Vaccine ngừa COVID-19 có thể mức 40USD/liều
- Tổng thống Mỹ tiếp tục "quảng bá" thuốc điều trị COVID-19
- Miếng dán y tế giúp phát hiện COVID-19?
- Báo Mỹ: Chính trị gia Nga đã được tiêm vaccine COVID-19 từ tháng 4
Trước đó, có 5 tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu từng được đưa ra gồm: Ebola (2 đợt bùng phát), Zika, bại liệt và cúm lợn.
Trong tuyên bố ngày 28/7, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay: “Khi tôi tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu ngày 30-1, chỉ có chưa tới 100 ca bệnh bên ngoài Trung Quốc và không có ca tử vong nào. COVID-19 đã thay đổi thế giới của chúng ta”.
Theo ông, tổng số ca mắc COVID-19 đã gần gấp đôi trong 6 tuần qua. Mặc dù thế giới đã có những nỗ lực lớn lao trong việc đánh bại virus nhưng “vẫn còn một con đường gian khó dài ở phía trước chúng ta”. Tổng Giám đốc WHO cũng cho biết ông sẽ triệu tập Ủy ban tình trạng khẩn cấp của WHO trong tuần này để xem xét lại các vấn đề.
Trước đó, trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm 27/7, WHO cho biết các quy định hạn chế đi lại không phải là câu trả lời về dài hạn và các quốc gia cần hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh bằng cách thực hiện các biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Các quốc gia trên thế giới đang chạy đua với thời gian để tìm ra vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Reuters. |
Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO, Tiến sĩ Mike Ryan nhận định: “Việc các quốc gia đóng cửa biên giới trong tương lai sẽ là điều gần như không thể. Các nền kinh tế phải mở cửa, mọi người phải làm việc, thương mại phải được nối lại”.
Tại cuộc họp báo, các quan chức WHO thừa nhận rằng, tuy việc thực hiện lệnh phong tỏa ở các nước mới bùng phát dịch bệnh trở lại là cần thiết song khuyến nghị rằng, việc này chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn và chỉ nên phong tỏa một khu vực địa lý nhỏ (chẳng hạn như các lệnh phong tỏa địa phương).
Hiện Mỹ vẫn đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới khi ghi nhận 4.433.410 ca mắc, trong khi số người chết lên đến 150.444 ca. Nền kinh tế Xứ cờ hoa cũng đang điêu đứng vì đại dịch. Và để thúc đẩy nền kinh tế, hôm 27/7 (giờ địa phương), phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã công bố kế hoạch cứu trợ kinh tế mới trị giá khoảng 1.000 tỷ USD.
Đây là kết quả sau nhiều ngày đàm phán giữa thủ lĩnh đảng Cộng hòa tại Thượng viện với các cố vấn của Tổng thống Donald Trump nhằm giải quyết những bất đồng trong nội bộ đảng cầm quyền về quy mô, cấp độ của gói chi tiêu liên bang bổ sung này.
Ngoài ra, gói cứu trợ mới cũng đề cập đến bảo đảm tài sản, chi trả chi phí bảo hiểm cho những đối tượng chịu tác động thực chất hoặc có nguy cơ lây nhiễm từ dịch bệnh COVID-19. Đảng Cộng hòa được kỳ vọng, kế hoạch mới - được biết đến dưới tên gọi Dự luật trợ giúp y tế, kinh tế, bảo đảm tài sản, trường học (HEALS Act), sẽ nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ và được ký ban hành vào trung tuần tháng 8.
Tuy nhiên, mốc thời gian này có thể sẽ thay đổi, do đảng Dân chủ và một số nghị sĩ Cộng hòa chưa đồng thuận về một số điểm chủ chốt trong dự luật. Công bố gói cứu trợ mới chỉ là bước đầu tiên. Tiến trình thảo luận được dự báo sẽ còn phức tạp, khi phe Dân chủ cũng đang theo đuổi một kế hoạch kích thích kinh tế riêng, với quy mô lên đến 3.500 tỷ USD.
Trong một diễn biến liên quan, Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) ước tính rằng, mức giá cao nhất đối với vaccine phòng COVID-19 có thể là 40 USD/liều. GAVI và WHO đã cùng sáng lập công ty COVAX, đơn vị nhận nhiệm vụ đảm bảo phân phối vaccine phòng COVID-19 toàn cầu.
Tổng Giám đốc GAVI, ông Seth Berkley cho biết COVAX chưa ấn định mức giá cụ thể cho vaccine phòng COVID-19 nhưng đang tìm cách đàm phán mức giá hợp lý giữa những quốc gia thu nhập thấp và quốc gia thu nhập cao.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cho biết COVAX đặt mục tiêu mức giá 40 USD/liều với vaccine phòng COVID-19 dành cho những nước giàu có. Song, EU cũng tìm cách để đảm bảo một thỏa thuận với mức giá rẻ hơn. Tổng Giám đốc GAVI đã bác bỏ thông tin này và nói: “Có biên độ rộng các mức giá và nguồn từ EU đã đưa ra con số cao nhất. Mức 40 USD là giá cao nhất cho những nước thu nhập cao, không phải giá cố định”.
COVAX đặt mục tiêu đảm bảo đến cuối năm 2021 cung cấp 2 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 tới các quốc gia đăng ký trước. GAVI vào đầu tháng 7 cho biết trên 75 quốc gia đã bày tỏ quan tâm muốn gia nhập COVAX.
Ông Seth Berkley cho biết, hầu hết vaccine đang ở giai đoạn đầu thử nghiệm do vậy vẫn còn quá sớm để đưa ra mức giá cuối cùng. Ông đồng thời thừa nhận vẫn chưa thể xác định được cần tiêm một hay hai liều vaccine hoặc công nghệ nào sẽ hiệu quả nhất. Tất cả những yếu tố này đều tác động đến mức giá của vaccine.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc GAVI cũng bổ sung rằng, các nhà sản xuất có khả năng sẽ áp dụng mức giá khác nhau dựa trên khả năng kinh tế của mỗi quốc gia. Theo đó, nước có thu nhập thấp sẽ trả một mức giá, quốc gia thu nhập trung bình là mức giá khác và nước giàu sẽ trả mức giá cao nhất.
Không đeo khẩu trang ở Hong Kong sẽ bị phạt tới 15 triệu đồng Tổng Thư ký chính quyền Hong Kong (Trung Quốc), ông Trương Kiến Tông thông báo người dân bắt buộc đeo khẩu trang tại những tụ điểm công cộng cả ngoài trời lẫn trong nhà từ ngày 29-7. Bất kỳ ai vi phạm quy định sẽ bị phạt tới 5.000 đôla Hong Kong (645 USD – gần 15 triệu đồng). Những người có “lý do chính đáng” như gặp vấn đề về sức khỏe hay trẻ em dưới 2 tuổi sẽ được miễn trừ. Ông cũng cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ giúp địa phương xây dựng một bệnh viện dã chiến tương tự cơ sở Vũ Hán ở gần sân bay Hong Kong với sức chứa lên tới 2.000 giường bệnh. Quan chức trên nhấn mạnh: “Tình hình đại dịch rất nguy cấp. Chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ cao dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng”. Lệnh cấm được ban hành trong bối cảnh Hong Kong lo ngại đối phó với làn sóng COVID-19 thứ ba và nguồn lây lan dịch bệnh chưa được xác định. Ngày 27-7, giới chức Hong Kong ghi nhận trên 100 ca mắc mới trong ngày thứ 6 liên tiếp, đưa tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên tới trên 2.700 trường hợp. Minh Hải (theo SCMP) |