Cảnh giác luận điệu lợi dụng vấn đề biển Đông để xuyên tạc, kích động chống phá

Chủ Nhật, 18/08/2019, 07:19
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những sự kiện “nóng” xảy ra để quy chụp, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, kích động tâm lý chống đối, kêu gọi quần chúng tụ tập đông người gây rối an ninh trật tự.

Một trong những sự kiện “nóng” được chúng “khuấy” lên trong thời gian qua là việc nhóm tàu khảo sát Hải dương Địa chất 08 Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên vùng biển Nam Biển Đông, gần bãi Tư Chính, từ ngày 3-7 đến ngày 7-8-2019.

Mượn gió, bẻ măng, các thế lực thù địch, phản động tán phát nhiều tài liệu, gồm những bài viết, video clip, hình ảnh có nội dung xuyên tạc đường lối đối ngoại, chính sách “3 không” và khả năng chiến đấu của Quân đội, gây tâm lý bất an, hoài nghi và kích động sự chống phá của một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin tình hình, do ngộ nhận. Vậy, bản chất của sự việc là gì, xin được trình bày trên một số điểm cơ bản như sau:

1. Chủ trương, đường lối, chính sách giải quyết bất đồng trên Biển Đông của Đảng, Nhà nước ta hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại

Trong xu thế hiện nay, thế giới là một mái nhà chung, các quốc gia đều có xu hướng vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kể cả trong quan hệ song phương và đa phương; những điểm bất đồng giữa các quốc gia, dân tộc đều được giải quyết trên nền tảng hòa bình, đối thoại, cùng nhau tìm giải pháp chung và trên nền tảng nguyên tắc nhất định của luật pháp quốc tế.

Dĩ bất biến, ứng vạn biến, trong bối cảnh Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta luôn giữ được chủ trương: “Giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hoà bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên, tiến tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển”.

Đảm bảo sự linh hoạt, mềm dẻo và giữ vững nguyên tắc không thể bác bỏ – chủ quyền quốc gia.

Chúng ta kiên trì đấu tranh trên các mặt trận, mọi cấp độ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các quốc gia trên thế giới, thẳng thắn đấu tranh kiên quyết, trao công hàm, tiếp xúc đại diện, lên tiếng phản đối Trung Quốc, yêu cầu tôn trọng chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Đồng thời, duy trì lực lượng chuyên trách, sử dụng biện pháp đấu tranh “hòa bình” không để xảy ra xung đột vũ trang. Bên cạnh đó, thường xuyên thông tin kịp thời tình hình diễn biến đến nhân dân, quản lý chặt chẽ tình hình an ninh trật tự và làm tốt công tác định hướng tư tưởng cho nhân dân.

Ngược dòng lịch sử từ khi dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay, đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Những cuộc chiến tranh đó đều đem đến những mất mát, tổn thất to lớn không thể bù đắp. Nhân dân ta cần hòa bình để ổn định, xây dựng và phát triển đất nước nên cần có chủ trương, đường lối đúng đắn, mọi sai lầm trong đường lối đều phải trả giá đắt, đều mang lại đau khổ cho nhân dân, nhất là khi đẩy đất nước vào chiến tranh.

Dân tộc Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh, chỉ khi tình thế bắt buộc mới phải đứng lên cầm súng đánh đuổi kẻ thù bảo vệ chính nghĩa, phẩm giá của dân tộc, không chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực thù địch nào dù chúng mạnh đến đâu.

Trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, nhờ đường lối đúng đắn, chúng ta vẫn bảo đảm và bảo vệ được lợi ích quốc gia dân tộc. Điều này cho thấy, chủ trương, đường lối, chính sách giải quyết bất đồng trên Biển Đông của Đảng, Nhà nước ta hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại.

2. Chính sách “3 không” của Việt Nam vẫn hoàn toàn đúng đắn

Trước sự kiện vi phạm của tàu Trung Quốc, các thế lực thù địch đã công kích, đòi Việt Nam phải thay đổi chính sách “3 không”, tiến đến hợp tác toàn diện, là đồng minh của Mỹ, Nhật Bản… để chống lại hành động xâm phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc.

Thực tiễn cho thấy, mọi hành động của các quốc gia, xét đến cùng đều bắt nguồn từ lợi ích, lợi ích cao nhất, tối thượng nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc.

Đặc biệt, với các quốc gia tư bản chủ nghĩa, nếu không có lợi ích, Việt Nam là đối tác toàn diện, là đồng minh của họ, đang bị các quốc gia khác đe dọa chủ quyền, họ cũng chẳng lên tiếng, huống hồ là giúp đỡ. Lịch sử cho thấy, nhiều quốc gia đã bị các nước lớn “đi đêm” mặc cả với nhau trên lưng các quốc gia khác, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của các nước nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia họ, trong đó có Việt Nam.

