Hội chợ sách cũ Hà Nội: Hàng vạn cuốn sách quý được trưng bày và bán rẻ

Thứ Năm, 16/11/2017, 21:02
Hội sách cũ Hà Nội tháng 11-2017 đã chính thức khai mạc sáng ngày 16-11 tại sân Hồ Văn thuộc Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội. Với chủ đề “Sức sống văn học Nga”, hội chợ bán và trưng bày một số sách quý của văn học Xô Viết...

Hội sách cũ Hà Nội tháng 11 đã thu hút hàng trăm bạn đọc Thủ đô ngay trong ngày đầu tiên diễn ra.


Hội chợ sách cũ tháng 11 sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 19-11

Hội sách cũ tháng 11 đem đến hàng chục ngàn cuốn sách cũ, mới thuộc đủ mọi lĩnh vực: Văn học, lịch sử, văn hóa, đời sống, kinh doanh, quân sự, chính trị, luật, khoa học, thiếu nhi, ngoại văn, đông tây y, giáo trình cho sinh viên,truyện tranh…Ngoài ra Hội sách cũ Hà Nội cũng sẽ mang đến nhiều đầu sách quý, hiếm, dành riêng cho những độc giả chơi sách. 


Với khối lượng sách khổng lồ đây được coi là Hội sách cũ lớn nhất năm 2017, bạn đọc có hàng vạn lựa chọn chỉ với mức giá từ 5000 đồng trở lên, giảm giá từ 35-50%. 

Không gian hội sách được bài trí khoa học với đa dạng các tác phẩm nối tiếng của các tác giả Việt Nam và thế giới. Điểm tạo nên sự khác biệt của hội sách chính là những cuốn sách cũ, những trang sách thô ráp, nhuốm màu thời gian gợi ra không gian đọc đầy hoài niệm.


Bên cạnh đó, tại hội sách lần này độc giả Thủ đô có cơ hội được chiêm ngưỡng một số cuốn sách quý hiếm của nền văn học Nga, Xô Viết vĩ đại như: “Bác sĩ Aibolit”, “Những cuộc phiêu lưu của Mít đặc và các bạn”, “Tuyển tập thơ truyện Mac-Xim Gooc-ky” (NXB Văn nghệ 1956), “Tuyển tập truyện ngắn Mac-Xim Gooc-ky” (NXB Hội nhà văn 1957), “Thơ Maiacopski” (NXB Văn nghệ 1956), “Người Xô Viết chúng tôi” (NXB Văn nghệ 1954), “Vài quan điểm văn học nghệ thuật” của A.J. Đa-nốp (NXB Văn nghệ 1951), “Tập truyện Liên Xô” (NXB Văn nghệ 1957), “Chiến tranh và hòa bình” (NXB Văn hóa 1960), “Những linh hồn chết” (NXB Văn học 1964)…

Hội sách cũ tháng 11 góp phần giúp bạn đọc thỏa mãn tình yêu và niềm đam mê với sách, đồng thời giới thiệu những cuốn sách văn học Nga tiêu biểu đến đông đảo khán giả Việt Nam.

Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới dịp kỉ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga cũng đã diễn ra như buổi toạ đàm “Sức sống văn học Nga”, với diễn giả Thúy Toàn, ông là nhà nghiên cứu, dịch giả, người được mệnh danh là “người bắc cầu văn học Việt – Nga”. Đến với buổi tọa đàm, độc giả đã được nghe những trao đổi của dịch giả về công việc dịch thuật, về những tác phẩm, tác giả Nga vĩ đại, về nhà lưu niệm văn học Nga ngay tại nhà của dịch giả Thúy Toàn.
Đoàn Hồng Ngọc
.
.
.