40 năm tìm lại chiếc gậy Trường Sơn

Thứ Ba, 29/07/2008, 10:13

"Quê hương tôi làm chiếc gậy hành quân/ Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn", bài hát "Chiếc gậy Trường Sơn"của nhạc sĩ Phạm Tuyên ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như một lời hiệu triệu thanh niên cả nước xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Xã Hòa Xá (Ứng Hòa, Hà Tây) là nơi nhạc sĩ Phạm Tuyên đi thực tế để sáng tác bài hát nổi tiếng này, nhưng một trong những "Chiếc gậy Trường Sơn" đầu tiên làm cảm hứng cho người nhạc sĩ ấy, sau gần 40 năm lưu lạc mới trở về với chủ nhân của nó là một người thương binh…

Chiếc gậy đi vào thi ca

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", Đảng bộ và chính quyền xã Hòa Xá đã phát động nhiều phong trào cách mạng, trong đó có phong trào "Hành quân mang nặng đường dài", với khẩu hiệu: "Vai đeo 25 cân, chân đi ngàn dặm, vượt suối băng ngàn, sẵn sàng nhập ngũ", "Tiền tuyến cần một, Hoà Xá có hai, đã đi là đến, đã đến là đánh thắng". Phong trào phát triển rầm rộ, thu hút đông đảo bô lão, phụ nữ… đặc biệt là trai tráng trong làng dưới 17 tuổi đều tham gia "Phân đội dự bị" và hưởng ứng phong trào "Hành quân mang nặng đường dài" để rèn luyện sức khỏe, chờ ngày ra trận.

40 năm tìm lại chiếc gậy Trường Sơn -0
Đình làng Hòa Xá, quê hương của chiếc gậy Trường Sơn.

Trong đợt tòng quân năm đó của Hòa Xá, ngoài các tân binh còn có ba người thuộc diện tái ngũ là Lưu Quốc Long, Đỗ Tít và Phùng Văn Quán (Phùng Quán). Cùng chà lứa nên Long, Tít và Quán rất gắn bó với nhau. Họ đã cùng tập luyện, đêm đêm vai đeo sọt đá, chống gậy hành quân trên con đê làng rồi lại vòng qua những bờ bãi của dòng sông Đáy thơ mộng. Trước ngày đi B, họ bàn nhau đẵn 3 cây gậy mới làm "bạn đường".

Đỗ Tít chọn một thân trúc già; Lưu Quốc Long chọn một thân tre đực; riêng Phùng Quán chọn một thân cây rừng vừa cứng, vừa nhẹ, to bằng cỡ ngón chân cái người lớn, dài khoảng 1,2 mét. Đường ra trận vất vả và gian lao nhưng luôn phơi phới niềm tin chiến thắng. Sau binh trạm tại Nghệ An, hầu hết các tân binh phải hành quân bộ. Và cây gậy đã trở thành người bạn đồng hành, đồng cảm của các chinh nhân.

Những lúc nghỉ tạm (chỉ đứng tại chỗ), cây gậy tỏ ra đắc dụng hơn bao giờ hết. Nó trở thành giá đỡ tạm thời chiếc ba lô trĩu nặng và những vật dụng khác, trọng lượng hàng chục kilôgam. Càng đi vào phía Nam, hơi thở của chiến tranh càng dồn dập và nóng bỏng hằng ngày. Cây gậy làm người bạn thân thiết, là hiện thân của quê hương và nguồn động viên ba chàng trai Hòa Xá.

Tranh thủ lúc được nghỉ ngơi, họ dùng dao găm cẩn thận khắc lên 3 cây gậy những dòng chữ đầy chí khí. Cây gậy của Phùng Quán được khắc dòng chữ in hoa nổi bật ở phần nửa trên thân gậy: "Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"; một dòng chữ nhỏ hơn: "Trường Sơn - 1-4-1967". Phần đầu cây gậy có dòng chữ "Phùng Quán"…

40 năm tìm lại chiếc gậy Trường Sơn -0
Nhà truyền thống xã Hòa Xá.

Trên đường Trường Sơn ào ào lá đỏ, bất ngờ ba chàng trai Hòa Xá gặp được người đồng hương, đó là anh Phùng Tuấn ở Đoàn 559, được ra Bắc nghỉ phép (sau này anh Tuấn hy sinh tại Trường Sơn). Anh em mừng rỡ, tíu tít hỏi thăm nhau. Phùng Tuấn hỏi, có gì gửi về quê làm quà, anh chuyển giúp cho. Đỗ Tít, Lưu Quốc Long và Phùng Quán nhìn nhau, rồi cả ba người quyết định: Gửi cây gậy hành quân về quê hương làm kỷ niệm!

Lúc tiễn biệt, bốn anh em bùi ngùi không biết bao giờ gặp lại. Vượt qua bao vất vả, đường sá xa xôi, bom rơi, đạn nổ… anh Phùng Tuấn đã hoàn thành sự ủy thác của những người đồng hương, đưa 3 cây gậy về tận gia đình họ. Câu chuyện về "Chiếc gậy Trường Sơn" lan rộng khắp làng, bà con xôn xao đến thăm hỏi, động viên gia đình và ngắm nghía 3 cây gậy được đưa ra từ chiến trường máu lửa.

Từ đây, 3 cây gậy không còn là kỉ vật của riêng các gia đình có người đi chiến trường nữa. Nhận thấy ý nghĩa và giá trị tinh thần to lớn của "Chiếc gậy Trường Sơn", Đảng ủy, chính quyền xã Hòa Xá đã đề nghị gia đình các đồng chí Đỗ Tít, Lưu Quốc Long và Phùng Quán tặng những kỉ vật cho xã, để trưng bày trong nhà truyền thống.

