Ứng phó với biến thể mới của SARS-CoV-2

Chủ Nhật, 27/12/2020, 10:16
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 1h30 ngày 26/12 (giờ Hà Nội), toàn thế giới ghi nhận 80.043.150 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.754.369 trường hợp tử vong, 56.349.374 bệnh nhân đã bình phục và 105.945 đang phải điều trị tích cực.

Bên cạnh đó, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa xuất hiện tại một số nước khiến cho mùa Giáng sinh đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát càng trở nên u ám, dù các chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine đã được triển khai ở nhiều nơi.

Những con số biết nói

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với hơn 19,2 triệu ca mắc, trong đó có trên 338.000 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với hơn 10,1 triệu ca mắc và 147,379 trường hợp tử vong. Tiếp theo là Brazil với 7,448,560 ca mắc và 190,515 trường hợp tử vong. Ngoài ra còn có 5 nước có số ca mắc trên 2 triệu (gồm Nga, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy) và 9 nước có số ca mắc trên 1 triệu (gồm Tây Ban Nha, Đức, Argentina, Colombia, Mexico, Ba Lan, Iran, Ukraine và Peru).

Virus corona. Ảnh: Democratic accent.

Tại châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang vật lộn với đợt bùng phát dịch mới. Dù đã ban hành các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm virus trong mùa Đông, Hàn Quốc vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày trung bình hơn 1.200, chủ yếu là lây nhiễm trong cộng đồng.

Sáng 25/12, Nhật Bản ghi nhận thêm hơn 3.800 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức cao kỷ lục ngày thứ hai liên tiếp, khiến nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải ngày càng hiện hữu. Tại Đông Nam Á, số ca mắc mới theo ngày tại Indonesia vẫn duy trì hơn 7.200. Thái Lan đang đau đầu với đợt dịch bùng phát dịch ở chợ hải sản lớn nhất nước, nơi tập trung lao động nhập cư từ Myanmar.

Trong khi đó, tại châu Âu, không khí mừng Giáng sinh và năm mới ở nhiều nước trầm lắng hơn do lệnh phong tỏa, đặc biệt khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở Anh khiến dư luận lo lắng. Anh đã phát hiện hơn 1.000 trường hợp nhiễm biến thể mới có tên gọi là VUI-202012/01, mà các nhà khoa học ước tính có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn tới 70%.

Biến thể mới ban đầu được phát hiện tại hạt Kent (Đông Nam xứ England) và vùng đô thị Đại London lân cận vào tháng 9 năm nay, sau đó tiếp tục lây lan khắp Vương quốc Anh và đến ngày 25/12 đã xuất hiện tại ít nhất 8 nước châu Âu là Bỉ, Italy, Iceland, Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Pháp, Thụy Sĩ; cùng với Australia, Israel, Singapore…

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cũng vừa thông báo phát hiện một biến thể mới thứ hai của virus SARS-CoV-2 ở hai bệnh nhân có tiếp xúc với những người đã từng tới Nam Phi. Theo ông, biến thể mới được cho là xuất phát từ Nam Phi thậm chí có khả năng lây lan cao hơn và dường như đã biến đổi nhiều hơn.

Đây không phải lần đầu tiên phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 bởi virus biến đổi theo thời gian là điều hết sức bình thường. Tháng 2 năm nay, biến thể D614G của SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại châu Âu và sau đó lan nhanh trên thế giới. Một biến thể khác là A222V cũng lây lan khắp châu Âu, được cho là xuất phát sau kỳ nghỉ Hè của những người đến Tây Ban Nha.

Tháng 11 vừa qua, Đan Mạch phát hiện chủng đột biến của virus SARS-CoV-2 tại các trang trại nuôi chồn và đã lây sang người, buộc nhà chức trách phải tiêu hủy 17 triệu con chồn nuôi ở nước này. Một biến thể tương tự, xuất hiện riêng rẽ nhưng có điểm chung đột biến ở protein gai giống như biến thể tại Anh, được phát hiện tại Nam Phi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện biến thể mới vừa xuất hiện ở Anh rất khác so với hơn 100.000 biến thể của virus gây bệnh COVID-19.

Giới chuyên gia nhấn mạnh điều đáng lo ngại là những đột biến ở protein gai của virus giúp chúng nhân lên nhanh chóng và lây lan với tốc độ mạnh hơn. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều người cần điều trị y tế và dẫn đến nguy cơ quá tải tại các bệnh viện.

Không nên phản ứng thái quá

Điều đáng mừng là các chuyên gia WHO khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy biến thể mới gây bệnh nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Giám đốc điều hành các chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Mike Dean cho biết WHO đang tích cực nghiên cứu kỹ, đồng thời trấn an dư luận không cần hoảng sợ.

Lãnh đạo các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới BioNTech (Đức), Moderna (Mỹ) hay AstraZeneca (Anh) tự tin khẳng định các vaccine do họ bào chế cũng đạt hiệu quả phòng ngừa VUI-202012/01, trong khi vẫn đang tiến hành thử nghiệm để đảm bảo chắc chắn điều này. Trong khi đó nhà khoa học hàng đầu WHO Soumya Swaminathan khẳng định, dù virus SARS-CoV-2 đã có một số đột biến, nhưng những thay đổi đó không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của các liệu pháp điều trị hay vaccine.

Về phần mình, Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Trung tâm các bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Y tế quốc gia (Mỹ), khuyến cáo nên thật thận trọng với biến thể mới, nhưng không nên phản ứng thái quá. Theo ông, biện pháp giãn cách và hợp tác với nhau trong khi các nước tăng cường triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 chính là cách để thế giới có thể cùng nhau vượt qua cơn đại dịch.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.