Xung đột Mỹ-Trung phủ bóng Hội nghị Chính Hiệp toàn quốc Trung Quốc?

Thứ Năm, 21/05/2020, 18:32

Kỳ họp toàn thể thường niên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là "Chính Hiệp") chính thức khai mạc vào trưa 21/5. Trong ngày mai (22/5), Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (gọi tắt là "Nhân Đại", tức quốc hội Trung Quốc) sẽ chính thức bắt đầu. Hai kỳ họp này được gọi chung là "Lưỡng Hội".


Khi hàng ngàn đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân Trung Quốc đổ về Bắc Kinh để tham dự Lưỡng Hội, họ sẽ phải đối mặt với một cuộc tranh luận mới về quan hệ với Mỹ, và câu hỏi đặt ra là, liệu có thể tránh khỏi một xung đột vũ trang giữa hai siêu cường kinh tế?

Dù không mới, nhưng câu hỏi trên đã phản ánh “tình trạng khẩn cấp mới” trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh về đại dịch COVID-19, đồng thời phơi bày ngày càng nhiều những rạn nứt trong trật tự toàn cầu hiện nay. 

Trước đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần đề cập đến “ bẫy Thucydides”, khái niệm được ông Graham Allison, giáo sư Đại học Harvard dùng để mô tả hiểm họa tiềm tàng của một cuộc xung đột giữa một cường quốc với một cường quốc đang nổi, như Mỹ và Trung Quốc, bao gồm cả trong thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫy tay chào các đại biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 3, khóa XIII Hội nghị Chính Hiệp ngày 21/5. (Ảnh: AP).

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thuỵ Sĩ vào tháng 1-2017, ông Tập cho biết bẫy Thucydides “có thể tránh được nếu Bắc Kinh và Washington duy trì liên lạc và đối xử với nhau bằng sự chân thành”. 

“Nhưng vào thời điểm hiện tại, sự tàn khốc mà đại dịch COVID-19 đem tới đã đẩy mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đang bị tổn thương sâu sắc đến bờ vực của một cuộc đối đầu toàn diện sau những lần thất tín và chiến lược sai lầm”, Wang Jisi, chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) của Đại học Bắc Kinh nhận định. 

“Trung Quốc và Mỹ đang chuyển từ một cuộc cạnh tranh toàn diện sang một cuộc đối đầu toàn diện, không có nhiều cơ hội để thỏa hiệp. Chúng ta không thể loại trừ khả năng hai cường quốc có thể sẽ rơi vào bẫy Thucydides”, giáo sư Wang cho biết thêm.

Điều này hoàn toàn phù hợp với những thông điệp mà phía Mỹ đưa ra trong thời gian gần đây nhằm vào Trung Quốc. Theo đó, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ thực hiện “bất kỳ hành động nào cần thiết” để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì cố ý để đại dịch COVID-19 lây lan. Các trợ lý hàng đầu của ông, bao gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cũng liên tục đồng thanh chỉ trích Trung Quốc về vấn đề này.

Trung Quốc thường tránh đề cập đến các chủ đề ngoại giao nhạy cảm trong kỳ họp Lưỡng Hội. Có thể nói, những lo ngại về các vấn đề trong nước, đặc biệt là biến động kinh tế xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra, chắc chắn sẽ chi phối các cuộc họp, bởi Trung Quốc đang phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ. 

“Tuy nhiên, sự xấu đi đáng kể trong quan hệ với Mỹ thời gian gần đây và hậu quả của nó sẽ ‘xuất hiện trong tâm trí’ của hơn 5.000 đại biểu tham gia họp Lưỡng Hội”, Gu Su, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh nhận định. 

“Với sự quan tâm rộng rãi của công chúng đối với những chủ đề gây tranh cãi này, Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác có thể sẽ phải xem xét và điều phối hợp lý không khí tại các phiên họp, đặc biệt là khi đề cập đến tương lai quan hệ Mỹ-Trung”, theo giáo sư Gu.

Thế nhưng, theo ông Zhu Feng, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Nam Kinh, việcmong chờ các quyết sách lớn về ngoại giao được đưa ra là điều khó có thể trở thành hiện thực, bởi kỳhọp Lưỡng Hội thường sẽ không có các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại quan trọng. 

Kỳ họp Lưỡng Hội là một trong những sự kiện chính trị lớn nhất của Trung Quốc trong năm, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận Trung Quốc và quốc tế. Cũng như mọi năm, có hàng nghìn phóng viên Trung Quốc và phóng viên quốc tế đăng ký tham gia đưa tin, phản ánh về sự kiện này, tuy nhiên do dịch bệnh, năm nay đa phần phóng viên không được tham dự lễ khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân, số ít tập trung tại hội trường trung tâm báo chí để tham dự các cuộc họp báo và phỏng vấn trực tuyến, đồng thời kỳ họp lần này cũng không bố trí phỏng vấn tại các buổi làm việc của tiểu tổ. 

Theo AP, ngoài mục đích chính là đưa ra các chính sách cũng như thay đổi nhân sự quan trọng trong năm, việc khai mạc "Lưỡng Hội" lần này có thể xem là một cách để chính phủ Trung Quốc phát đi thông điệp đã chiến thắng đại dịch, khởi phát từ thành phố Vũ Hán của nước này vào tháng 12/2019.

Hồ Thiên (Lược dịch từ SCMP, AP)
.
.
.