Tháng 7/1967, nhạc sĩ Phạm Tuyên đi thực tế ở Hòa Xá. Được nghe kể về "Chiếc gậy Trường Sơn", tận mắt chứng kiến đêm đêm những phân đội dự bị hăng hái vai đeo sọt đá, tay chống gậy hành quân dã ngoại rèn luyện sức khỏe… đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác nhạc phẩm "Chiếc gậy Trường Sơn". Bài hát này nhanh chóng được phổ biến rộng rãi và có sức lôi cuốn thanh niên cả nước hăng hái tòng quân chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Châu về Hợp Phố

Một sáng tháng 7 chang chang nắng, chúng tôi tìm về Hòa Xá và được Xã đội trưởng Phùng Văn Thục cùng Phó Công an xã Phạm Quang Xướng đưa đến nhà "anh Phùng Quán" năm xưa. Khi chúng tôi đến, ông Quán đang lúi húi quét dọn khoảnh sân trước nhà. Trước mắt chúng tôi là ông lão nhìn già hơn cái tuổi 67, nước da vàng bủng, chậm chạp nhưng vẫn còn minh mẫn… Trong ba chàng trai Hòa Xá gắn với "Chiếc gậy Trường Sơn" năm xưa, đồng chí Đỗ Tít đã hy sinh ở chiến trường B, hai người còn lại là Lưu Quốc Long và Phùng Quán đều là thương binh và cùng bị ảnh hưởng của chất độc da cam. 

"Hôm ấy, sau một trận đánh ác liệt, tôi ngồi trong hầm của Đại đội trưởng và nghe chương trình của Đài Phát thanh Giải phóng. Bất chợt, có lời giới thiệu tóm tắt rồi bài hát "Chiếc gậy Trường Sơn" cất lên… Tôi lặng người vì xúc động!" - ông Quán nhẩn nha kể lại lần đầu tiên được nghe bài hát mà ông là người trong cuộc…

40 năm tìm lại chiếc gậy Trường Sơn -0
Ông Quán bồi hồi xem lại dòng chữ khắc trên chiếc gậy Trường Sơn năm xưa.

Năm 1970, trong một trận chiến đấu, Phùng Quán bị thương và được đưa ra Nghệ An để điều trị. Ông được xếp hạng thương binh 4/4 và xuất ngũ. Ngày người cựu binh trở về, người mẹ già mừng rỡ vì đứa con trai duy nhất không bị chiến tranh cướp mất. Ngôi nhà tranh một mẹ, một con trống vắng nên mẹ bắt Phùng Quán lấy vợ để đỡ cô quạnh. Thuận lòng mẹ, ông Quán cưới vợ năm 1971, đẻ liền một mạch 5 đứa con.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến hai vợ chồng ông quần quật từ sáng đến tối. Tích cóp mãi họ mới dám xây nhà, từ lúc đặt viên gạch xuống móng đến lúc hoàn thành căn nhà lợp ngói 4 gian, kéo dài từ năm 1973 đến 1983! Rồi những năm hợp tác xã, bao cấp khó khăn khiến ông chẳng còn đầu óc nào nghĩ đến "Chiếc gậy Trường Sơn" của mình.

Cho đến một ngày, ông Quán được biết, do nhà truyền thống xã phải sửa chữa, 3 chiếc gậy Trường Sơn được đưa về cất tạm trong một căn phòng của Ủy ban xã. Nhớ đến chiếc gậy từng gắn bó với mình, ông Quán ra Ủy ban tìm lại thì không thấy đâu nữa! Ông Quán băn khoăn dò hỏi nhiều người có trách nhiệm thì được biết, trong 3 chiếc gậy (hiện vật gốc), Quân khu và Quân sự tỉnh đã mượn 2 chiếc để trưng bày, còn 1 chiếc để lại cho xã… Ông Quán trở về nhà, dằng dặc nỗi nhớ thương người bạn cố tri của mình không biết đang lưu lạc nơi đâu?

Song cuộc sống luôn có những điều thú vị bất ngờ. Trong số những người con gái của ông Quán, có chị Phùng Thị Anh lấy chồng gần nhà bà cụ Dương (gọi theo tên người con trai), ở cùng thôn Hoà Xá. Khoảng năm 2003, trong một lần cụ Dương chống gậy sang nhà mình chơi, chị Anh cầm cây gậy, tẩn mẩn ngắm nghía. Trên cây gậy cũ kỹ, chị đọc được những dòng chữ từng được nghe kể nhiều lần, đặc biệt ở phần trên cùng có khắc tên "Phùng Quán"!

Nhận được tin báo từ con gái, ông Phùng Quán lật đật chạy sang nhà cụ Dương xin cụ cho xem cây gậy. Của ấy, báu này - ông làm sao quên được! Được biết, cây gậy là vật bất ly thân của cụ Dương, do một người trong họ biếu từ lâu! Ông Quán vội về nhà, tìm đẵn một cây trúc già làm chiếc gậy đẹp mang biếu cụ Dương và xin chuộc lại "Chiếc gậy Trường Sơn" của mình. Sau nhiều năm lưu lạc, hai người bạn cũ bùi ngùi tái ngộ trong niềm vui sướng đến nghẹn lòng…

Duy Hiển - Anh Hiếu
.
.
.