Xuyên tạc bản chất, ý nghĩa Cách mạng Tháng Tám: Chiêu trò “bổn cũ soạn lại”

Thứ Hai, 26/08/2019, 09:46
Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 đã đi vào lịch sử dân tộc, mở ra thời kỳ lịch sử mới, có ý nghĩa trọng đại của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, lâu nay, đi ngược lại với dòng thác cách mạng của đất nước, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị luôn tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử truyền thống dân tộc, phủ nhận vai trò lãnh đạo, vu cáo Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Giá trị và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng hiển nhiên của lịch sử. Thế nhưng, đến nay vẫn có không ít những quan điểm xuyên tạc, luận điệu sai trái, thù địch, phản động, những nhận thức lệch lạc đánh giá không đúng về ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của sự kiện vĩ đại này ở một số luận điệu sau đây:

Một là, hạ thấp tầm vóc, bôi nhọ thành công của Cách mạng Tháng Tám của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng

Một số đối tượng hàm hồ cho rằng: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự ăn may của Cộng sản Việt Minh”. Họ lập luận, Việt Minh đã nhanh tay cướp lấy thành quả của Đồng minh chống phát xít, khi quân đồng minh chưa kịp vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật. 

Những kẻ thâm thù với cách mạng thì trắng trợn vu cáo: Việt Minh đã cướp công của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám”; chúng vào hùa với nhau để tung ra luận điệu: Cách mạng Tháng Tám là do tinh thần dân tộc lãnh đạo, dù không có Đảng Cộng sản, nhiều nước thuộc địa đã giành được độc lập mà ít tốn xương máu. Sự hao tốn xương máu của dân tộc là do Đảng Cộng sản gây ra.

Như mọi người đều biết, để làm nên thành công của cách mạng Tháng Tám “long trời, lở đất”, cả dân tộc Việt Nam với quyết tâm và tinh thần “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, đã nhất tề vùng lên, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã thành công, lật đổ bộ máy thống trị phát xít cùng triều đình phong kiến, thiết lập nên chính quyền cách mạng trên cả nước. 

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở đầu một chế độ mới, là chặng đường phát triển của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới. 

Cuộc cách mạng vĩ đại đó đã chấm dứt hoàn toàn chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm trên đất nước ta, đồng thời chặt đứt những mắt xích quan trọng của chế độ thực dân, thúc đẩy, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc bị áp bức, nô lệ các nước thuộc địa trên toàn thế giới.

Cách mạng diễn ra trong điều kiện thời cơ nghìn năm có một, tuy nhiên, thời cơ đó chỉ được tận dụng và đạt thành quả với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả thế và lực lượng cách mạng của Đảng. 

Cách mạng tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chứ không phải là sự “ăn may” hay “cướp công” nào cả như những đối tượng xấu, có thái độ thù địch, xuyên tạc.

Hai là, xét lại, xuyên tạc ý nghĩa lịch sử, thời đại của Cách mạng Tháng Tám

Mặc dù thụ hưởng thành quả của Cách mạng Tháng Tám gần 80 năm qua, song một số kẻ lại mạo danh, núp bóng “Người Việt Nam yêu nước” “ăn cháo đá bát”, đòi xét lại sự kiện lịch sử Cách mạng Tháng Tám. Có nhiều phần tử cơ hội chính trị tỏ ra bất mãn, cực đoan, quá khích, dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “xã hội dân sự” đấu tranh với cái gọi “vì chính nghĩa”, vì “dân chủ, tự do”, bất chấp lẽ phải, phẩm giá con người tung ra những luận điệu trắng trợn, hằn học, bỉ ổi rằng: Thành quả Cách mạng Tháng Tám  nhanh chóng rơi vào tay Đảng Cộng sản. 

Họ vu cáo đây là nguyên nhân dân tộc Việt Nam rơi vào “thảm họa” hai cuộc chiến tranh tàn khốc chống Pháp và chống Mỹ khiến cho đất nước bị tàn phá, dân tộc phân ly và ngày nay tiếp tục tình trạng nghèo đói, lạc hậu. Theo họ, nếu không đi theo con đường của cách mạng vô sản vạch ra, Việt Nam vẫn có độc lập mà tránh được chiến tranh, đi theo con đường của nước tư bản phát triển tới phồn vinh.

