Giao lưu, biểu diễn nghệ thuật thả diều sáo giữa các CLB diều phía Nam

Chủ Nhật, 17/03/2019, 16:57

Nhằm duy trì, phát triển và tôn vinh môn thể thao, nghệ thuật sáo diều dân gian truyền thống, ngày 17-3 tại Bình Dương, Câu lạc bộ diều sáo mang tên “Ký ức tuổi thơ” của thị xã Dĩ An đã tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu và biểu diễn nghệ thuật thả diều sáo giữa các CLB diều sáo ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam...


Sự kiện thu hút được hàng trăm nghệ nhân sáo, diều cùng các thành viên đến từ gần 20 CLB diều sáo ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam có mặt tham dự. Sự kiện cũng đã thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn người dân địa phương.

Nghệ nhân với cánh diều mang cờ tổ quốc, cờ đảng.  

Ông Nguyễn Phú Tuấn, Chủ nhiệm CLB diều sáo “Ký ức tuổi thơ” của thị xã Dĩ An chia sẻ, nhằm thỏa sức đam mê và phát huy, gìn giữ môn thể thao nghệ thuật này, hàng ngày và hàng tuần, các thành viên CLB đều tổ chức giao lưu, thả diều sáo ở khu vực Dĩ An. Môn thể thao, nghệ thuật dân gian này đã liên kết, quy tụ được hàng trăm người đam mê với đủ các lứa tuổi, nghề nghiệp cùng tụ hội về buổi giao lưu. Tham gia buổi giao lưu giữa các CLB diều sáo, diều nghệ thuật ở khu vực phía Nam lần thứ 2-2019, những người đam mê đều mong muốn tạo sự lan tỏa bộ môn thể thao, nghệ thuật dân gian này một cách rộng rãi hơn.

Ghép điều và lắp sáo.

Dự và chia sẻ về bộ môn này, đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Dĩ An cho biết, đơn vị dự kiến sẽ đưa môn thể thao, nghệ thuật này vào chương trình lễ hội, giải trí của địa phương từ đầu năm tới. Đồng thời, trước sức hút của môn thể thao, nghệ thuật thả diều vải nghệ thuật đang phát triển trong giới trẻ, ngành văn hóa địa phương cũng đã tính toán việc lan tỏa môn thể thao, nghệ thuật này tới các trường học trên địa bàn để thu hút các em học sinh cùng tham gia, tạo sân chơi lành mạnh cho giới trẻ ở địa phương.

Những bộ sáo điều đủ loại được làm thủ công do các nghệ nhân đem tới buổi giao lưu.

Thời đại công nghệ, nên dù làm các con diều có sải cánh dài đến 5-6m,  người chơi đều thiết kế theo kiểu gấp, xếp gọn gàng. Ngoài những khung diều được làm bằng nhôm, inox và vật liệu cabon… thì để thỏa lòng đam mê với môn thể thao, nghệ thuật truyền thống này, nhiều nghệ nhân vẫn tự làm khung diều bằng vật liệu tre. Một nghệ nhân CLB diều sáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, khác với ngày xưa, những cánh điều chỉ được dán bằng giấy điều mỏng hoặc giấy được lấy từ vỏ bao ximăng, thì nay diều đã được bọc bằng vải nilon mỏng và nhẹ; có thể thiết kế nhiều loại hình ảnh, hoa văn, họa tiết theo sở thích trên cánh diều. Đồng thời, ngay cả khi trời mưa, hễ cứ có gió là có thể cho điều bay lên cao cả ngày lẫn đêm.

Những con diều đã được lắp ghép, mang sáo chờ gió để bay cao.

Để chế tác ra những bộ sáo gắn trên thân diều, dù khá kỳ công, nhưng hầu hết các nghệ nhân và người đam mê sáo điều đều khẳng định họ tự sưu tầm ống tre, nứa hoặc ống nhôm và gỗ hay sứng trâu để tự chế tác, khoét miệng sáo bằng phương pháp thủ công chứ không làm bằng công nghệ CNC. Hàng chục bộ sáo kết hợp 3, 5 hoặc 7 chiếc, trong đó có những chiếc sáo nhỏ chỉ bằng ngón tay, nhưng cũng có những chiếc sáo loại “khủng” có chiều dài cả mét, đường kính hơn 10cm, thể hiện đầy đủ các cung bậc âm thanh cũng đã được các nghệ nhân, người chơi diều mang đến buổi giao lưu. Theo nhiều nghệ nhân, lý do họ đều chọn làm diều có sải cánh từ 4-6m là để tạo đủ sức nâng những bộ sáo này và vừa với sức kéo khi muốn hạ diều xuống.

Người chơi chuẩn bị phóng diều.

Sau phần gặp gỡ, giao lưu và giới thiệu về những sản phẩm sáo, diều đặc sắc, những cánh diều của các nghệ nhân đã có dịp bay cao, mang theo những cung bậc âm thanh du dương của thú chơi dân dã.    


Đức Thắng
.
.
.