Khơi dậy ký ức “Chiếc gậy Trường Sơn” qua những trang viết

Thứ Bảy, 15/07/2017, 07:56
“… Sự hy sinh đó luôn được ghi sâu vào trong tiềm thức mỗi con người sống trên mảnh đất này… Em hứa sẽ cố gắng học tập thật giỏi để sau này xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp!...”, đó là dòng cảm xúc mà em Vũ Khánh Mai, lớp 8B, Trường THCS Hòa Xá (huyện Ứng Hòa – thành phố Hà Nội) thể hiện trong bài dự thi “Tìm hiểu lịch sử 50 năm phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”, cuộc thi do xã Hòa Xá tổ chức đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Thông qua cuộc thi, niềm tự hào về phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” lại được dấy lên.


Sức lan tỏa sâu rộng từ một cuộc thi

Trung tuần tháng 7-2017, có mặt tại xã Hòa Xá, dễ thấy không khí làm việc tất bật của các thành viên trong Ban Tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử 50 năm phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” (1967-2017)”. 

Trong tủ lưu trữ hồ sơ của Văn phòng Đảng ủy xã – cơ quan thường trực cuộc thi, hàng trăm bài viết dự thi được xếp ngay ngắn. Anh Lưu Tiến Việt, thư ký Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, nhân kỷ niệm 50 năm phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”, chính quyền xã đã tổ chức cuộc thi trên, qua đó nhằm tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nhất là với thế hệ trẻ trong xã và các vùng lân cận hiểu rõ hơn về lịch sử truyền thống cách mạng địa phương.

Ngày 19-5, cuộc thi chính thức phát động và đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con, các em học sinh đang sinh sống, học tập trên địa bàn. Sau gần hai tháng, đã có 639 bài viết dự thi; 100% bài thi gửi đến Ban Tổ chức đều được các tác giả viết tay. 

Đại diện Ban Tổ chức trao thưởng cho các tác giả đoạt giải.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, nhiều bài viết thể hiện sự công phu khi đóng thành quyển với hàng chục trang giấy, bìa in trang trọng, kèm với đó là những hình ảnh minh họa. Chính bởi sức lan tỏa của cuộc thi, nên những ngày qua, đặt chân lên Hòa Xá, đâu đâu chúng tôi cũng thấy bà con trao đổi sôi nổi về các nội dung có liên quan đến cuộc thi. Anh Lưu Tiến Việt đưa chúng tôi xem các bài dự thi. Thật ngạc nhiên thay, các tác giả dự thi không chỉ có cán bộ, công chức, mà các bác cựu chiến binh, cán bộ lão thành, các em học sinh nhỏ tuổi cũng nhiệt tình tham gia.

Ông Vũ Trọng Đại, Phó Chủ tịch HĐND xã, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi vui mừng chia sẻ, ở câu hỏi số 5 – phần tự luận, các tác giả đều thể hiện sự tự hào về truyền thống, quê hương Hòa Xá anh hùng của mình. Qua nội dung được trình bày trong bài dự thi, mọi người đều thể hiện sự quyết tâm kế thừa, phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng của địa phương, dân tộc, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Thêm yêu quê hương, không ngừng phấn đấu

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Hòa Xá là một trong nhưng xã đi đầu về phong trào tòng quân đánh giặc và xây dựng lực lượng dân quân du kích vững mạnh. Xã đã tiến hành 27 đợt tuyển quân và tiễn đưa 537 thanh niên lên đường nhập ngũ; 50 người tham gia thanh niên xung phong và dân quân hỏa tuyến. 

Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước. Trong đó, phải kể đến danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” (năm 1973) và “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới” (năm 2000). 

Đáng chú ý, vào tháng 4-1967, trong một chuyến đi công tác thực tế ở làng Hòa Xá, cảm động trước lòng yêu nước mãnh liệt của bà con nơi đây, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn”. Ca khúc này sau đó đã lan tỏa rộng rãi, trở thành phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”, cổ vũ khí thế đánh giặc của lớp lớp thanh niên trên cả nước.

Sáng 13-7-2017, buổi tổng kết trao giải cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử 50 năm phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” (1967-2017)” diễn ra đúng vào dịp chính quyền xã Hòa Xá long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”. Từ đầu giờ sáng, hội trường lớn UBND xã Hòa Xá đã có đông bà con và các em học sinh. Mọi người đến nhận giải thưởng đều mang trong mình một tâm trạng lâng lâng khôn tả. 

Cô giáo Lưu Thị Lương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Xá – tác giả đoạt giải Nhì cuộc thi, vừa khoe chúng tôi giấy khen của Ban Tổ chức vừa cho biết, cô là người con của Hòa Xá. Những tư liệu, truyền thống cách mạng của xã đã thành hành trang trên vai cô từ lâu. Thấy xã phát động cuộc thi, cô đã dành trọn 1 tuần để sưu tầm, tập hợp thêm tư liệu và viết ra những dòng cảm tưởng của mình thông qua 10 trang giấy. 

“Nhận được giải, mình vui lắm! Mình nguyện khắc ghi công ơn của ông, cha đi trước, và sẽ cố gắng hơn nữa trong công tác giảng dạy, giáo dục truyền thống cách mạng cho các em học sinh của mình”, cô giáo Lương tiếp lời.

Có trực tiếp chứng kiến lễ trao giải cuộc thi viết tìm hiểu về phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” ở Hòa Xá mới thấy được hết sức lan tỏa của cuộc thi. Trong danh sách các cá nhân đạt giải thưởng lần này, bên cạnh các bác cựu chiến binh như: Bác Hà Như Ý (đoạt giải Nhất), bác Chu Thị Cải (giải Khuyến Khích), bác Lưu Tiến long (đoạt giải Khuyến khích)… còn có sự xuất hiện của các tác giả là các em học sinh, đoàn viên thanh niên. Với các em – lớp thế hệ sau này, cuộc thi thật ý nghĩ khi đã trang bị thêm những kiến thức lịch sử, truyền thống cách mạng quý báu. 

Em Vũ Tâm Đan, ở xóm Vực, đoàn viên Chi đoàn 1 – Đoàn Thanh niên xã Hòa Xá, hiện đang là sinh viên năm thứ 3 – Trường Đại học Điện Lực (Hà Nội) hồ hởi khi nhắc đến việc mình đạt giải Nhì. 

Đan cho biết, khi được chị Bí thư Chi đoàn 1 phổ biến cuộc thi, Đan đã tranh thủ thời gian về quê vừa ôn thi hết môn, vừa thu thập thêm tài liệu để viết bài gửi dự thi. Những câu chuyện về phong trào, lịch sử cách mạng quê hương mà ông, bà, cha mẹ cũng như các bác cựu chiến binh thường kể, rồi những kỷ vật, tư liệu lịch sử được lưu trữ tại Bảo tàng Hòa Xá – Bảo tàng quê hương phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” sau đó đã được Đan hệ thống, thể hiện một cách sinh động trên các trang giấy. 

Chia sẻ về cuộc thi, Đan cho hay: “Cuộc thi đã giúp em hiểu thêm về truyền thống cách mạng quê nhà. Những gì mà em được biết thông qua quá trình tìm hiểu tư liệu càng khiến em thấy yêu quê hương, nỗ lực học tập hơn nữa. Để sau này trở thành người có ích cho xã hội.”.

Đại diện Ban Tổ chức trao thưởng cho các tác giả đoạt giải.
Trần Huy
.
.
.