Đừng để lòng yêu nước bị lợi dụng

Thứ Tư, 13/06/2018, 10:13
Cách đây 70 năm, Bác Hồ viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” trong tình cảnh nước ta “ngàn cân treo sợi tóc”, khi cùng lúc phải chống thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt.

Khi đó, “Vì bổn phận người dân Việt Nam, bất kỳ nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều thi đua như nhau”. Trải qua 70 năm, lịch sử đã chứng minh, nhân dân ta có tình yêu nước nồng nàn. Ngày này, bối cảnh trong nước và quốc tế đã khác nhưng không vì thế mà chúng ta thiếu đi tình yêu Tổ quốc mình, dân tộc mình.

1. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra và nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước. Những diễn biến tại nghị trường không chỉ được các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin, mà còn được truyền hình trực tiếp. 

Bên hành lang Quốc hội, các phóng viên tiếp cận các đại biểu để trao đổi, phỏng vấn nhằm có những thông tin đầy đủ, những góc nhìn sâu kỹ, đa dạng mà họ và tòa soạn quan tâm. 

Với cách đưa tin nghị trường như hiện nay, khán thính giả, độc giả được cung cấp thông tin rất nhanh, phong phú. Những tin bài về hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong kỳ họ thường có lượng rating, view cao. Điều này cho thấy, người dân rất quan tâm đến vấn đề lớn lao của đất nước cũng như chủ trương, chính sách về an sinh, phúc lợi, kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh…

Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét thông qua nhiều luật, trong đó có Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng. Có lẽ, đây là hai trong số những luật mà dư luận quan tâm nhất, chiếm nhiều “đất” trên các trang báo và sóng truyền hình nhất. 

Không chỉ vậy, trên các mạng xã hội, chủ đề xoay quanh hai luật này cũng được bàn thảo nhiều nhất. Và đây cũng chính là những vấn đề đã tạo nên những luồng ý kiến khác nhau. 

Việc cử tri quan tâm, phản biện rất hữu ích trong quá trình Quốc hội xây dựng luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phát biểu tại nghị trường ngày 11-6 cũng nêu rằng, các dự luật mà Quốc hội đang thảo luận sẽ luôn lắng nghe ý kiến cử tri.

Cũng trong ngày 11-6, Quốc hội đã đồng ý rút nội dung biểu quyết thông qua luật và nghị quyết về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc ra hỏi lịch trình thông qua trong kỳ họp này và sẽ xem xét ờ kỳ họp tới. 

Ngày 12-6, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng với ý kiến đồng thuận cao. Như vậy có thể thấy rằng, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp nhận, lắng nghe ý của đại bộ phận quần chúng nhân dân trên tinh thần tôn trọng nguyên tắc lập pháp.

2. Trong những ngày qua, bản thân tôi cũng đọc rất nhiều ý kiến của các văn sỹ, trí thức bàn về vấn đề đặc khu, an ninh mạng. Với tri thức của mình, họ đã đưa những căn cứ, phân tích, nhận định về việc chúng ta có cần thiết phải xây dựng 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc hay không; lợi thế và bất lợi đối với vấn đề quốc phòng – an ninh, kinh tế - xã hội trong việc xây hay không xây 3 đặc khu này… 

Đọc những bài viết này, tôi thấy thật bổ ích. Bởi họ đã nhìn vấn đề bằng lý tính, bằng trái tim của người yêu đất nước, con người Việt Nam. Tôi đã không ngại ngần ấn nút chia sẻ, vì tôi muốn bạn bè tôi, người thân của tôi được cập nhật những thông tin hữu ích và để hiểu đúng về vấn đề này. 

Cũng trên mạng xã hội, tôi cũng đọc cả những bài viết mạo danh những người có danh tiếng, địa vị cao trong xã hội để bàn thảo về những vấn đề nêu trên. Khi những người bị mạo phạm lên tiếng, tôi và hẳn là nhiều người dùng mạng xã hội khác càng thấy rõ việc lợi dụng sức mạnh của Internet để hướng lái dư luận của ai đó thật trắng trợn. 

Thế mới biết, người dùng mạng xã hội cần phải tỉnh táo để thẩm định thực, hư trên thế giới ảo. Ngoài ra, cũng trên mạng xã hội, hằng ngày tôi cũng đọc vô số những bài viết đầy cảm tính, ngộ nhận, thiếu căn cứ, cực đoan, tiêu cực, phỉ báng, kích động. Rất tiếc là nhiều bài viết dạng này đều nhân danh lòng yêu nước. Với cách yêu nước thế này, sẽ gây hại nhiều hơn.

Mấy ngày nay, nhiều nơi như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Khánh Hòa… tập trung rất đông người tụ tập tuần hành và trong số đó, có không ít người nhân danh lòng yêu nước. 

Nhưng với hành động như tấn công cảnh sát, đập phá tài sản, tràn vào trụ sở cơ quan công quyền, thì không ai có thể chấp nhận được cách yêu nước này. 

Việc làm của họ không chỉ gây mất trật tự trị an, ùn tắc giao thông mà còn ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, đến sản xuất kinh doanh. Nhìn xa hơn, đó là ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đến xuất nhập khẩu hàng hóa, đến quốc phòng – an ninh. 

Bài học Bình Dương năm 2014, khi công nhân đập phá nhà máy, xí nghiệp còn đang sờ sờ ra đấy. Đáng chú ý là trong đám đông này, nhiều đối tượng cầm đầu, kích động bị cơ quan Công an tạm giữ đã khai ra rằng, họ làm việc này do các thế lực phản động xúi giục. Thế nên trong những đám đông này, có nhiều người lòng yêu nước của họ đã bị kẻ xấu lợi dụng. 

Giá như mỗi người trong các đám đông đang hồ hào, chăng biểu ngữ kia trước khi hành động mà suy xét để chọn cho mình cách thể hiện lòng yêu nước phù hợp thì sẽ tránh sập bẫy của các đối tượng xấu, gây hại cho đất nước.

Đọc lại “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác để thấy, để thể hiện lòng yêu nước trong giai đoạn mệnh nước lâm nguy đâu phải là những gì to tát. Mà đó là: “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc, Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn, Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp, Đồng bào công nông thi đua sản xuất, Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh, Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân, Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi”. 

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta cần hiểu đúng, hiểu đủ từng vấn đề và suy xét, tỉnh táo để chọn cho mình cách thể hiện lòng yêu nước phù hợp, tránh để tình cảm cao quý đối với Tổ quốc mình, dân tộc mình bị kẻ xấu lợi dụng.

Cao Hồng
.
.
.