với các bí danh Đào Tấn Xuân, Năm Thành, Năm Vân, Năm Xuân.

Ông từng là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Đăk Lăk, quyền Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn (nay là Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh) những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp; Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn (nay là Thành ủy TP Hồ Chí Minh) giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phan Kiệm là một trong những hình mẫu của cán bộ cách mạng đa năng, xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, không ngại đương đầu hiểm nguy mà lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn sâu sắc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng.

Thượng tá, nhà báo Phan Tùng Sơn (thứ hai, từ trái sang) tại buổi ra mắt sách.

Với 8 chương trong gần 300 trang sách, Thượng tá Phan Tùng Sơn đã khắc họa cuộc đời nhà cách mạng Phan Kiệm bằng những trang viết chân thực, sinh động, nhiều trường đoạn thót tim, gây cấn. Đó là giai đoạn Phan Kiệm tổ chức chỉ đạo hoạt động quân sự, tình báo ở Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn; những năm đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù trong lao tù; hành động mưu trí, dũng cảm vượt ngục để trở về tiếp tục hoạt động cách mạng…

Người đọc thấy rõ bản lĩnh, dũng khí, tài thao lược của ông, đồng thời có được cái nhìn cận cảnh về cuộc đấu tranh gian khổ, gay gắt giữa ta và địch trong những năm tháng nước sôi lửa bỏng.

Thượng tá, nhà báo Phan Tùng Sơn ký tặng sách cho bạn đọc.

Ấp ủ thực hiện cuốn sách trong vòng 4 năm, Thượng tá Phan Tùng Sơn chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nơi, trở về Quảng Trị - quê hương đồng chí Phan Kiệm, đến những địa danh đồng chí đã từng hoạt động để tìm gặp nhân chứng, nghiên cứu tư liệu lịch sử nhằm tái hiện lại một cách chân thực, sinh động chân dung của ông. Mặc dù đã rất cố gắng, song do thời gian đã lâu, nhiều di tích, hiện vật lịch sử bị chiến tranh tàn phá nặng nề, phần lớn những nhân chứng đã về thế giới bên kia nên những gì chúng tôi làm được có thể chỉ mới là những nét phác thảo trong sự nghiệp cách mạng đồ sộ của nhân vật”. 

Quỳnh Nga
.
.
.