Đánh giá về nguyên nhân và bản chất của Cách mạng Tháng Tám, ngay các sử gia phương Tây mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau, song họ đều thấy được vai trò to lớn của Mặt trận Việt Minh, tinh thần dân tộc, cũng như tầm tư tưởng thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Nói về Cách mạng Tháng Tám, sử gia người Na Uy S.Tonesson thừa nhận “Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không chỉ có vậy, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát, và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và thực dân”. 

Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ làm chủ cuộc đời mới, kỷ nguyên nhân dân được tự do, đất nước được độc lập. Sức lan tỏa của Cách mạng Tháng Tám đã thức tỉnh các dân tộc trên thế giới, các nước Phi, Mỹ La tinh, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc để giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột. 

Đúng như nhà sử học Mông Cổ, TS Sanomish Dashtsevel đánh giá: “Cách mạng Tháng Tám đã tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Cuộc Cách mạng tháng Tám còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ ở các nước châu Á và trên thế giới”. 

Nói như vậy, thực chất của những luận điệu trên là một thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ, đổi trắng thay đen, hòng hạ thấp ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám. Mục đích của chúng là phá hoại về tư tưởng và đại đoàn kết dân tộc, gây mất lòng tin của các thế hệ đối với truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam. 

Thủ đoạn của chúng là cố tình khoét sâu vào nỗi đau chiến tranh và vu cáo, đổ vấy hậu quả đau thương này cho chính quyền cách mạng, cố tình chia rẽ đoàn kết, hòa hợp dân tộc, đẩy một bộ phận nhân dân xa rời Đảng, Nhà nước. 

Làm như vậy, họ đã vu cáo cả một dân tộc, phỉ báng cả quê hương, đất nước, biết bao anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Họ cam tâm đứng về phía thế lực thù địch ra sức “bắn đại bác vào quá khứ” một cách bỉ ổi nhất; bán rẻ lương tâm, cuồng nhiệt cổ xúy cho mọi quan điểm, luận điệu chống đối Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, quê hương, xứ sở.

Ba là, xuyên tạc thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là mở ra thời kỳ Đảng đã áp đặt một chế độ độc tài toàn trị, một đảng duy nhất nắm quyền thống trị với một nhà nước “chuyên chính vô sản”

Chúng cho rằng, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng nắm được quyền thống trị toàn đất nước, thành lập Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp đặt một chế độ độc tài toàn trị.

Điều 4 – Hiến pháp 2013 chỉ rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội quân tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Các tổ chức Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật (Hiến pháp năm 2013, tr.12, 13). 

Thực tế trong đời sống chính trị, xã hội đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. 

Ngoài lợi ích của dân tộc, phụng sự Tổ quốc và nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Đảng lấy “Tập trung dân chủ” (thiểu số phục tùng đa số, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách), “Đoàn kết thống nhất”, “tự phê bình và phê bình”… là những nguyên tắc tổ chức hoạt động của mình. 

Cùng với đó là mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Xét trên cơ sở chính trị, pháp luật, thực tiễn như vậy tại sao lại nói là thể chế chính trị ở Việt Nam là độc tài, bác đoạt nhân quyền, mất tự do, dân chủ? 

Thực tế, đằng sau sự vu cáo thâm độc này là cổ xúy cho thể chế đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thúc đẩy “xã hội dân sự”, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, hướng lái Việt Nam đi theo con đường TBCN.

Những nội dung xuyên tạc trên không có gì mới, chỉ là trò “bổn cũ soạn lại”, năm nào đến dịp cả nước kỷ niệm ngày lễ trọng đại, chúng lại lôi ra với ý đồ nói lâu, nói dai, nói đại để mong bỡn quá hoá thật. Tuy nhiên, chính sự nhai đi nhai lại luận điệu ấu trĩ ấy càng chứng tỏ bản chất phản động, phi lý của các thế lực chống đối. Bởi sự thật hiển nhiên chỉ có một, còn ngụy tạo tất bị chân lý phơi bày, không thể khoác áo giả dối, đánh lừa.

Lê Vĩnh Bình
.
.
.