Cảnh giác trước chiêu trò “vặt” dịp kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Thứ Ba, 02/01/2018, 08:03
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (sau đây xin gọi tắt là cuộc Tổng tiến công - PV) đã diễn ra 50 năm. Những ngày qua và cho đến Tết Mậu Tuất 2018, tại nhiều địa phương cả nước có những hoạt động thiết thực kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại này của dân tộc. 


Thông qua các hoạt động đó, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công càng được khẳng định, trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến, quyết thắng, khí phách quật cường và khát vọng hòa bình, độc lập của toàn thể dân tộc; thể hiện nghệ thuật chiến tranh cách mạng, sức sáng tạo vượt bậc của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh…

Sự thật lịch sử và ý nghĩa to lớn của cuộc Tổng tiến công đã quá rõ ràng, không thể phủ nhận. Song, theo ThS Hoàng Thanh Hải, Ban Tuyên giáo Trung ương(*), các thế lực thù địch vẫn nuôi thù hận, thực hiện hành động thâm độc, xảo trá nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận sự hy sinh xương máu và những đóng góp vô cùng lớn lao của quân và dân ta, của bè bạn quốc tế - những người yêu chuộng công lý và hòa bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; thổi phồng những hạn chế trong quá trình chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, hỗ trợ các phần tử chống đối và lực lượng tay sai, phản động chống phá đất nước.

Lợi dụng mạng xã hội, Internet và nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân, các thế lực thù địch tạo ra các website giả mạo, lập và sử dụng website, blog, mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến mà người đọc khó kiểm chứng hết để tạo dựng, phát tán các thông tin, hình ảnh giả tạo, sai lệch, thật giả lẫn lộn, để lôi kéo, hướng lái dư luận ngả theo quan điểm sai trái.

Từ các thông tin đó, chúng quy chụp Đảng, Nhà nưóc đã sai lầm về đường lối, vu khống cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội; bôi nhọ lịch sử, ý nghĩa chiến thắng và sự hy sinh xương máu của đồng bào, chiến sĩ trong Tổng tiến công, nhằm làm lung lay lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, phá hoại cuộc sống, môi trường hòa bình, ổn định mà chúng ta phải đổ bao xương máu mới có được.

Ngót nửa thế kỷ trôi qua, chúng ta càng có điều kiện nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, khoa học hơn về cuộc Tổng tiến công. Vì vậy, theo các nhà nghiên cứu, đây là dịp để chúng ta tăng cường thông tin chính thống về sự kiện này tới đông đảo đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài được tường tận; đồng thời đấu tranh, phản bác hiệu quả với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Theo ThS Hoàng Thanh Hải, để tăng cường các thông tin chính thống cần thực hiện những nội dung sau:

Thứ nhất, quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc Tổng tiến công với nội dung, hình thức phù hợp. Lưu ý phát huy tối đa hình thức tuyên truyền miệng qua các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, họp thôn, tổ; hội họp và hoạt động của các tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội, câu lạc bộ, các tổ chức xã hội nghề nghiệp...

Kết hợp tuyên truyền bằng triển lãm và trưng bày tư liệu, tranh ảnh, hiện vật của cuộc Tổng tiến công phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân tham quan tìm hiểu, học tập. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng tuyên truyền qua các kênh phát thanh, truyền hình trong nước và nước ngoài; tăng cường mở rộng các chuyên mục, các diễn đàn, các cuộc giao lưu, tọa đàm về gặp gỡ các nhân chứng, sự kiện lịch sử nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của nhân dân.

Qua đó làm cho mọi người có được cách tiếp cận đúng, biết tiếp nhận và biết sàng lọc thông tin, phân biệt đúng, sai, nhất là trong điều kiện thông tin mở, thông tin trên mạng như hiện nay; không để cổ xúy và lan truyền những thông tin xấu độc.

Tập trung tuyên truyền đường lối, sách lược của Đảng khi ra quyết định Tổng tiến công; diễn biến sự kiện; những kết quả đã đạt được; ý nghĩa chiến lược và nguyên nhân thắng lợi; nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; những bài học lịch sử quý báu đã trở thành kinh nghiệm xương máu rút ra từ lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành Tổng tiến công với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới; đấu tranh với những quan điểm sai trái, thiếu cơ sở khoa học làm giảm ý nghĩa của chiến thắng, đồng thời phản bác lại những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ lịch sử và các thủ đoạn chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch. Từ đó tạo thành phong trào mang tính cộng đồng đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc và thông tin độc, xấu, góp phần giữ vững thế trận lòng dân trước sự chống phá của các thế lực thù địch.

Thứ hai, coi trọng giáo dục truyền thống của dân tộc, quân đội; giáo dục niềm tự hào vềsự kiện Mậu Thân 1968 cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Để cho mọi người có cách nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn về nguyên nhân thắng lợi, những nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh trong cuộc Tổng tiến công đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù hung bạo; tầm vóc lớn lao và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; lòng trung thành vô hạn của các lực lượng vũ trang đối với Tổ quốc và nhân dân, tinh thần sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước trong những thời điểm thử thách ác liệt nhất của lịch sử...

Thứ ba, tăng cường hội thảo, nghiên cứu khoa học chuyên sâu về Tổng tiến công. Tổ chức họp báo, phỏng vấn tại các hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến phản hồi, phản biện của các chuyên gia... Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu tổng kết lịch sử, nhất là giai đoạn Tổng tiến công.

Thứ tư; tổ chức sáng tác văn học; nghệ thuật, thi tìm hiểu, viết báo... về cuộc Tổng tiến công. Qua đó, lựa chọn những tác phẩm tốt phù hợp để sử dụng cho hoạt động tuyên truyền. Phối hợp với các đoàn văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp xây dựng chương trình biểu diễn theo chủ đề nội dung thích hợp, đáp ứng được mục tiêu công tác tuyên truyền.

Cùng với đó, cần quan tâm biên soạn, phát hành các giáo trình lịch sử, các ấn phẩm chính thống về cuộc Tổng tiến công phục vụ công tác tuyên truyền, học tập và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của độc giả. Đưa các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền đã được xuất bản (sách, đặc san, băng đĩa,…) thành dữ liệu điện tử, các video clip và đăng tải dữ liệu đó trên Internet, mạng xã hội…

****************************

(*) Tham luận tại Hội thảo chủ đề “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 – Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo TW và Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29-12 vừa qua.

Thái Bình
.
.
.