Hé lộ những "chiến thắng ngoại giao" trong cuộc tổng tiến công năm 1975

Thứ Sáu, 10/04/2020, 16:10
Trong tháng 4 này, nhân kỷ niệm 45 năm ngày nhân dân Việt Nam giành hoàn toàn độc lập và thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Thế giới đã giới thiệu bản dịch cuốn hồi ký sang tiếng Pháp của dịch giả Nguyễn Đắc Như Mai. Cuốn sách được xuất bản dựa theo nguyên văn hồi ký phát hành lần đầu của Đại sứ Võ Văn Sung vào năm 2005.


Xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Việt năm 2005, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh tổng tiến công vào Sài Gòn toàn thắng, mở đường cho nền độc lập, thống nhất của nước Việt Nam sau 20 năm bị chia cắt, cuốn hồi ký "Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris" của nguyên Tổng đại diện chính phủ Việt Nam tại Pháp Võ Văn Sung đã gây tiếng vang lớn.

Lược đồ Chiến dịch Hồ Chí Minh
Trong tháng 4 này, nhân kỷ niệm 45 năm ngày nhân dân Việt Nam giành hoàn toàn độc lập và thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Thế giới tiếp tục giới thiệu bản dịch cuốn hồi ký sang tiếng Pháp của dịch giả Nguyễn Đắc Như Mai, Tiến sĩ Khoa học và Lịch sử - một nữ trí thức người Việt Nam tại Pháp. Cuốn sách được xuất bản dựa theo  nguyên văn hồi ký phát hành lần đầu của Đại sứ Võ Văn Sung vào năm 2005.

Tác giả cuốn “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris”- nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung là nguyên thành viên phía Việt Nam trong cuộc đàm phán bí mật Lê Đức Thọ-Kissinger đưa đến bản Hiệp định hoà bình Paris, là Đại sứ đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp lúc đó.

Không chỉ là một chứng nhân lịch sử và là một trong những chuyên gia Việt Nam hàng đầu am tường về quan hệ Việt-Pháp thời hiện đại, Đại sứ Võ Văn Sung thực sự là một trong những nhân vật chủ chốt đã góp phần tạo nên làn sóng từ tháng 4 đến tháng 5 năm 1975 ở Paris (Pháp) và khắp trời Âu cộng hưởng với Chiến dịch Hồ Chí Minh và mừng Việt Nam toàn thắng.

Đại sứ Võ Văn Sung đã đề tên cuốn sách như về một chiến dịch quân sự, bởi trong đó ghi nhận với lòng biết ơn sâu sắc những hoạt động rất sáng tạo, sôi động, đầy trách nhiệm của những người đại diện ngoại giao Việt Nam tại Pháp và của đông đảo Việt Kiều đối với vận mạng giành hoàn toàn độc lập và thống nhất cho Tổ quốc Việt Nam. Ông gọi đó là mặt trận Ngoại giao, phối hợp với mặt trận Chính trị và Quân sự ở Việt Nam như ba yếu tố hợp thành sức mạnh chính nghĩa của cuộc kháng chiến. 

Cuốn hồi ký được dịch sang tiếng Pháp và được Nhà xuất bản thế giới ấn hành tháng 4 năm nay. 

Cuốn sách cũng đặc biệt tri ân những người bạn Pháp đã kiên trì, nhiệt thành ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Trong đó phải kể đến là Đảng Cộng sản Pháp như người bạn thuỷ chung của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh; là những bạn Pháp thuộc nhiều thành phần, chính kiến và nhiều chính khách theo chủ trương của Tướng quân De Gaulle phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương như một nhân tố tích cực quan trọng. Ngoài ra còn nhiều bạn bè quốc tế ở Tây Âu và châu Mỹ đã vô tư và âm thầm ủng hộ giúp đỡ Việt Nam trong bước ngoặt lịch sử đặc biệt này.

Với văn phong cô đọng, cách truyền tải thẳng thắn rất độc đáo, tập hồi ký không chỉ là tư liệu lịch sử rất hiếm có về những người Việt Nam, về phong trào Việt Kiều và bạn bè ở Pháp trong thời kỳ từ sau ngày ký kết Hiệp định Paris năm 1973 đến năm 1975. Tập hồi ký còn ghi lại những tình cảm rất sâu đậm của con người Việt Nam xa quê, về tình hữu nghị chân thành trong mối tương tác tốt đẹp, đầy hiệu quả và đa dạng giữa các bạn bè cộng đồng quốc tế với Việt Nam.

Cuốn hồi ký từng được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành lần đầu năm 2005 nhân kỷ niệm 30 năm ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, sau đó được tái bản hai lần vào năm 2012 và năm 2015.


H.Chi
.
.
.