Giới hạn của livestream “chống tham nhũng”
- Công tác phòng, chống tham nhũng được tiến hành quyết liệt, nghiêm minh, không có “vùng cấm”
- Bài học trong công tác phòng, chống tham nhũng tài sản công
- Lực lượng Công an quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, lãng phí
Thời gian gần đây, khi vào Facebook hoặc các nền tảng mạng xã hội, chúng ta bắt gặp những video được một số người dân quay bằng điện thoại thông minh phát trực tiếp (livestream) từ trụ sở tiếp công dân với lời lẽ gay gắt tố cáo người này, người nọ vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực...
Điều đáng nói là những thông tin tố cáo kiểu trên chưa được cơ quan chức năng xác định đúng sai, nhưng người "lai-trim" đã tự cho mình được quyền qui kết gây hiệu ứng không tốt trên mạng xã hội. Việc làm này cần phải được xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật.
Đ.V, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khá nổi tiếng trên trang "T.D" bởi tần suất livestream liên tục trên trang mạng này. Đây là một trang mạng được lập ra và "chạy" trên nền tảng facebook nên có thể chia sẻ, bình luận, bấm "like", tạo hiệu ứng lan tỏa đến rất nhiều người sử dụng facebook.
Với danh nghĩa livestream để "cộng đồng mạng giám sát" việc thực thi công vụ của cán bộ tiếp công dân khi giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đ.V; nhưng thực tế, khi xem một vài video, thấy rằng, Đ.V không chú tâm vào việc trình bày nội dung mấu chốt khiếu nại, tố cáo của mình, mà chủ yếu là tự diễn thuyết, dẫn dắt câu chuyện để thuyết minh tạo hiệu ứng thu hút người xem cho video livestream là chính.
Trong vai là người "chống lại cả một đường dây tiêu cực", Đ.V tố cáo hết người này đến người khác nhưng không đưa ra được chứng cứ mà đã tự qui kết, gắn mác cho họ là tham nhũng, tiêu cực, vi phạm này nọ... Ngay cả những người hàng xóm của Đ.V cũng bị anh ta livestream đưa lên mạng với những suy diễn thiếu căn cứ, vi phạm đời tư cá nhân.
Điều đáng nói là, những video livestream của Đ.V đã thu hút được khá nhiều người xem. Nhiều người không có thông tin hai chiều đã vội đưa ra những bình luận qui chụp, cổ xúy Đ.V là "người hùng" chống tham nhũng; còn những kẻ bất mãn, cơ hội thì lợi dụng để công kích chính quyền.
Trường hợp của Đ.V không phải là cá biệt, có lẽ nhận thấy sự "biến tướng" của một số cá nhân lợi dụng quyền tự do, dân chủ của công dân để ghi hình, đưa lên mạng xã hội phục vụ những mục đích không đúng pháp luật, UBND TP Hà Nội đã ban hành nội qui tiếp công dân, trong đó có qui định không cho phép người dân quay phim, chụp hình khi chưa có sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân.
Qui định này đã gây ra những ý kiến trái chiều. Người thì đồng tình vì cho rằng, công dân có quyền giám sát cán bộ thực thi công vụ nhưng ngược lại, cán bộ cũng có quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân theo pháp luật dân sự; công dân không thể tự do làm điều mình muốn khi quyền ấy lại xâm phạm đến quyền cá nhân của người khác... Những người theo quan điểm phản đối cho rằng, nếu phải xin phép cán bộ tiếp dân mới được ghi hình, chụp hình sẽ làm hạn chế quyền giám sát của người dân, không ngăn chặn được thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu, tiêu cực...
Về phía cán bộ tiếp công dân, biết là người dân đang ghi hình để livestream trực tiếp trên mạng xã hội với mục đích công kích cá nhân, cơ quan, tổ chức một cách thiếu căn cứ nhưng cũng rất khó ngăn cấm họ, bởi người dân cho rằng, họ làm những gì pháp luật không cấm. Có người còn viện dẫn Điều 8 Hiến pháp qui định: “cán bộ, công chức, viên chịu sự giám sát của Nhân dân” để đấu lý với cán bộ tiếp công dân...
Thực ra, từ khi thành lập nước đến nay, với bản chất là "Nhà nước của dân, do dân và vì dân", trong quá trình xây dựng Hiến pháp và pháp luật, Nhà nước ta luôn coi trọng quyền tự do, dân chủ của công dân; trong đó có quyền giám sát cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.
Tuy nhiên, trước đây, khi các thiết bị số và mạng xã hội chưa phát triển, người dân cũng có thể giám sát bằng các hình thức khác nhau. Hiện nay, điện thoại thông minh kết nối internet trở nên thông dụng thì mạng xã hội trở thành một kênh thông tin quan trọng để cơ quan chức năng phát hiện, xử lý những vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức cũng như các hiện tượng tiêu cực khác trong xã hội.
Trở lại vấn đề có nên cho phép hay không việc công dân livestream tại trụ sở tiếp công dân trên mạng xã hội? Theo chúng tôi, chúng ta không thể đi ngược lại với xu thế công nghệ của thời đại 4.0, vì ghi hình để làm căn cứ đấu tranh cũng là một cách giám sát việc thực thi công vụ. Song lúc nào thì được ghi hình, cách ghi hình như thế nào để không làm ảnh hưởng đến cán bộ và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, địa điểm nào cấm không được phép ghi hình... thì cần có qui định cụ thể để người dân và cơ quan nhà nước căn cứ vào đó mà thực hiện.
Tuy nhiên, bất luận là thế nào, chúng ta cũng không chấp nhận việc một số cá nhân lợi dụng quyền tự do dân chủ, lợi dụng "quyền giám sát" của công dân để xuyên tạc sự thật, tự ý qui chụp, cắt ghép hình ảnh kết luận thay cơ quan nhà nước, gây ra những hiệu ứng không tốt trên mạng xã hội. Điều 16, Luật An ninh mạng có qui định về phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng, trong đó nghiêm cấm việc đưa nội dung làm nhục, vu khống người khác; đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật, xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 3-2-2020 cũng đã có chế tài xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực này...
Vì vậy, đối với những trường hợp đưa thông tin tố cáo tham nhũng, tiêu cực cần có bằng chứng rõ ràng, bên cạnh việc làm "video clip" để tố cáo tiêu cực, người dân cần có đơn gửi tới các cơ quan có thẩm quyền để đề nghị xem xét giải quyết khiếu nại - tố cáo của mình.
Chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền kết luận người đó có tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật hay không. Khi chưa có kết luận cuối cùng, người dân không được phát ngôn qui chụp, khẳng định, làm thay việc giải quyết khiếu nại - tố cáo của cơ quan nhà nước. Khi đến cơ quan Nhà nước, người dân cần có thái độ hòa nhã, lịch sử, thể hiện văn hóa nơi công sở; không được gây mất trật tự, dùng điện thoại dí vào mặt cán bộ tiếp dân để ghi hình, chụp ảnh thể hiện sự thiếu ý thức tôn trọng người khác.
Về phía cơ quan nhà nước, khi tiếp công dân cần căn cứ vào Luật tiếp công dân. Cán bộ tiếp công dân cần có thái độ lịch sự, văn hóa, ứng xử đúng mực với người dân, đồng thời cũng có quyền từ chối không tiếp nếu công dân có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, vi phạm nội qui tiếp công dân.