Thú chơi sách cũ: Định giá như thế nào?

Thứ Sáu, 03/03/2017, 17:55

Buổi tọa đàm “Thú chơi sách cũ: Định giá như thế nào?” diễn ra vào sáng ngày 3-3, trong khuôn khổ Ngày hội sách cũ TP.HCM  (kéo dài từ ngày 3 đến ngày 5-3 tại Công viên 23-9, TP.HCM) giúp độc giả hiểu như thế nào là sách cũ, định giá sách cũ như thế nào.

Những năm gần đây, phong trào chơi sách cũ diễn ra khá sôi nổi và đang được quan tâm mạnh mẽ từ cộng đồng. Tuy nhiên, việc định danh như thế nào là sách cũ, định giá sách cũ như thế nào là những vấn đề không phải ai cũng biết.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường (quê ở Cai Lậy, Tiền Giang), chủ nhân của nhiều bộ sách quý hiếm cho rằng, sách cũ xưa và quý hiếm là những sách trước năm 1975, đặc biệt là giai đoạn 1930 - 1945 được in trên giấy dó.

Các diễn giả tham gia trong buổi tọa đàm. Từ trái qua: Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, Nhà thơ Lê Minh Quốc, Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường và Nhà văn Trần Nhã Thụy.

Còn nhà thơ Lê Minh Quốc lại cho rằng, khái niệm thời gian chỉ mang tính tương đối. Với cá nhân ông, những cuốn sách mang tính quý hiếm đơn giản vì mình chưa thấy. Sau đó là các yếu tố năm in, trang bìa, có thủ bút của tác giả hay có phải là độc bản hay không…

Nhà thơ Lê Minh Quốc nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, mỗi cuốn sách có một số phận, cuộc đời riêng của nó. Nhìn vào một cuốn sách có thể thấy được một giai đoạn lịch sử. Trước năm 1975 in khác, trước bao cấp in khác bây giờ in khác. Trong sách có những trí thức mà mình đọc có thể áp dụng cho hiện tại”.

Với chủ đề chính - Thú chơi sách cũ: Định giá như thế nào?”, theo nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, vấn đề này rất khó nói bởi không dễ dàng để định giá được cuốn sách mà chúng ta biết rằng nó không in giá sau bìa.

“Tất cả các sách đều in giá, riêng sách cũ thì không. Nếu chúng ta mua được cuốn sách đúng với sở thích của mình, vừa với túi tiền của mình thì đó là giá được. Nếu nó vượt quá khả năng của mình, quá sức yêu cầu của mình thì đó là giá đắt. Do đó, định giá cuốn sách là định giá sức mình với yêu cầu về nội dung cuốn sách đó. Nếu chúng ta thấy cuốn sách đạt yêu cầu của mình thì giá cả lúc đó không phải là vấn đề. Và thực tế, không thể nào có một giá chuẩn cho sách cũ được”, ông nói.

Ngày hội sách cũ TP.HCM khai mạc ngày 3-3, với nhiều chủ đề thú vị.

Còn với nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, không thể định giá sách cũ (quý, hiếm) như thế nào vì nó tùy thuộc vào từng giai đoạn, từng thời kỳ. Có những cuốn sách ông cho biết là “vô giá, có tiền cũng không mua được”.

Về kinh nghiệm mua sách, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy chia sẻ: “Tôi chỉ mua những cuốn sách nào mình thực sự quan tâm. Tôi thường nghiên cứu về Sài Gòn, về báo chí quốc ngữ và những vấn đề văn hóa liên quan đến Sài Gòn nên tôi chỉ tập trung tìm những cuốn sách nào có liên quan đến chữ quốc ngữ và liên quan đến Sài Gòn; có nhiều cuốn sách mình cũng thấy giá trị lắm nhưng mình không hiểu hết, không đọc hết và không sử dụng được thì tôi không lấy”. 

Đậu Dung
.
.
.