Phim lịch sử - hồn Việt và kỹ xảo

Chủ Nhật, 28/02/2010, 17:26
Phim lịch sử là một sản phẩm nghệ thuật có tác động sâu sắc và mạnh mẽ vào tâm thức văn hóa của người xem, góp phần quan trọng tạo nên những ấn tượng văn hóa ám ảnh các thế hệ. Nhưng lâu nay việc làm phim lịch sử ở nước ta bị coi nhẹ hoặc né tránh do chưa thấy hết vai trò và hiệu quả của loại phim này. Căn nguyên sâu xa là do những người có trách nhiệm bị chi phối và bị tác động bởi các quan niệm duy khoa học bất cập về nghệ thuật và các mục đích duy thương mại bất cập về văn hóa.

Truyền bá tri thức hay ám ảnh tâm thức?

Lâu nay, khi bàn về phim lịch sử và tác động xã hội của nó người ta hay nhấn mạnh vấn đề tri thức, cho rằng việc để phim lịch sử nước ngoài chiếu triền miên trên sóng truyền hình sẽ dẫn đến tình trạng thế hệ trẻ thuộc sử Tàu, sử Hàn Quốc hơn sử Việt Nam. Điều đó không sai, nhưng chưa phải là điều đáng lo ngại nhất. Vì những tình tiết trong các phim lịch sử nhiều khi là dã sử, là hư cấu, không có giá trị sử liệu theo ý nghĩa khoa học. Không nên coi cái lợi hại của phim lịch sử chủ yếu nằm ở khả năng nhồi nhét tri thức lịch sử vào khán giả và không nên hạn chế nhiệm vụ văn hóa của phim lịch sử chỉ ở vai trò một bộ sách giáo khoa lịch sử hấp dẫn và dễ nhớ.

Trong việc giáo dục lịch sử, sự tin cậy của sử liệu chỉ tác động vào lý trí thôi. Cái hiệu ứng quan trọng nhất của các phim lịch sử hấp dẫn là giáo dưỡng tinh thần quan tâm tới lịch sử và đào luyện cảm xúc lịch sử cho các thế hệ. Các bộ phim lịch sử của Tàu chiếu liên miên trên tivi có nhiều khi không chính xác và không đáng tin, nhưng nó hấp dẫn người xem và bồi đắp trong họ những cảm xúc về văn hóa và lịch sử Trung Hoa. Những hình ảnh quen thuộc, những khẩu khí quen thuộc, những phục trang và hành vi quen thuộc sẽ dần dà tạo nên trong khán giả những ám ảnh văn hóa. Họ bị ám thị và trở thành những nô lệ văn hóa từ lúc nào không biết. Người ta sẽ nhìn nhận, yêu ghét và ứng xử theo cung cách các nhân vật ông hoàng bà chúa trong phim. Đó là sự mượn hồn do tiếp xúc nhiều với những bộ phim mang hồn vía Trung Hoa.

Những phim nước ngoài về đời sống hiện đại có một mẫu số chung mang tinh thần thời đại nên những ấn tượng về bản sắc văn hóa riêng, hồn vía riêng của các dân tộc không đậm nét và trực diện như trong các phim lịch sử. Bản sắc ấy, hồn vía ấy toát lên từ những ấn tượng quen thuộc về kiến trúc, về ngôn ngữ và ứng xử tiêu biểu cho văn hóa dân tộc ấy.

Gần đây ở ta có hiện tượng tu bổ hay xây dựng mới chùa chiền khá lòe loẹt và kỳ vĩ nhưng không giống chùa Việt Nam mà giống như chùa Trung Hoa. Những hình ảnh chùa Tàu bền vững hàng trăm năm này sẽ hàng ngày đập vào mắt các thế hệ, cộng hưởng với các hình ảnh trong phim lịch sử Tàu tràn ngập trên tivi sẽ tạo nên một ám ảnh văn hóa trong tâm hồn con cháu chúng ta.

Việc một số nhà sản xuất Trung Hoa có dấu hiệu bắt tay vào làm phim lịch sử Việt Nam sử dụng nguyên xi trường quay Trung Quốc khiến những người quan tâm đến bản sắc văn hóa trong phim lịch sử không khỏi băn khoăn lo ngại, thậm chí có người còn hồ nghi rằng có một lực lượng nào đó bỏ tiền tài trợ xây dựng tu bổ chùa chiền hay làm phim lịch sử để thực hiện việc truyền bá văn hóa.

