Lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định và ký ức Mậu Thân hào hùng

Thứ Sáu, 02/02/2018, 15:46
Sáng 2-2, các nhân chứng của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 đã có buổi giao lưu với thế hệ trẻ tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP Hồ Chí Minh.

Đây là chương trình thiết thực nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân do Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh, Đường Sách TP Hồ Chí Minh và Phương Nam Book tổ chức từ ngày 30-1 đến ngày 4-2.

Các nhân chứng của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định giao lưu với khán giả. 

Ký ức cuộc nổi dậy 50 năm trước hiện lên đầy xúc động, hào hùng qua lời kể của các nhân chứng lịch sử gồm ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống Biệt động Sài Gòn; bà Võ Minh Nghĩa, chiến sĩ biệt động tham gia trận đánh vào dinh Độc Lập; ông Lê Văn Duy, phóng viên chiến trường; bà Phùng Ngọc Anh, người sống sót trong cuộc thủ tiêu đồng chí Trần Văn Kiểu và Lê Thị Riêng.

Bà Võ Minh Nghĩa trò chuyện với sinh viên. 

Cũng như các đồng chí trong lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định, mùa xuân năm 1968, họ mang trọng trách tập kích, đánh chiếm, khống chế những mục tiêu đầu não của địch, đảm bảo cho các tiểu đoàn mũi nhọn và các lực lượng khác đến tiếp ứng.

Nhiều bạn học sinh, sinh viên có mặt tại buổi giao lưu không khỏi tò mò thắc mắc: tại sao lực lượng biệt động có thể qua mặt hệ thống kiểm soát dày đặc và gắt gao của chính quyền Sài Gòn, vận chuyển trót lọt một lượng lớn vũ khí vào nội thành để phục vụ cuộc nổi dậy? Ông Nguyễn Quốc Độ chia sẻ rằng tất cả nhờ sức mạnh lòng dân. Dưới sự chở che, đùm bọc của nhân dân, những chiếc xe, cần xé, ghe xuồng chở nông sản, vật liệu xây dựng… từ khắp nơi đổ về Sài Gòn đều được lực lượng biệt động khéo léo giấu vũ khí. Những trái khổ qua, trái mít, dứa, bộ ván… được khoét rỗng ruột và nhồi vũ khí vào trong. Chính vì vậy cuộc tiến công quân ta khiến địch bất ngờ, hoảng hốt.

Các nhân chứng của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định chụp hình lưu niệm cùng sinh viên. 

Câu chuyện về trận đánh ác liệt, về tình đồng đội, đồng chí, về tinh thần yêu nước của các nhân chứng truyền đi hào khí bất khuất ngàn đời của cha ông, hun đúc lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ.

 Cũng trong đợt hoạt động này, Đường sách còn giới thiệu đến du khách nhà triển lãm chủ đề “Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh – Những mùa xuân: Tạo dựng – Tự hào – Phát triển”. Tại đây trưng bày nhiều tựa sách, băng đĩa về Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Dự kiến nhà triển lãm sẽ phục vụ du khách đến hết ngày 19-2. 

Quỳnh Nga
.
.
.