80 cổ vật độc nhất vô nhị tái hiện nghi lễ triều Nguyễn
- Hành trình 100 năm cổ vật triều Nguyễn trở lại hoàng cung
- Cháu ngoại vua Thành Thái nặng lòng với công tác bảo vệ cổ vật triều Nguyễn
- Bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Huế trưng bày 200 cổ vật triều Nguyễn
Sáng 7-9, tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức khai mạc triển lãm “Rồng - Phượng trên bảo vật triều Nguyễn”, nhân kỷ niệm 25 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và 15 năm Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ấn Tự Đức thần hàn (góc trái, niên hiệu Tự Đức 1848) bằng vàng dùng đóng trên các văn từ viết bằng mực son của vua Tự Đức và ấn Chính hậu chi bảo (góc phải) niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836). |
Dịp này, triển lãm sẽ trưng bày và giới thiệu đến công chúng hơn 80 hiện vật, là những vật dụng dùng trong đời sống sinh hoạt, lễ nghi cung đình triều Nguyễn được làm từ các chất liệu quý hiếm như vàng, bạc, đá quý, ngọc.
Các bảo vật “độc nhất vô nhị” này được chia thành 4 nhóm, gồm: hiện vật biểu trưng quyền lực với các kim ấn, ngọc tỉ, bảo kiếm, kim sách, thẻ bài, mũ miện, hốt ngọc… đồ thờ tự, nghi lễ như đài thờ, đỉnh trầm, quả bồng, lục bình, chân đèn…; văn phòng tứ bảo có nghiên mực, quản bút, thủy trì, hộp son, gác bút, chặn giấy; và đồ dùng sinh hoạt là bát, đĩa, muôi, thìa, đồ ăn trầu, đồ uống trà, đồ uống rượu, quả hộp, quán tẩy, lồng ấp…
Năm 1846-1847, Vua Thiệu Trị cho làm chiếc ấn Loan phụng ngũ đại đồng đường nhất thống Thiệu Trị chi bảo (làm bằng ngà có hình rồng cuộn) nhân dịp Hoàng gia có thêm thành viên của thế hệ thứ 5 trong một gia đình. |
Triển lãm sẽ giúp người dân và du khách đến tham quan di sản Huế chiêm ngưỡng những báu vật vô giá giàu giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mà còn phản ánh tài năng và sự sáng tạo của các nghệ nhân Việt Nam trong việc chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dưới thời quân chủ.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết: “Từ nghệ thuật truyền thống, linh vật Rồng – Phượng đã đi vào mỹ thuật cung đình, được tối ưu hóa để mang hình ảnh của quyền lực tối cao của vương quyền, nhưng đồng thời cũng là biểu trưng cho sự khai mở, cho khát vọng một xã hội thái bình, thịnh trị. Linh vật Rồng – Phượng của thời Nguyễn đã để lại một di sản đồ sộ về mặt tạo hình, là biểu tượng đa chiều của văn hóa Việt Nam”.
Triển lãm sẽ được kéo dài đến hết ngày 5-12.
Dưới đây là một số hình ảnh về linh vật Rồng, Phượng trên các cổ vật "độc nhất vô nhị" từ thời triều Nguyễn.
Mũ thượng triều của Vua triều Nguyễn làm bằng vàng, đá quý và san hô được dùng trong lễ thiết đại triều (lễ đăng quang nhà vua, lễ sinh nhật vua, lễ tiếp các sứ thần ngoại giao cao cấp, lễ tôn miếu, tổ tông… |
Phiến ngọc Ngự diên văn bảo làm bằng ngọc, là bảo vật trang trí thư phòng của nhà vua triều Nguyễn. |
Đồ pháp lam triều Minh Mạng (1820-1841), là sản phẩm có cốt bằng đồng, bên ngoài tráng men, có nguồn gốc từ vùng Trung Á, du nhập vào Trung Quốc thế kỷ XVIII và sau đó sang Việt Nam. |
Bộ đĩa đựng món gỏi trong ẩm thực cung đình Huế được trang trí với hoạt tiết rồng bay. |
Quả cầu cửu long sơn thếp thời Nguyễn 1802-1945. |
Đỉnh thờ bằng bạc, vật dụng trong lễ nghi cung đình triều Nguyễn được chạm khắc hình mặt rồng tinh xảo. |
Đài thờ làm bằng vàng và pha lê, niên hiệu năm Minh Mạng thứ 20 (1839), là vật đựng lễ phẩm trong lễ nghi cung đình. |
Kim sách bằng vàng được chạm khắc tinh xảo có niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845). Sách khắc văn lời tựa và quy định riêng của vua Thiệu Trị về sách đặt tên cho con cháu nhà vua theo Đế Hệ Thi và Phiên Hệ Thi . |
Bộ đồ trà làm bằng ngọc và vàng có niên hiệu Khải Định (1916-1925). |
Hộp đựng trầu và bộ ống xoay trầu là vật dụng thuộc bộ đồ trầu của nhà vua triều Nguyễn làm bằng vàng và pha lê. |
Kim khánh bằng bạc mạ vàng, là vật ban thưởng của nhà vua triều Nguyễn dành cho những người có công với quốc gia và triều đình. |
Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 80 hiện vật, là những cổ vật độc đáo của triều Nguyễn. |