Phải dũng cảm mới làm phim lịch sử

Chủ Nhật, 15/05/2011, 13:44
“Làm phim lịch sử cần có nhiều yếu tố mà trong điều kiện, hoàn cảnh của chúng ta không thể nào khắc phục ngay một sớm một chiều…”. Do vậy, Đạo diễn, NSƯT Phạm Thanh Phong khẳng định: Phải dũng cảm lắm mới làm phim lịch sử.

Không ồn ào, ít đăng đàn, nói năng nhỏ nhẹ, thậm chí anh thường chỉ ngồi lặng lẽ ở một góc quán. Ít ai biết, anh là đạo diễn của những bộ phim đã đi vào đời sống như: "Chuyện phố phường", "Đất và người", "Gió qua miền tối sáng", "Cửa hàng Loopa"… và có trong gia tài là nhiều Huy chương vàng qua các Liên hoan phim như: "Tìm chồng", "Mùa hè rớt", "Tiếng gọi bên sông", "Dương tính"… Chúng tôi đã có cuộc chuyện trò cùng  anh ngay khi bộ phim dã sử dài tập đầu tiên của Việt Nam "Huyền sử Thiên đô" do anh làm đồng đạo diễn đang phát sóng những tập đầu tiên trên sóng VTV.

- Thưa đạo diễn Phạm Thanh Phong, bộ phim "Huyền sử Thiên Đô" (Kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn) đã chính thức được phát sóng trên giờ vàng của VTV Đài Truyền hình Việt Nam. Mặc dù mới phát sóng được vài tập, song cũng đã có nhiều ý kiến, khen có, chê có từ phía khán giả. Bản thân anh, khi xem lại phim của mình, anh có cảm giác gì?

- Tôi đã xem quá nhiều lần toàn bộ 70 tập phim "Huyền sử Thiên Đô" rồi, nếu tính từ khâu đọc kịch bản cho đến lúc kết thúc hậu kỳ phim và chuẩn bị phát sóng, có khi tôi còn  thuộc cả lời thoại của nhân vật chứ không chỉ tính đến việc xem phim (cười). Nói vậy để biết rằng, việc đầu tư cho bộ phim đối với cá nhân một đạo diễn cũng như đối với cả ê kip làm phim thực sự không phải là việc "cưỡi ngựa xem hoa" mà là một công việc nghiên túc đòi hỏi mọi người đều phải nỗ lực hết sức để có thể có một bộ phim tốt nhất có thể, hay nhất có thể cho khán giả. Tuy nhiêm "lực bất tòng tâm", làm phim lịch sử cần có nhiều yếu tố mà trong điều kiện, hoàn cảnh của chúng ta không thể nào khắc phục ngay một sớm một chiều, bởi vậy, có những ý kiến khen chê từ phía khán giả cũng là điều dễ hiểu.

- Tôi cho rằng, một trong những khó khăn mà cả ê kíp là "Huyền sử Thiên Đô" phải đối mặt, dù được coi là phim dã sử dài tập đầu tiên của Việt Nam là các anh sẽ phải chịu áp lực trong sự so sánh với hàng trăm tập phim dã sử Trung Quốc khá hấp dẫn đã được phát sóng trên truyền hình Việt Nam. Anh có nghĩ rằng, sự kém may mắn của mình nằm ở chỗ đó?

- Chị nói đúng. Chúng ta không thể so sánh vì phải nói thật rằng, để theo kịp phim dã sử của Trung Quốc, chúng ta cần phải có một thời gian dài nữa. Họ có một công nghệ làm phim chuyên nghiệp từ khâu kịch bản, sản xuất và cả con người, bởi vậy, cái gì chưa được thì chúng ta phải học hỏi, điều đó không có gì phải xấu hổ cả. Ngay cả nội dung, bản thân tôi nhận thấy, phim của mình diễn tiến còn chậm, chưa tạo được nhiều kịch tính trong mỗi tập phim, điều đó khiến khán giả có vẻ "sốt ruột". "Huyền sử Thiên Đô" được một công ty tư nhân bỏ tiền ra làm, và họ cũng như bản thân tôi, phải dũng cảm lắm mới làm phim lịch sử. Tuy nhiên, nói gì thì nói, bộ phim mới chỉ phát sóng được gần chục tập trong tổng số hàng chục tập thì chưa thể nói được gì nhiều. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng, phía trước bộ phim còn rất nhiều câu chuyện hấp dẫn khán giả.

- Để hấp dẫn khán giả, những người làm công việc thầm lặng phía sau như biên kịch, đạo diễn, nhà quay phim sẽ đổ sông đổ bể nếu như những diễn viên tham gia không làm tốt vai trò của mình. Anh đánh giá thế nào về vai Thái Tổ Lý Công Uẩn của diễn viên Công Dũng?