Hậu quả của việc hám lợi trước mắt là hàng trăm hàng ngàn năm sau những hình ảnh chùa chiền cung điện mang biểu trưng văn hóa Trung Hoa sẽ chiếm chỗ của những hình ảnh ngôi chùa Việt, cảnh quan kiến trúc Việt cổ xưa rất thân thương mà cha ông ta đã đổ bao nhiêu xương máu, tâm huyết và trí não mới xây dựng được.

Từ cửa quyền khoa học đến nhiễu loạn tiêu chí

Vào thời điểm hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, nhiều người yêu điện ảnh lạc quan cho rằng đây là cơ hội ngàn năm có một cho phim lịch sử Việt Nam. Vì thế dự án phim lịch sử Thái tổ Lý Công Uẩn đã được khởi động từ hàng chục năm trước đây và được dư luận xã hội quan tâm theo dõi. Nhưng cuối cùng dự án làm phim này đã bị rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc và cuối cùng phải tuyên bố "giãn tiến độ" vô thời hạn.

Nguyên nhân vì không có sự thống nhất về tiêu chí và tổ chức, bên cạnh đó những người có trách nhiệm lại bị tác động của những thái độ duy khoa học bất cập về nghệ thuật, bị chi phối bởi những tính toán thương mại bất cập về văn hóa, thậm chí phải đầu hàng do những áp lực về trách nhiệm trước một dự án phức tạp, không đem lại lợi ích trực tiếp cho những người quản lý.

Do ngộ nhận về chức năng giáo khoa của phim lịch sử nên những người có quan niệm duy khoa học không quan tâm đến những ám ảnh văn hóa mang hồn Việt trong các hình tượng điện ảnh. Khi bàn về phim lịch sử Việt Nam, người ta thường nhấn mạnh tính khoa học hơn cảm hứng sáng tạo và trí tưởng tượng nghệ sỹ. Dường như nếu không có đủ các dữ liệu ghi trong sử sách thì nghệ sỹ khó lòng làm một bộ phim lịch sử cho hay. Vì thế, có ý kiến của một nhà nghiên cứu cho rằng khi chưa biết thời Lý các cụ ta ăn mặc thế nào, xe ngựa ra sao thì tốt nhất là không nên làm phim về Lý Công Uẩn mà nên tạm ngừng để nghiên cứu kỹ.

Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực tế là ngụy vấn đề, thể hiện thói cửa quyền khoa học để kết án chung thân các dự án phim lịch sử vì sẽ không bao giờ có đủ dữ liệu sử sách để vừa lòng những người phản biện theo hướng này, mà nếu có đủ dữ liệu thì các nghệ sỹ cũng khó có điều kiện sử dụng trong phim vì tình trạng loạn tiêu chí trong chỉ đạo và quản lý.

Chẳng hạn như trong kịch bản tham gia dự án làm phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long của người viết bài này có đoạn cuối viết về sự kiện Loạn Tam vương - sự kiện các con của Lý Thái Tổ đánh nhau tranh ngôi khi vua sắp băng hà, Lý Phật Mã cùng các tướng Lê Phụng Hiểu, những người được Lý Thái tổ tin cậy từ trước đó, đã dũng mãnh dẹp tan loạn Tam vương để xây dựng triều Lý trường tồn suốt hai thế kỷ. Đoạn này vừa hấp dẫn về kịch tính vừa nói lên tầm nhìn xa của Lý Thái Tổ. Tuy nhiên Hội đồng duyệt đã không chấp nhận câu truyện dựa trên sử liệu này với lý do phim kỷ niệm không nói về bi kịch.

Dùng kỹ xảo Việt hóa phim trường Trung Quốc

Do những tính toán mang tính thương mại bất chấp các yêu cầu văn hóa hoặc do bị áp lực của những quan niệm bất cập về kỹ xảo nên các nhà làm phim về lịch sử hướng đến dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đã đơn giản hóa công việc bằng cách lảng tránh các trường quay Trung Quốc hoặc dùng nguyên xi trường quay Trung Quốc để quay phim lịch sử Việt Nam.

