Tương lai mới cho CPTPP

Thứ Năm, 25/01/2018, 08:46
Vào tháng 3 tới, tại Chile, 11 quốc gia của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ ký kết Hiệp định mới không có Mỹ mang tên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thông tin này vừa được Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo ngày 24-1, sau hai ngày đàm phán đầy căng thẳng và quyết tâm của các thành viên CPTPP tại thủ đô Tokyo. Theo đó, lễ ký kết chính thức của CPTPP sẽ được thực hiện tại Chile vào tháng 3 tới.

Trước khi đi đến thỏa thuận cuối cùng, các quan chức thương mại của 11 quốc gia đã gặp nhau, bàn thảo những vấn đề còn bất đồng, giải quyết những rạn nứt có trước đó bao gồm cả yêu cầu của Canada về hạn chế phim nước ngoài nhằm bảo vệ nền văn hóa nói tiếng Pháp của mình. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định, CPTPP, hay còn gọi là TPP-11 sẽ là một "công cụ để vượt qua chủ nghĩa bảo hộ" đang nổi lên ở các khu vực trên thế giới.

Ông Toshimitsu Motegi còn bổ sung rằng, Nhật Bản sẽ giải thích tầm quan trọng của thỏa thuận với Washington với hy vọng thuyết phục nước này tham gia.

Hãng tin Reuters nhận định, thỏa thuận mới đạt được là chiến thắng của Chính phủ Nhật Bản bởi Thủ tướng Shinzo Abe đã nỗ lực vận động hành lang để tiếp tục thực hiện được TPP mà không có Mỹ (tháng 1-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kéo Washington ra khỏi TPP với 12 thành viên vốn được ký kết từ thời cựu Tổng thống Barack Obama).

Trong khi đó, bài viết trên hãng AP thì nhấn mạnh: "Thủ tướng Shinzo Abe đã miêu tả thỏa thuận này như một động lực thúc đẩy tăng trưởng và cải cách ở Nhật Bản; là biểu tượng của cam kết thương mại tự do và đa phương". Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau một lần nữa khẳng định cam kết và sự tham gia của Canada, đồng thời gọi  CPTPP là "đúng hợp đồng".

Bộ trưởng Thương mại Canada thì hé lộ rằng, Canada quan tâm đến nhiều vấn đề và đã có được sự dàn xếp ổn thỏa với Nhật Bản trong vấn đề về công nghiệp chế tạo xe hơi và các điều khoản về sở hữu trí tuệ. Cũng theo người đứng đầu cơ quan thương mại Canada, thời điểm ký kết thỏa thuận rất quan trọng đối với nước này vì họ đang cố gắng đa dạng hóa xuất khẩu.

Trong Tuần lễ Cấp cao APEC Đà Nẵng 2017, đại diện các nước thành viên TPP-11 đã có hàng chục cuộc đối thoại để đi đến thỏa thuận về CPTPP. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh CPTPP, Canada còn đang cùng với Mỹ, Mexico đàm phán về việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Theo nhiều nhà phân tích, với việc CPTPP được đẩy nhanh tiến độ ký kết thì NAFTA cũng không thể trì hoãn thêm nữa bởi trước đó, Hiệp hội lúa mỳ Mỹ và Hiệp hội các nhà trồng lúa mỳ quốc gia (NAWG) từng bày tỏ mối quan ngại về CPTPP và nói rằng Nhật Bản nhập khẩu trung bình 3,1 triệu tấn lúa mỳ từ Mỹ mỗi năm.

Sau khi TPP-11 được thực hiện đầy đủ thì thuế nhập khẩu của Nhật Bản đối với lúa mỳ Canada và Australia sẽ giảm khoảng 65 USD/ tấn và điều đó gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu lúa mỳ của Mỹ.

Tháng 11 năm ngoái, bên lề Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, các Bộ trưởng từ 11 quốc gia bao gồm Nhật Bản, Australia, Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, Việt Nam, New Zealand, Peru và Singapore đã đạt được sự nhất trí chung về các yếu tố cốt lõi để tiến tới một thỏa thuận không có Mỹ.

Hôm 18-1, trong cuộc họp báo chung tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định sẽ tập trung đưa Hiệp định TPP thế hệ mới có hiệu lực càng sớm càng tốt cùng với các quốc gia khác cũng sẵn sàng tham gia hiệp định này.

Được biết, về quy mô CPTPP chiếm khoảng 15% GDP, 15% tổng thương mại toàn cầu và 500 triệu dân. Nếu trước đây, nội dung Hiệp định TPP gồm 30 chương bao quát rộng về thương mại, thuế quan, đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường... thì nay, CPTPP về cơ bản sẽ giữ nguyên nội dung đã đàm phán của TPP nhưng sẽ có thêm 2 phụ lục.

Phụ lục thứ nhất về Danh mục 20 nghĩa vụ tạm hoãn thực thi của TPP và 4 nội dung cần đàm phán lại như đầu tư và cấp phép đầu tư; giải quyết tranh chấp viễn thông; điều kiện tham dự thầu; đối tượng có thể cấp bằng độc quyền sáng chế; minh bạch và công bằng về thủ tục đối với hàng hóa dược phẩm và thiết bị y tế…

Đáng chú ý là chương về quyền sở hữu trí tuệ (IPR) đã trải qua sự thay đổi lớn nhất. Ví dụ, thời hạn bảo hộ bản quyền giảm từ 70 còn 50 năm sau khi tác giả qua đời. Một vài điểm khác bao gồm việc tạm hoãn cam kết liên quan đến quyền lao động như là một điều kiện tiên quyết mà các doanh nghiệp thuộc CPTPP phải thực hiện khi tham gia đấu thầu các dự án của chính phủ, và loại bỏ đối xử đặc biệt cho dịch vụ chuyển phát nhanh xuyên biên giới.

Phụ lục thứ 2 về 7 điều liên quan đến những điểm kỹ thuật của hiệp định mới. Và trái ngược với tư tưởng cũng như niềm tin tân tự do về tự do thương mại và các động lực của thị trường được ghi nhận trong TPP, Hiệp định CPTPP lưu ý rằng trong quá trình hoạch định chính sách, các nước thành viên phải xem xét trước tiên các hoàn cảnh đặc biệt và các ưu tiên luôn thay đổi của nước mình.

Việc tăng cường không gian chính sách và sự linh hoạt của các quy định sẽ được đưa vào thông qua các điều khoản mới về “rút lui”, “gia nhập”, “rà soát loại” hiệp định vốn sẽ được dự thảo bổ sung.

Gia Nam
.
.
.