Ký ức của người lính quân y trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Thứ Tư, 29/04/2015, 19:21
“Anh dũng, kiên cường, sẵn sàng đánh đổi tính mạng để bảo vệ tự do, độc lập cho dân tộc, đồng đội của tôi có những người trước lúc hy sinh môi vẫn còn mấp máy 2 từ “quyết thắng”. Với tôi, sống sót và trở về sau chiến tranh là điều may mắn lớn nhất. Vì thế, tôi luôn tâm niệm phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội”…

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Doãn Công, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), người lính quân y trực tiếp tham gia chữa bệnh cho hàng trăm thương bệnh binh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1967, cũng như bao thanh niên khác, ông Công nhập ngũ rồi tham gia vào đơn vị huấn luyện lính trinh sát bộ binh Quân khu 4.

Vài tháng sau, ông vào Hướng Hóa (Quảng Trị) chuyển sang công tác tại Ban tham mưu Lữ Đoàn 45 của Bộ Tư lệnh pháo binh với nhiệm vụ cảnh vệ cho cán bộ chỉ huy. Năm 1971, ông Công được cử đi học trường Y ở Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội).

Năm 1974, ngụy quyền ở Đà Nẵng xây dựng căn cứ kiên cố, trang bị vũ khí tối tân đặt tại Thượng Đức, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Tại đây, chúng huênh hoang gọi là “cánh cửa thép”, đồng thời tuyên bố “nước sông Vu Gia chảy ngược thì việt cộng mới chiếm được Thượng Đức”.

Tuy nhiên, trước tinh thần chiến đấu mưu trí, quả cảm của quân và dân ta, ngày 7/8/1974, “cánh cửa thép” Thượng Đức bị ta phá vỡ trong sự ngỡ ngàng của địch. Trong trận chiến ác liệt này, quân đội ta cũng bị thương vong rất nhiều.

Ông Nguyễn Doãn Công.

Tháng 10/1974, ông Công cùng đoàn cán bộ Bác sỹ chuyên khoa của Cục quân y nhận lệnh tiếp quản các đơn vị quân y ở các huyện A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên Huế). Khi đó, ông Công tham gia vào Đội điều trị 84 thuộc Quân đoàn 2 để cứu chữa cho những thương binh trong trận chiến Thượng Đức.

Ông kể: “Lúc ấy cả đội điều trị hầu như không có máy móc, phương tiện hỗ trợ nào. Thương binh bị đạn bắn vào đâu thì mổ, gắp mảnh đạn ở đó; bị gãy chân tay chỗ nào thì dùng nẹp tre để cố định lại, hoặc cắt bỏ những phần cơ thể không thể phục hồi. Trong trận Thượng Đức, số thương vong của ta không ít, một ngày có hàng trăm ca nặng nhẹ được chuyển đến. Thiếu bác sỹ chữa bệnh nên tôi được điều động tham gia phụ bác sỹ phẫu thuật những ca khó và trực tiếp phẫu thuật những ca đơn giản”.

Cũng trong những trận chiến sinh tử với địch đã có nhiều sự ra đi của đồng đội làm ông ám ảnh không nguôi.

Ông Công cùng người đồng đội ôn lại những kỷ niệm khó quên trong năm tháng chiến tranh.

Ông nhớ lại: “Lần ấy, có một bệnh binh tên Hồng còn rất trẻ. Hồng là lái xe, bị thương nặng ở đùi nên chúng tôi phải cắt bỏ một chân. Cái chân ấy chúng tôi mang đi chôn ở phía sau bệnh xá, rồi ra sức cứu lấy sự sống của anh ta. Những tưởng sẽ cứu được Hồng, nhưng khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, Hồng lên cơn sốt nặng rồi qua đời. Chúng tôi phải nén nước mắt đào chiếc chân đã chôn trước đó để chôn cất cùng thi thể đồng đội mình cho toàn vẹn”.

Cuối tháng 3/1975, sau khi Huế và Đà Nẵng được giải phóng, ông Công theo Đội điều trị hành quân vào Xuân Lộc, thị xã Long Khánh (nay là Đồng Nai) để phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vì Xuân Lộc là khu vực phòng thủ trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản (Biên Hòa - Xuân Lộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) của địch để giữ cửa ngõ phía đông của Sài Gòn nên chiến dịch tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh được xác định là trận đánh then chốt, quan trọng.

Bị đánh phủ đầu, địch điên cuồng dốc sức kháng cự nên hai bên đều bị thương vong nặng nề. Thời điểm đó, Đội điều trị của ông Công chỉ có 2 bác sỹ nhưng cùng một lúc phải triển khai 4 bàn mổ liên tục hết ca này đến ca khác. 3 y tá phục vụ chăm sóc thương bệnh binh không xuể.

“Lúc bấy giờ dãy nhà hộ sinh mà chúng tôi mượn chữa bệnh khá rộng nhưng đã chật kín thương binh. Những thương binh sau khi xử lý vết thương xong được chuyển về hậu phương điều trị để tiếp nhận đợt mới. Hết đợt này đến đợt khác, cán bộ quân y thức trắng đêm mà vẫn làm không kịp. Nhiều đêm phải chứng kiến hàng chục đồng chí, đồng đội của mình ra đi vĩnh viễn. Đồng đội của tôi có những người trước khi hy sinh trên môi vẫn mấp máy 2 từ “quyết thắng”, đau xót lắm!”, ông Công xúc động nhớ lại.

Sau 13 ngày đêm giao tranh ác liệt, ta giải phóng được Xuân Lộc - Long Khánh. Mặt trận hướng Đông được khai thông, các cánh quân của ta rầm rập từ các ngả tiến về Sài Gòn với khí thế mạnh như vũ bão.

“Vào thời khắc chính quyền ngụy Sài Gòn sụp đổ, miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đang ở Xuân Lộc để chữa trị vết thương cho anh em thương binh. Khi nghe thấy tiếng hò reo của người dân trên khắp các tuyến phố, ngả đường “giải phóng rồi, hòa bình rồi”, tôi cùng anh em thương binh vỡ òa trong sung sướng. Cảm giác vui sướng xen lẫn tự hào trong ngày đất nước thống nhất vẫn còn hiện hữu tới bây giờ!”, ông Công bồi hồi tươi cười nhớ lại.

H.Chuyên-V.Thành
.
.
.