Kiến trúc cung đình Trung Hoa có nhiều điểm khác với kiến trúc cung đình Việt Nam thể hiện ở các đầu đao, các mức độ giật cấp giữa sân và cung điện. Cung điện Trung Hoa có sự giật cấp lớn tạo nên khoảng cách giữa vua chúa bên trong cung điện và người dân bên ngoài. Nếu phim Trần Thủ Độ hay phim về Lý Công Uẩn dùng trường quay Trung Quốc để thực hiện những cảnh cung điện của Việt Nam mà không dùng kỹ xảo để thay đổi kiến trúc, thì cũng chỉ tạo ra những bộ phim thương mại mang hồn vía Trung Hoa trong câu chuyện Việt Nam mà thôi.

Ai trong nghề cũng biết làm kỹ xảo cho hiệu quả là tốn kém, nhưng nếu muốn có một bộ phim tái hiện chân thực lịch sử Việt Nam, mang bản sắc văn hóa Việt Nam thì phải chấp nhận tốn kém. Vậy mà trên một tờ báo ở Hà Nội, một đạo diễn tên tuổi lại đưa ra những quan niệm sai lầm về kỹ xảo để ngăn cản sự đầu tư kinh phí cho phim của đồng nghiệp. Vị đạo diễn này cho rằng bộ phim về Lý Công Uẩn nên tự nhiên, bình dị, không nên sử dụng nhiều kỹ xảo như các phim hành động giả tưởng Mỹ. Đây là một ý kiến cảm  tính, bất cập về nghề nghiệp.

Kỹ xảo không phải chỉ để thực hiện các hình ảnh giả tưởng. Kỹ xảo trong phim lịch sử có nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu tái hiện một cách chân thực, hoành tráng những cảnh vật và sự việc thời xưa. Sẽ có nhiều bối cảnh phải sử dụng kỹ xảo mô hình và kỹ xảo 3D, như toàn cảnh Hoa Lư, toàn cảnh Thăng Long, toàn cảnh cuộc dời đô hùng vĩ. Làm kỹ xảo phối hợp với quay thật sẽ tiết kiệm kinh phí và hiệu quả cao hơn. Nếu đủ kinh phí để thực hiện kỹ xảo theo đúng ý đồ đạo diễn thì phim sẽ đạt tới độ hoành tráng và chân thực của các phim Hollywood.

Kỹ xảo còn là phương tiện lợi hại để Việt hoá phim trường Trung Quốc nếu những người làm phim có kế hoạch quay một số bối cảnh tại các phim trường này. Các ý kiến phê phán ý định thuê phim trường Trung Quốc quay phim lịch sử Việt Nam không phải không có cơ sở vì các cung điện ở Trung Quốc hoặc quá đồ sộ, hoặc quá biệt lập không gắn với không gian núi non như cung điện Hoa Lư. Nhưng các ý kiến này bất cập vì chưa thấy vai trò kỹ xảo. Khi quay một số cảnh ở Trung Quốc các nghệ sỹ của ta có thể dùng phông xanh để xử lý kỹ xảo cải tạo không gian, phá bỏ sự giật cấp ngăn cách quá lớn giữa sân và cung điện để tạo mặt bằng gần gũi như cung điện Việt Nam.

Kỹ xảo cũng có thể dùng để thay đổi các kiểu mái ngói, đầu đao khi bối cảnh Trung Quốc có phần dưới hợp với Việt Nam. Ta có thể để nhân vật hoạt động ở phần dưới, khi quay toàn cảnh sẽ căng phông xanh lên mái và ki mái theo phong cách Việt Nam vào đó. Kỹ xảo sẽ giúp cho các nghệ sỹ của ta sử dụng các bối cảnh hoành tráng trong các trường quay Trung Quốc mà vẫn cho ra những thước phim mang đậm hồn Việt.

Tiếc rằng, những bất cập trong các quan niệm và các phản biện đã tước đi cơ hội lớn của các nghệ sỹ điện ảnh và các họa sỹ đồ họa kỹ thuật số nước nhà - cơ hội tái hiện một Thăng Long hoành tráng mang hồn vía Việt Nam

Đỗ Minh Tuấn
.
.
.