- Để tìm nhân vật cho bộ phim này, chúng tôi đã mất gấp đôi, gấp ba thời gian thử vai của các diễn viên, vì có nhiều diễn viên có khả năng diễn xuất tưởng hợp nhưng khi thử vai lịch sử lại không thể hiện được những yếu tố "lịch sử" từ điệu bộ, ánh mắt, nụ cười, thậm chí là cái cau mày… Vào vai Thái tổ Lý Công Uẩn lại càng không dễ dàng, vì đây là vai diễn đòi hỏi khả năng diễn xuất đa dạng, phải yêu nghề, yêu vai diễn của mình, thậm chí có thể xả thân vì nhân vật. Về ngoại hình Công Dũng cũng đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi cũng như thị hiếu chung của khán giả ngày nay: cao ráo, thư sinh, có khuôn mặt cũng Á Đông tuy Công Dũng gầy, không mạnh mẽ, tầm thước như Lý Công Uẩn trong hình dung của mọi người. Nhưng bù lại Công Dũng diễn xuất tốt và rất chịu khó. Rất nhiều cảnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng Công Dũng đòi tự mình thực hiện mà không dùng cascadeur. Dưới cái nắng chang chang trên bốn mươi độ mà Công Dũng vẫn nhiệt tình, say mê với từng cảnh diễn của mình mà không một lời kêu ca.

Một cảnh trong phim "Huyền sử Thiên Đô".

Tôi nhiều lần nói với Công Dũng rằng, hãy diễn xuất hết khả năng của mình, nhưng hãy nhớ rằng, em đang mang trong mình thần sắc vai trò của Thái tổ Lý Công Uẩn. Phần đầu đất diễn và kịch tính chưa nhiều nên Công Dũng chưa thể hiện được nhiều sắc thái, ở những phần sau, khi đối mặt với những thay đổi ở cuộc đời, đứng trước những sự lựa chọn, quyết định tới vận mệnh của chính mình cũng như của giang sơn, Công Dũng đã thể hiện được nội tâm của một vị Vua anh minh, lý tình toàn vẹn. Bản thân tôi, tôi thích vai diễn này.

- Anh từng rất thành công khi chuyển thể tiểu thuyết của nhà văn Xuân Đức thành kịch bản phim "Người không mang họ" (do Lâm Vân và Phan Vũ làm đạo diễn), là một trong những phim ăn khách trong thập niên 90, sau đó, anh là tác giả kịch bản vừa là đạo diễn của nhiều phim hay như "Tìm chồng", "Mùa hè rớt"… Vậy tại sao lâu nay anh không làm công việc "2 trong 1" này nữa?

- Chưa làm chứ không phải không làm. Điều này là do đặc trưng nghề nghiệp của mình và tôi xin dài dòng một chút. Năm 1982, tôi tốt nghiệp khoa Văn (ĐH Tổng hợp, nay là ĐH KHXH & NV Hà Nội). Đến cuối năm đó, tôi theo học lớp đạo diễn tu nghiệp khoá I do Cục Điện ảnh và Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh tổ chức. Khi thi đỗ là chúng tôi đã được vào biên chế. Sau khi tốt nghiệp khoá học này (năm 1986), tôi được nhận công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê), một thời gian sau thì về Trung tâm sản xuất Phim Truyền hình (Đài THVN). Ngày đó, lớp học tu nghiệp chuyên ngành điện ảnh chỉ có vẻn vẹn 10 người. Người đã khuất bóng và cũng có những người bỏ nghề bởi lúc đó, những nhà làm phim Việt Nam không có đủ điều kiện cho ra đời "những đứa con tinh thần" của mình.

Thời điểm tôi bắt đầu đi vào lĩnh vực điện ảnh thì cũng đúng là lúc, phim truyện cũng như phim truyền hình đang có chiều hướng đi xuống. Vì thế, để có một đạo diễn Phạm Thanh Phong của ngày hôm nay, tôi thú thật là phải nỗ lực rất nhiều trong suốt cả thời tuổi trẻ của mình. Bây giờ, làm phim đối với tôi không phải là việc sống chết phải có, mà tôi làm là vì công việc, vì niềm đam mê và dĩ nhiên, là để sống, nhưng những thúc ép không phải là quá thường trực. Tôi cũng đang ấp ủ một kịch bản phim của mình và dĩ nhiên, tôi mong rằng, bộ phim do tôi vừa là biên kịch, vừa là đạo diễn tới đây sẽ là một dấu mốc quan trọng đối với cuộc đời tôi.

- Mỗi đạo diễn khi phim phát sóng sẽ phải tiếp tục tìm cho mình một "nguồn" phim mới để tiếp tục cuộc hành trình. Hẳn là anh không nằm ngoài quy luật đó?

- Tôi đang biên tập một bộ phim về đề tài sinh viên khá hấp dẫn, có lẽ phim cũng sẽ sớm được phát sóng trong thời gian gần đây.

- Xin cảm ơn anh!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.