Để nhân dân thực hiện quyền làm chủ về bảo vệ an ninh, trật tự

Thứ Sáu, 16/06/2017, 09:15
Làm tốt công tác vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc là điều kiện cơ bản để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy Công an nhân dân: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”; “Bảo vệ an ninh, trật tự là sự nghiệp của nhân dân, dựa vào nhân dân là một bảo đảm chắc chắn cho thắng lợi của cuộc đấu tranh”; “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng CAND luôn nhận thức rõ sức mạnh của Công an nhân dân bắt nguồn từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; phong trào vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự là một phong trào cách mạng của Đảng, là nội dung quan trọng của “Biện pháp vận động quần chúng” - biện pháp cơ bản, chiến lược của Công an nhân dân.

Làm tốt công tác vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc là điều kiện cơ bản để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự; đồng thời cũng là để tập hợp, thu hút, hướng dẫn, nâng cao năng lực của nhân dân trong việc giải quyết những yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, tạo thế trận phòng ngừa xã hội và tạo điều kiện cho lực lượng CAND tập trung triển khai sâu rộng công tác phòng ngừa nghiệp vụ, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng xây dựng phong trào chưa hình thành, nhưng xuất phát từ thực tiễn cách mạng, lực lượng CAND đã chủ động làm tốt công tác dân vận, huy động quần chúng nhân dân ở mọi miền đất nước đóng góp công sức, tích cực tham gia cùng lực lượng CAND đấu tranh chống gián điệp, biệt kích, tiễu phỉ, trừ gian, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội, dân công, bảo vệ các tuyến đường giao thông quan trọng... lực lượng CAND đã tham mưu với Đảng, Nhà nước trong việc tập hợp, tổ chức nhân dân thành những đội quân tích cực tham gia phong trào “Phòng gian bảo mật”, nêu cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ cuộc kháng chiến, chống lại mọi âm mưu của kẻ thù, vạch mặt những tên đầu sỏ gian ác, các đối tượng gián điệp làm tay sai cho địch; thực hiện tuần tra canh gác, bảo vệ các lực lượng tham gia kháng chiến, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, cùng toàn Đảng, toàn quân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, lực lượng làm công tác phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chính thức được thành lập (16-6-1967), đã phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân, tham gia tích cực, có hiệu quả vào các phong trào, như: “Ba phòng”, “Bảo vệ trị an”... từ đó, nhân dân đã trở thành bức tường thành vững chắc, là chỗ dựa tin cậy của lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh chống gián điệp biệt kích, chống phản động và các đối tượng gây rối an ninh, trật tự, đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, cách mạng Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, lực lượng xây dựng phong trào đã huy động Nhân dân tiếp tục sát cánh giúp đỡ lực lượng CAND đấu tranh, đập tan âm mưu bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng của các thế lực thù địch, các tổ chức đảng phái phản động ở trong nước và phản động lưu vong ở nước ngoài; tham gia các phong trào bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng và công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước.

Công an TP Hòa Bình gặt lúa giúp dân.

Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, nhiệm vụ của lực lượng CAND ngày càng nặng nề hơn. Lực lượng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, ban hành các văn bản chỉ đạo, với nhiều chủ trương, biện pháp chiến lược, cơ bản, lâu dài, tạo chuyển biến tích cực trong công tác vận động quần chúng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, nổi bật như: Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, Chỉ thị số 09/CT-BCA-V28 ngày 19-9-2014 của Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo”... tổ chức nhiều phong trào, huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo điều kiện để nhân dân được thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự, được bàn bạc, trao đổi, đề ra cách thức, biện pháp giữ gìn cuộc sống bình yên và tự tổ chức thực hiện.

Lực lượng xây dựng phong trào đã tích cực vận động Nhân dân tăng cường xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, chiến lược, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức sơ kết, tổng kết nhiều chuyên đề công tác để trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự; mở nhiều đợt vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, xây dựng gia đình, khu dân cư xã, phường, doanh nghiệp, đơn vị, nhà trường an toàn về an ninh, trật tự, không có ma túy, tệ nạn xã hội; quản lý, giáo dục, cảm hóa những người vi phạm pháp luật tại gia đình và tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; vận động đối tượng ra tự thú; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phòng, chống cháy, nổ, giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, của cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp; sự phối hợp của các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, sự tin yêu, đùm bọc, che chở, giúp đỡ của Nhân dân, lực lượng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng được củng cố, kiện toàn, bổ sung, hoàn thiện về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ; phong trào đã có những bước phát triển mới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Trong công tác, chiến đấu, đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, không quản ngại nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh tính mạng, vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân (tính từ năm 2008 đến nay đã có 44 đồng chí Công an xã anh dũng hy sinh, 487 đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ).

Ghi nhận những kết quả, thành tích xuất sắc của lực lượng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba cho Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của các ban, bộ, ngành và Bộ trưởng Bộ Công an; hàng trăm đơn vị Công an xã, Ban An ninh xã, Phòng, Ban, Đội Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thời gian tới, trong xu thế hội nhập quốc tế, đất nước ta đứng trước nhiều thời cơ thuận lợi để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, hòng làm giảm sức mạnh của lực lượng quần chúng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tích đã đạt được, xây dựng lực lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ công tác sau:

1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.

Chủ động tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý điều hành đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đề ra chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị địa phương.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chế độ, thể lệ, nội quy, quy tắc về bảo vệ an ninh, trật tự; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, tệ nạn xã hội; những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm để Nhân dân chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả; quyền và nghĩa vụ công dân trên lĩnh vực an ninh, trật tự để tự nguyện, tự giác tham gian thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

3. Xác định vận động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là công tác cơ bản, chiến lược hàng đầu của lực lượng Công an nhân dân, trong đó phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một bộ phận cơ bản của nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận lòng dân vững chắc; kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp vận động quần chúng với các biện pháp công tác khác của ngành, giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ; giữa phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, gắn kết với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương và địa bàn dân cư.

4. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng khu vực, lĩnh vực, địa bàn cụ thể. Vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm, các Chương trình quốc gia phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người; phát hiện tố giác tội phạm, bài trừ tai, tệ nạn xã hội; tham gia quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, đoàn thể, chính trị - xã hội và các tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với các vùng, miền, lĩnh vực, địa phương có đặc điểm tương đồng, lồng ghép với các phong trào cách mạng của Đảng, Nhà nước, ban, ngành, đoàn thể.

5. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, đoàn thể… trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tiếp tục tham mưu kiện toàn các Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từ cấp tỉnh đến cơ sở.

6. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác phong trào; xây dựng lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò các tổ chức tự quản của nhân dân làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Quan tâm đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chú trọng tổng kết thực tiễn, xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về công tác vận động quần chúng và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
.
.
.