“Truyện Kiều”: Bài học 200 năm vẫn chưa hết tính thời sự

Thứ Hai, 14/12/2015, 11:23
Xác lập 27 kỷ lục quốc gia, 1 kỷ lục thế giới, “Truyện Kiều” hiện đã được chuyển ngữ sang ít nhất 20 thứ tiếng trên thế giới.


Tại Thư viện khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, một thư mục với hơn 1.400 nhan đề sách, bài báo, bài tạp chí, tài liệu số... bằng nhiều thứ tiếng về Nguyễn Du, “Truyện Kiều” và tác phẩm khác của ông đã được sưu tầm.

Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế - một trong những người nghiên cứu, viết về “Truyện Kiều” nhiều nhất chia sẻ rằng, hiếm có tác phẩm nào mà lại được phổ biến và phát sinh thêm nhiều hình thức sử dụng khác với mục đích ban đầu như “Truyện Kiều”.

Không chỉ Lẩy Kiều, Tập Kiều, Bói Kiều, Đố Kiều…, “Truyện Kiều” còn là tác phẩm được nhiều người viết tiếp, được đọc từ đầu đến cuối, đọc ngược từ dưới lên trên, chắp nhặt các câu thơ trong tác phẩm để hình thành bài thơ mới… Ca, ngâm, vịnh Kiều cũng là tiền đề để cho ra đời không ít tác phẩm nghệ thuật về điện ảnh, sân khấu, hội họa sau này. Riêng nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế đã từng viết và xuất bản đến 20 cuốn sách về “Truyện Kiều” nhưng ông vẫn cho rằng, với một người làm nghiên cứu như ông thì “Truyện Kiều” vẫn là kho đề tài vô tận.

Một số ấn bản dịch tác phẩm “Truyện Kiều” sang nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn.

Sau hơn 200 năm, “Truyện Kiều” vẫn chưa hết hấp dẫn, soi chiếu vào cuộc sống hiện đại, người đọc vẫn cảm nhận được hơi thở, triết lý sống phù hợp với xã hội đương đại. Câu chuyện về tiếp biến văn hóa là một điển hình. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết, riêng số đầu sách “Truyện Kiều” được xuất bản sang các ngôn ngữ khác, kể cả bằng tiếng Trung Quốc, được ông đưa đến triển lãm đã lên đến 36 cuốn. Đây là một kỳ tích. Bởi lẽ, trong lịch sử, hiếm có sáng tạo nào phát sinh mà quay trở lại tác động nơi chúng từng bị ảnh hưởng và ra đời như “Truyện Kiều”.

Hầu hết người đọc đều biết Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” sau khi ông đọc “Đoạn trường tân thanh” của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Chỉ có điều, khi viết thành “Truyện Kiều”, người đọc chỉ thấy nàng Kiều, thấy các nhân vật chính cho đến bối cảnh xã hội, các nội dung khác đều đậm đặc “hơi thở” Việt Nam.

Từ “Đoạn trường tân thanh” đến Truyện Kiều chính là kết quả của những tiếp biến văn hóa. Người ta thấy được đó là sáng tạo của người Việt, là văn hóa của người Việt chứ không phải của bất kỳ dân tộc nào khác.

Khi bàn về văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam, rất nhiều văn nghệ sĩ cũng đã thẳng thắn thừa nhận rằng, chúng ta chưa thực hiện hiệu quả. Nói như nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, lẽ ra chỉ nên hấp thu cái tinh hoa của văn hóa các nước thì nhiều khi người làm văn hóa nghệ thuật lại đi sao chép, thậm chí “tha rác văn hóa” từ bên ngoài về.

Làm gì để không đánh mất mình trong khi đất nước mở cửa hội nhập với thế giới? Chuyên gia người Mỹ - Jakob Kristein Hogel khi trao đổi về việc bảo vệ, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia đã cho rằng, yếu tố sống còn chính là bản sắc quốc gia, là văn hóa quốc gia, trong đó con người phải là nhân tố trung tâm. Có được bản lĩnh văn hóa mới xác định được Việt Nam nằm ở đâu trong bản đồ văn hóa thế giới. Nếu không, thời đại toàn cầu hóa, sự tiếp cận, tiếp thu nhiều nền văn hóa sẽ chỉ càng khiến chúng ta dễ đánh mất mình…

Ngọc Nguyễn
.
.
.