Nhiều phát hiện mới về Sơn Đoòng – Hang động lớn nhất thế giới

Thứ Ba, 09/04/2019, 18:34
Mặc dù đã có 350 hang tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và 20 hang động tại các vùng lân cận được khảo sát nhưng  đây mới chỉ là một phần khu vực này được khảo sát. Trong đó, Sơn Đoòng – Hang động lớn nhất thế giới vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá. Đó là khẳng định của nhóm thám hiểm thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh (BCRA) trong buổi công bố những kết quả thám hiểm mới nhất vào chiều ngày 9-4.

Ông Howard Limbert, người dẫn đầu đoàn thám hiểm hang động BCRA cho biết, trong số 30 năm (từ 1990 đến 2019) nhóm thám hiểm đã tìm kiếm, khảo sát hàng trăm hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nhưng mới chỉ có khoảng 30% khu rừng và dãy núi đá vôi được khảo sát. 

Đến nay, nhiều hang động nổi tiếng thế giới được phát hiện: Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới về thể tích; Khe Ry là hang dài nhất Việt Nam (20km), Hang Va có hệ thống các cột thạch nhũ hiếm có; hệ thống hang động Tú Làn với các ngầm nối các thung lũng đá vôi với nhau. 

Vẻ đẹp huyền ảo của Sơn Đoòng

Trong đó, Sơn Đoòng được hình thành bởi sự giao thoa giữa hai dòng sông ngầm lớn là Khe Ry và Rào Thương. Hang nằm dọc theo đoạn đứt gãy địa lý rộng gần 100m của dãy Trường Sơn. 

Núi đá vôi của hang động Phong Nha – Kẻ Bàng có khoảng 400 triệu năm tuổi nhưng hang mới chỉ có khoảng 3 triệu năm tuổi. Hang có hai giếng trời tự nhiên và đây cũng là nơi hiếm hoi có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Hang thực sự là một địa điểm độc đáo với chiều dài gần 9km. 

Tại một số vị trí, trần hang cao đến 200m, rộng 175m, làm choáng ngợp tất cả những ai bước chân vào thám hiểm bởi kích thước khổng lồ và vẻ đẹp quyến rũ của nó. Với tổng thể tích ước tính lên đến 38,5 triệu mét khối, hang phá vỡ các kỷ lục thế giới về hang động lớn nhất thế giới trước đây. Các cột thạch nhũ cao đến 80m – mức cột thạch nhũ cao nhất được phát hiện từ trước đến nay. 

UBND tỉnh Quảng Bình và nhóm chuyên gia của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh công bố kết quả khảo sát mới nhất về Sơn Đoòng chiều 9-4 tại Hà Nội

Sự sụp đổ của trần hang cách đây hàng nghìn năm tạo nên các cửa sổ tự nhiên khổng lồ, nơi duy nhất cho phép ánh nắng mặt trời chiếu rọi bóng tối trong hang và tại đây có cả một khu rừng nguyên sinh với những loài cây nhiệt đới cao lớn như dừa, cọ, dương xỉ. Từ vị trí trần hang sụp đổ hay còn gọi là hố sụt, du khách có thể chứng kiến chùm ánh sáng mặt trời tự nhiên cực kỳ đẹp mắt, không lời lẽ hay bức ảnh nào lột tả được. Nhưng, ánh sáng này chỉ chiếu xuống hang vào một thời điểm trong năm… Sau 30 năm, đến nay, hang vẫn mang trong lòng nhiều bí ẩn chưa được khám phá.

Vào tháng 3 -2019, BCRA đã mời các chuyên gia lặn hang động giỏi nhất thế giới đến lặn xuống sông ngầm bên dưới hang, tiếp tục khám phá thêm  nhiều bí mật bên dưới các hang ngầm mà trước đây các chuyên gia chưa từng làm hoặc rất ít làm. Đoàn phát hiện hang ngầm nối giữa Sơn Đoòng với hang Thung cách nhau đến 600m. Ban đầu, các chuyên gia nhận định, khi đạt độ sâu 25m, đoạn sông ngầm bên trong hang Sơn Đoòng sẽ chạy ngang để nối với dòng sông ngầm bên trong hang Thung. Tuy nhiên trên thực tế lại hoàn toàn khác. 

Các chuyên gia hang động nổi tiếng thế giới khẳng định, Sơn Đoòng vẫn mang trong lòng nhiều bí mật, thách thức các nhà thám hiểm và nhà khoa học thế giới

Khi nhóm chuyên gia đo độ sâu của dòng sông ngầm bằng dây thì đáy của dòng sông ngầm bên trong hang nằm ở độ sâu đến 93m. Các chuyên gia không thể dùng bình lặn nén khí thông thường để lặn ở độ sâu này mà chỉ có thể lặn tìm kiếm các điểm trần hang ngầm ở độ sâu khoảng 40-50m. Thành viên duy nhất trong đoàn lặn được được độ sâu 77m là Jason Mallison. Ông Jason cũng là một trong số các chuyên gia được mời đến giải cứu và tổ chức giải cứu thành công đội bóng “nhí” của Thái Lan bị kẹt trong hang sâu năm 2018.

Các chuyên gia phát hiện một hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu 60m và càng sâu thì hệ thống hang ngầm càng mở rộng ra. 

Độ sâu tại vị trí lặn lần này đã sâu hơn mực nước biển. Phát hiện này tiếp tục đưa hang Sơn Đoòng trở thành điều bí ẩn với các chuyên gia hang động và các nhà khoa học. Như thế, độ sâu của hang đã tăng lên hơn 500m nếu tính từ cửa hang cho đến đoạn cuối cùng và chưa được khám phá hết.

Dịp này, các chuyên gia còn lặn khảo sát tại khu vực suối Nước Moọc bên trong Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nhưng tại độ sâu 74m, nhóm phải dừng lại vì cần thiết bị phù hợp hơn. 

Nhóm cũng nhận định, hệ thống đá vôi tại Phong Nha – Kẻ Bàng được chia làm 3 tầng, hang khô, hang nước có dòng chảy và hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu trên 93m.

 Hiện tại, nhóm đã có phương án dùng bình ký heli để có thể lặn sâu 120m đến 200m trong lần thám hiểm tới.


Hoa Nguyễn
.
.
.