Vòng xoáy căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ – Trung

Thứ Ba, 24/03/2020, 07:58
Vốn đã bất đồng về hàng loạt vấn đề nóng, những tưởng đại dịch COVID-19 có thể là một cơ hội để Mỹ và Trung Quốc cải thiện những mối quan hệ vô cùng căng thẳng, làm giảm tốc chiều hướng đụng độ giữa hai nước, nhưng thực tế tới thời điểm này lại không phải vậy.

Thay vì hợp lực để chống đại dịch, Washington và Bắc Kinh lại lợi dụng COVID-19 để tìm cách ghi điểm trước đối phương. Các nhà quan sát cho rằng, cuộc khủng hoảng y tế này chỉ tạm thời chuyển sự chú ý khỏi các khu vực xung đột khác.

Ông An Gang, cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc chuyên trách các vấn đề liên quan đến Mỹ, hiện là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa, nói: “Điều trớ trêu là mặc dù sự lây lan toàn cầu của SARS-CoV-2 đã tạo ra một cơ hội hiếm có để hai nước gác lại những khác biệt và bắt tay hợp tác, nhưng dường như không bên nào có hứng thú với việc chấp nhận cơ hội này”.

Dịch COVID-19 đang đẩy Mỹ và Trung Quốc vào vòng xoáy căng thẳng mới.

Khi cơ hội này bị bỏ lỡ, quan hệ Mỹ - Trung đã xuống dốc hơn nữa do hậu quả của một chu kỳ không can dự nguy hiểm, khi các cuộc trao đổi chính thức bị đình chỉ, du lịch và kết nối văn hóa bị hạn chế nghiêm ngặt hoặc bị phá vỡ trong bối cảnh tình trạng đối kháng trầm trọng và ngày càng mất niềm tin ở cả hai nước.

Nhà nghiên cứu này nêu rõ: “Điều này thật đáng tiếc nhưng hoàn toàn không gây ngạc nhiên. Tôi thấy khó có thể tin rằng họ đã liên tục cố ý lựa chọn phương án tồi tệ nhất”. Sự ngờ vực đó trở nên rõ ràng ngay sau khi lệnh phong tỏa được áp dụng với thành phố Vũ Hán – tâm dịch COVID-19 vào ngày 23/1.

Mỹ là một trong những nước đầu tiên sơ tán hàng trăm công dân của mình khỏi thành phố này và Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng mức cảnh báo cao nhất đối với Trung Quốc, kêu gọi người Mỹ không đến Trung Quốc vì dịch bệnh bùng phát.

Trong những tuần kể từ đó, hơn 60 quốc gia đã áp đặt một số hình thức hạn chế di chuyển đối với Trung Quốc và khoảng 20 nước đã sơ tán công dân của họ khỏi Vũ Hán. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như đặc biệt tức giận trước “phản ứng thái quá” của Mỹ, nói rằng Washington đã đặt ra một tiền lệ xấu cho các nước khác.

Bộ Ngoại giao và các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tận dụng mọi cơ hội để chỉ trích Mỹ. Chẳng hạn, tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nêu bật quan điểm này.

Trong khi nhiều nhà phân tích chỉ xem những lời chỉ trích gay gắt của Trung Quốc là phản ứng thái quá, thì Bắc Kinh khăng khăng cho rằng động thái của Mỹ dựa trên sự kỳ thị và được thúc đẩy bởi động cơ chính trị, mà theo lời Ngoại trưởng Vương Nghị là “châm ngòi cho sự hoảng loạn không cần thiết”.

Tuy nhiên, cho đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump không cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, thậm chí, ông từng ca ngợi nước này vì đã chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu trong chính quyền của ông lại không như vậy, với việc họ trực tiếp đổ lỗi cho Bắc Kinh vì đã đẩy thế giới rơi vào hỗn loạn.

Chẳng hạn, sau nhiều tuần Trung Quốc trì hoãn trước lời đề nghị giúp đỡ của Nhà Trắng trong cuộc chiến chống COVID-19, các quan chức cấp cao, trong đó có Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow, đã bày tỏ sự thất vọng về việc Bắc Kinh thiếu minh bạch trong kiểm soát dịch bệnh và hợp tác quốc tế.

