Ứng viên đảng Dân chủ khuyên Mỹ tập trung chống khủng bố thay vì chống Nga
- Nga, Mỹ thu hẹp các bất đồng về Syria
- Nga-Mỹ họp bàn về Syria và Ukraina tại G-20 và đã có “tiếng nói” chung
Trong bài phát biểu hôm 18-1, Thượng nghị sỹ Sanders chỉ ra rằng, ngân sách quốc phòng của Mỹ đã lên tới 600 tỷ USD, và rằng: “Thật không may, phần lớn ngân sách quốc phòng của chúng tôi được phân bổ cho cuộc chiến tranh Lạnh chống Nga. Chỉ một phần nhỏ không đáng kể, ít hơn 10%, là dành cho cuộc chiến chống khủng bố quốc tế và (cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng) IS”.
Chia sẻ quan điểm của ông Sanders, cùng ngày, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ ra rằng, Mỹ hiện vẫn tránh hợp tác với Nga trong các hoạt động quân sự chống IS tại Syria: “Các đồng nghiệp người Mỹ từ chối bất kỳ sự hợp tác nào”, mặc dù Moskva luôn sẵn sàng tương tác. Theo ông Peskov, hiện còn “quá sớm” để bàn về việc mở rộng liên minh quốc tế chống IS, nhưng khi “chúng ta được thuyết phục về sự cần thiết của nó, chúng ta sẽ hiểu được rõ hơn liên minh này sẽ như thế nào”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, Bộ Ngoại giao Mỹ trên thực tế không nhìn thấy sự trợ giúp nhân đạo của Nga giành cho Syria, cũng như trong trường hợp Ukraine, vì “họ chỉ quen nhìn thấy những gì bản thân họ tự nghĩ ra mà thôi”. Theo giới chuyên gia, mặc dù Mỹ vẫn khăng khăng từ chối, nhưng trên thực tế, Washington không tránh khỏi sự hợp tác với Moskva, đó như là định mệnh tất yếu.
Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Bernie Sanders. |
Một quan chức cấp cao Mỹ nhận định: “Chúng tôi vẫn còn hoài nghi về những mối quan tâm của Nga ở Syria, nhưng cũng cho rằng, người Nga sẽ đóng vai trò không thể thiếu cho một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này. Quan điểm đó phản ánh mức độ liên hệ tiếp xúc mà chúng tôi duy trì với Nga”.
Trong khi đó, theo đại diện chính thức từ Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, Trung tá Christy Beckman, nước này và Nga đã đạt đồng thuận về “Biên bản về sự hiểu biết lẫn nhau”, trong đó bắt buộc các bên “phải điều khiển máy bay một cách chuyên nghiệp, sử dụng các tần số thông tin được tách riêng và tạo lập tuyến liên lạc trên mặt đất”. Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã thực hiện một “bước đi theo hướng đáp ứng” mong muốn của Mỹ khi cho rằng sẽ có lúc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi và thừa nhận nhà lãnh đạo Syria “đã phạm không ít sai lầm trong cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này”. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga và người đồng cấp Mỹ cũng duy trì liên lạc và thường xuyên thảo luận về tình hình Syria qua điện đàm cũng như trong các cuộc gặp riêng.
Liên quan tới cuộc chiến chống IS, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan khẳng định từng tham gia vào cuộc đối thoại với đối tác Nga theo đề tài cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và những mối đe dọa cho cả hai nước từ phía IS.
“Chúng tôi trao đổi thông tin với nhau. Và tôi khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng nghiệp Nga. Điều quan trọng là mỗi bên sẽ đóng góp vào việc phân tích thông tin và những dữ liệu mà chúng ta có thể sử dụng chung”, ông Brennan nói.
Trong khi đó, đánh giá cao hoạt động quân sự của Nga tại Syria, Ngoại trưởng nước này Walid Mualem nêu rõ: “Nga đã đang thực hiện chiến dịch không kích hiệu quả hơn 10 lần so với Mỹ”.
Ngoại trưởng Syria cho biết, với sự phối hợp giữa các chiến đấu cơ Nga và bộ binh Syria, quân đội chính phủ đã tái chiếm được nhiều vùng lãnh thổ tại Syria, đồng thời bày tỏ hy vọng quan hệ hợp tác này sẽ duy trì vì “đây không chỉ là điều tốt cho đất nước chúng tôi, mà nó còn là biện pháp tự vệ cho Nga”. Trong khi đó, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani nêu rõ, Nga không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, mà còn trên toàn thế giới, bao gồm cả khu vực Trung Đông.
Theo đánh giá của chuyên gia phân tích Maxim Suchkov thuộc Hội đồng các vấn đề quốc tế Liên bang Nga, chiến dịch chống khủng bố của Nga tại Syria đã giúp Moskva đạt được 2 mục tiêu chính trị quan trọng. Thứ nhất, Nga không còn bị cô lập nữa sau khi tất cả các nước tham gia chống khủng bố đều hướng về phía Nga. Điều này cho thấy một thực tế rõ ràng là nếu hợp tác với Nga sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn rất nhiều, cả về chính trị lẫn tác chiến, thay vì cô lập Nga.
Thứ hai, các nỗ lực của Nga đã thành công trong việc chuyển đổi quan điểm của giới lãnh đạo tại các nước phương Tây về vấn đề Tổng thống Assad, đặc biệt trong lúc đang gia tăng thách thức từ Tổ chức khủng bố IS. Điệp khúc “Assad phải ra đi” đã dần lắng dịu. Yêu cầu Tổng thống Syria phải từ chức cũng đã không được nhắc đến trong Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nghị quyết nhằm dọn đường cho tiến trình hòa bình lâu dài cho Syria.