Không cho quá 20 khách đi qua Chùa Cầu một lượt
- Gần 30.000 du khách tham dự các hoạt động của Tết Độc Lập
- Nhiều chương trình nghệ thuật bổ trợ đặc sắc phục vụ du khách trong dịp 2-9
- Để tạo ấn tượng tốt cho du khách, cần nói không với “cò”
Theo bản thông báo của Cổng thông tin điện tử TP Hội An: “Hiện nay di tích Chùa Cầu đang trong tình trạng xuống cấp. Các liên kết của khung gỗ đã yếu dẫn đến di tích bị xô lệch và chuyển vị ở nhiều vị trí; nhiều cấu kiện bị hư hỏng nặng và đang xuất hiện nhiều vết nứt có thể dẫn đến nguy cơ sụp đỗ trong thời tiết có gió bão lớn và nhất là di tích luôn trong tình trạng quá tải lượng khách tham quan hằng năm”.
Theo đó, để đảm bảo an toàn của du khách và hạn chế tác động gây ảnh hưởng đến hiện trạng di tích, UBND TP Hội An đã có văn bản đề nghị các đơn vị khi tổ chức tham quan tại di tích Chùa Cầu có phương án điều tiết, duy trì số lượng tối đa mỗi lượt không qua 20 khách. Các đơn vị lữ hành cần thông tin, thuyết minh với khách tham quan để hiểu rõ hơn về thực trạng của di tích và chấp hành theo chủ trương của thành phố.
Du khách tham quan Chùa Cầu. TP Hội An thông báo chỉ cho phép không quá 20 khách đi qua Chùa Cầu. |
Chùa Cầu vừa là công trình giao thông, vừa là công trình tín ngưỡng, là biểu tượng của sự giao lưu văn hóa lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hằng ngày, Chùa Cầu phải đón tiếp trung bình 4.000 lượt khách.
Theo TP Hội An, di tích Chùa Cầu được cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990, là biểu tượng của Di sản Văn hóa thế giới Hội An. Nơi đây trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách mỗi khi đến phố cổ Hội An. Chùa Cầu còn có tên gọi khác là cầu Nhật bản, tên chữ Lai Viễn Kiều do chúa Nguyễn Phúc Chu ban vào năm 1719. Tương truyền cầu do người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ XVII.