Đông Bắc Á ‘dậy sóng’ sau vụ Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch

Thứ Năm, 07/01/2016, 08:16
Mặc dù Cơ quan Tình báo Hàn Quốc cho rằng, thiết bị mà CHDCND Triều Tiên thử ngày 6-1 có khả năng không phải là bom nhiệt hạch (bom H), nhưng nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối, gây ra bầu không khí căng thẳng tại khu vực Đông Nam Á những ngày đầu năm mới 2016.


Bên cạnh đó, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cũng khẳng định, không phát hiện bất cứ phóng xạ nào sau vụ thử trên và một chuyên gia quân sự của Trung Quốc thì cho rằng, cần tiến hành phân tích kỹ hơn về tuyên bố của Bình Nhưỡng liên quan đến vụ thử bom H.

Các kênh truyền hình Hàn Quốc phát sóng bản tin về vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sáng 6-1.

Tuy rằng tuyên bố là vậy nhưng Hàn Quốc lại cam kết áp dụng mọi biện pháp cần thiết và hợp tác chặt chẽ với các đối tác nhằm trừng phạt CHDCND Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã tiến hành thành công một vụ thử bom H. Seoul cho rằng, vụ thử bom H của Bình Nhưỡng là “thách thức nghiêm trọng” đối với hòa bình thế giới.

Quan chức lãnh đạo của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc phụ trách về an ninh quốc gia, ông Cho Tae-yong nhấn mạnh, Seoul cực lực lên án Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ tư, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Cũng theo ông Tae-yong, Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các đối tác khác trong khu vực trong việc áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả các lệnh trừng phạt bổ sung của LHQ, đối với CHDCND Triều Tiên. Cũng giống như Hàn Quốc, Nhật Bản “cực lực chỉ trích” CHDCND Triều Tiên về vụ thử bom H.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, vụ thử của Bình Nhưỡng không chỉ là “mối đe dọa, thách thức nghiêm trọng” và hoàn toàn không thể dung thứ, mà còn thách thức những nỗ lực của quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông Abe nhấn mạnh, Tokyo sẽ phối hợp nỗ lực với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và sẽ tiến hành các biện pháp kiên quyết, trong đó sẽ cân nhắc các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Đồng quan điểm, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, ông sẽ gặp Đại sứ Mỹ Kennedy để bàn về vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Tokyo sẽ tìm kiếm một nghị quyết của LHQ nhằm lên án vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Từ Washington, Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết đang theo dõi và tiếp tục đánh giá tình hình này, cùng với các đối tác trong khu vực, đồng thời khẳng định lên án mọi hành vi vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ và chỉ trích “các hành động gây hấn” của CHDCND Triều Tiên. Washington cam kết sẽ đáp trả thích đáng, đồng thời nhấn mạnh rằng, cần phải mất thời gian để xác định xem liệu vụ thử bom H của Bình Nhưỡng có thành công thật hay không. Mỹ kêu gọi CHDCND Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết của Bình Nhưỡng đối với quốc tế.

Trong khi đó, HĐBA LHQ có kế hoạch tổ chức một cuộc họp khẩn để thảo luận về vụ thử của Bình Nhưỡng, diễn ra vào 23h ngày 6-1 (giờ Việt Nam). Cuộc họp này được tiến hành theo phương pháp họp kín, do Mỹ và Nhật Bản đề nghị tổ chức. Người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân Toàn diện (CTBTO) Lassina Zerbo cũng chỉ trích vụ thử hạt nhân lần thứ tư của CHDCND Triều Tiên và xem đây là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với cộng đồng quốc tế, cho rằng, đây là hành động vi phạm quy tắc được quốc tế công nhận liên quan đến hoạt động thử hạt nhân.

Ông Zerbo nhấn mạnh: “Vụ thử cũng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế”. Chia sẻ quan điểm này, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng do rằng, vụ thử bom H của Bình Nhưỡng là “hành động khiêu khích” và “vi phạm nghiêm trọng” các nghị quyết của HĐBA LHQ.

Về phía tác giả vụ thử, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân của nước này để đối phó với các chính sách thù địch của Mỹ, và khẳng định sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân chừng nào Mỹ vẫn duy trì cái mà Bình Nhưỡng gọi là “thái độ hiếu chiến”. CHDCND Triều Tiên nhấn mạnh “sẽ hành xử như một nước sở hữu hạt nhân có trách nhiệm”, đồng thời cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền đất nước không bị vi phạm, cũng như không chuyển giao năng lực hạt nhân cho các bên khác.

Trần Linh (tổng hợp)
.
.
.