Tình hình COVID-19 tại Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu suy giảm, nhưng những căng thẳng này lại trở nên tồi tệ hơn. Vừa qua, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi gọi mầm dịch bệnh này là “virus Vũ Hán”, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cố vấn An ninh quốc gia (ANQG) Mỹ Robert OBrien thì nói rằng việc Trung Quốc che đậy căn bệnh giống như viêm phổi này và phản ứng chậm chạp của họ đã khiến thế giới chậm mất hai tháng để có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng. Gần đây nhất, Tổng thống Donald Trump đã thẳng thừng gọi SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”.

Những động thái này đã chọc giận các quan chức và nhà phê bình Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cảnh báo các quan chức Mỹ về việc tìm cách đổ lỗi cho Bắc Kinh và tuyên bố lệnh phong tỏa cùng các biện pháp cực đoan khác của Trung Quốc đã cho thế giới thời gian để đối phó với dịch bệnh do virus gây ra này. Đồng nghiệp của ông tại Bộ Ngoại giao, ông Triệu Lập Kiên thậm chí còn thẳng thừng hơn.

Nhắc lại một thuyết âm mưu phổ biến, ông Triệu Lập Kiên viết trên Twitter bằng cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh rằng: “Có thể chính Quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh này đến Vũ Hán”, mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho luận điệu gây shock của mình.

Ông George Magnus, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford, nói: “Ở phương Tây, chúng tôi gọi bệnh sởi Đức và cúm Tây Ban Nha, và điều này không bị xem là xúc phạm. Việc gọi virus Vũ Hán không phải là một sự xúc phạm mà nhằm miêu tả nguồn gốc. Vì Trung Quốc nhạy cảm điều này và phương Tây phản đối luận điệu của Bắc Kinh rằng virus này có thể xuất phát từ bên ngoài Trung Quốc, bạn có thể lý do tại sao niềm tin lại thấp đến như vậy”.

Mặc dù trong cuộc điện đàm hồi đầu tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa hẹn sẽ hợp tác chống lại sự bùng phát của COVID-19, nhưng hầu hết các nhà quan sát đều nghi ngờ về bất kỳ cơ hội hợp tác thực sự nào. Theo ông George Magnus, thật tốt nhưng phi thực tế khi kỳ vọng mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn nhờ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Tuy nhiên, ông Chen Xi, Phó Giáo sư tại Trường Y tế cộng đồng Yale, lại không đồng ý khi tin rằng Washington và Bắc Kinh có thể hợp tác trên nhiều mặt trận rất quân trọng”, đặc biệt là trong việc cùng nghiên cứu và phát triển vaccine cũng như phương pháp điều trị và củng cố chuỗi giá trị toàn cầu về nguồn cung ứng các sản phẩm y tế như khẩu trang và quần áo bảo hộ.

Nhà nghiên cứu An Gang cũng xác nhận rằng cả hai nước vẫn đang hợp tác, đặc biệt là trên mặt trận nghiên cứu vaccine, vốn nhận được rất ít, nếu có, sự quan tâm của phương tiện truyền thông ở Trung Quốc. Trên mặt trận rộng lớn hơn, gần đây, trong một bài bình luận trên tờ National Review, ông Bruno Macaes, cựu Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu ở Bồ Đào Nha và là nghiên cứu viên cấp cao không thường trực tại Học viên Hudson, cho biết, đại dịch COVID-19 đã mở ra chiến trường mới cho cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung trong bối cảnh cuộc đụng độ của các nền văn minh tiếp tục trở lại.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu George Magnus và các chuyên gia khác chỉ ra rằng, các nhân tố khiến mối quan hệ song phương trở nên lạnh nhạt sẽ không thay đổi, và vẫn còn tồn tại khi đại dịch này suy yếu. Theo ông An Gang, vòng xoáy đi xuống của các mối quan hệ song phương đã tăng tốc, bước vào một giai đoạn mới và nhiều rủi ro hơn hướng tới tình trạng đối đầu.

Ông cho biết: “Trong một thời gian dài, người ta nói rằng, mối quan hệ Mỹ - Trung đang ở ngã ba đường. Tôi sợ rằng, chúng ta đã đi qua giai đoạn đó vì cả hai bên đều đã đưa ra lựa chọn của mình và tiến tới giảm bớt sự phụ thuộc lẫn nhau”. Ông cũng lưu ý rằng, đã có một số thay đổi lớn trong nhận thức của người dân ở cả hai nước về nhau, điều này thường được các chính trị gia viện dẫn như là lời biện minh cho mối quan hệ ổn định Mỹ - Trung.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.