Do đó, với chính sách “3 không: không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của Đảng, Nhà nước ta về quốc phòng nói chung, công tác đối ngoại quốc phòng nói riêng, mang bản chất chế độ XHCN mà Việt Nam đang xây dựng, hướng đến sự hòa bình, thịnh vượng cho đất nước, khu vực và thế giới.

Chính sách quốc phòng, quân sự, xây dựng quân đội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân của Việt Nam chỉ nhằm mục đích duy nhất là để bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta không quên sự hợp tác, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; song từ xưa đến nay, cha ông ta luôn nhất quán tinh thần độc lập, tự chủ, lấy sức ta mà giải phóng cho ta, không dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ duy nhất vào sự hỗ trợ từ bên ngoài để bị lệ thuộc, bị chi phối.

Đảng ta luôn nhất quán quan điểm biện chứng trong đối tượng và đối tác, có hợp tác và có đấu tranh; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.

Trong xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam luôn chủ động hội nhập và phát triển; tiến hành hội nhập sâu rộng trên các lĩnh vực, như: hội nhập kinh tế quốc tế; hội nhập quốc tế về văn hóa – xã hội, môi trường và hội nhập quốc tế về chính trị, quốc phòng, an ninh.         

Việt Nam đã tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống; chủ động đề xuất, định hình cơ chế hợp tác Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn An ninh khu vực (ARF); tham gia Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol; tham gia Diễn đàn Tư lệnh cảnh sát các nước ASEAN và thường xuyên cử sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với hơn 80 nước, bao gồm tất cả các thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đã ký 50 hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác tương trợ tư pháp hình sự chống tội phạm, phòng, chống ma túy với các nước. Quan hệ quốc phòng - an ninh đa phương có bước phát triển về số lượng, chất lượng và hiệu quả…

Quá trình hội nhập đó, Việt Nam vẫn giữ được chủ trương, đường lối và bảo đảm thực hiện tốt chính sách “3 không”, giữ đúng định hướng. Đến nay, chính sách “3 không” vẫn hoàn toàn đúng đắn.

3. Quân đội nhân dân Việt Nam đấu tranh để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Các thế lực thù địch rêu rao: “Khi đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông, tại các vùng tranh chấp, Quân đội Việt Nam không dám nổ súng, không dám đấu tranh, để mặc Trung Quốc muốn làm gì thì làm…”. Những luận điệu đó là hoàn toàn xuyên tạc, không đúng sự thật, cố tình kích động gây căng thẳng tình hình với mục đích đẩy chúng ta vào cuộc đối đầu quân sự có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Thực tiễn cho thấy, trong suốt thời gian Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển, một trong những lực lượng thuộc biên chế của Quân đội Việt Nam luôn luôn có mặt 24/24h, thực hiện các hoạt động đấu tranh nhằm giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Lực lượng đó chính là Cảnh sát biển Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, từ năm 2008 đến năm 2019, lực lượng này đã phát hiện hơn 39.800 lượt/chiếc tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.

Trong đó, phát hiện, theo dõi 850 lượt tàu quân sự, 2.287 lượt tàu chấp pháp, trên 4.000 lượt giàn khoan, tàu nghiên cứu thăm dò, tàu nước ngoài phụ hành và dịch chuyển bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam và đã yêu cầu trên 26.800 lượt/chiếc tàu vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Trong mỗi tình huống, các phương án đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chuẩn bị, luyện tập nhuần nhuyễn và linh hoạt khi áp dụng vào thực tiễn đấu tranh, luôn giữ vững được định hướng, sự lãnh đạo của Đảng và tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế.

Bên cạnh lực lượng Cảnh sát biển, các thành phần khác của lực lượng vũ trang Việt Nam cùng lực lượng kiểm ngư luôn luôn sẵn sàng thực hiện phương án để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta luôn vì lợi ích quốc gia dân tộc, các chính sách, biện pháp giải quyết trong các tình huống tranh chấp trên Biển Đông của Đảng, Nhà nước ta thể hiện nhất quán nguyên tắc, mục tiêu đó. Chủ trương, đường lối đó cần được sự đánh giá, nhìn nhận khách quan từ mọi thành phần trong xã hội, nhất là thế hệ trẻ ngày nay.

Tinh thần dân tộc, lòng yêu nước luôn cháy bỏng trong mỗi con dân đất Việt, hãy hiện thực hóa tinh thần đó bằng việc làm cụ thể để đưa đất nước ta ngày càng phát triển, giàu mạnh, tăng cường mọi tiềm lực, sánh vai được với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới đấu tranh, phản bác lại các quan điểm phiến diện, siêu hình, xuyên tạc tình hình Biển Đông của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước.

Mỗi người dân yêu nước cần tỉnh táo, bình tĩnh, kiên quyết, kiên trì, nhận thức rõ luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch để có hành động đúng, góp phần bảo vệ Tổ quốc.

Hồng Phú
.
.
.