Trung Quốc và Mỹ cần “đoàn kết để đấu tranh” chống đại dịch COVID-19
- Thủ tướng Anh nói gì với Tổng thống Mỹ sau khi nhiễm COVID-19?
- Thế giới hơn nửa triệu người nhiễm COVID-19, Việt Nam ghi nhận thêm 12 ca
- Thế giới cần đoàn kết chống đại dịch COVID-19
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, dịch bệnh không phân quốc gia, không phân dân tộc và là kẻ thù chung của toàn nhân loại, chỉ có đoàn kết, cùng nhau đối phó, cộng đồng quốc tế mới có thể chiến thắng dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ông cũng giới thiệu cho Tổng thống Mỹ những biện pháp mà Trung Quốc đang áp dụng nhằm kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh; đồng thời cho biết, cá nhân ông vô cùng lo lắng về những diễn biến dịch bệnh gần đây tại Mỹ.
Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ sớm khống chế được tình hình dịch bệnh, giảm thiểu tối đa những tổn thất mà mà dịch bệnh gây ra cho người dân. Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ toàn bộ thông tin và kinh nghiệm phòng chống dịch cho Mỹ, Trung Quốc ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Mỹ trong khả năng của mình.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. |
Chủ tịch Trung Quốc cũng khẳng định, quan hệ Trung – Mỹ đang ở thời điểm quan trọng, chỉ có hợp tác mới là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho hai nước. Trung Quốc mong muốn hai bên sẽ cùng nỗ lực, tăng cường trong hợp tác ngăn ngừa dịch bệnh, đồng thời hy vọng Mỹ sẽ có những hành động thực chất nhằm cải thiện quan hệ song phương.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung – Mỹ cần phát triển mối quan hệ không xung đột, không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng. Cũng trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, phía Trung Quốc vẫn duy trì chia sẻ thông tin về dịch bệnh COVID-19 một cách công khai, minh bạch và có trách nhiệm với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều quốc gia khác kể từ khi bùng phát dịch bệnh, đồng thời cam kết tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế để đẩy lùi đại dịch này.
Về phần mình, Tổng thống Donald Trump bày tỏ vui mừng trước những diễn biến tích cực của tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, đồng thời cho rằng, những kinh nghiệm của phía Trung Quốc có tác dụng quan trọng trong cuộc chiến chống dịch của Mỹ. Tổng thống Mỹ cũng mong muốn thời gian tới hai bên sẽ tăng cường trao đổi hơn nữa trong lĩnh vực này.
Ngay sau cuộc điện đàm, thông qua mạng xã hội Twitter, người đứng đầu Nhà Trắng viết: “Trung Quốc đang trải qua và có hiểu biết đáng kể về virus này. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với nhau”. Trong khi đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh và Washington cần “đoàn kết để đấu tranh” chống đại dịch COVID-19 đang tàn phá toàn cầu.
Liên quan tới Hội nghị Thượng đỉnh G20 về ứng phó đại dịch COVID-19 diễn ra hôm 26-3 theo sáng kiến của nước Chủ tịch G20 Saudi Arabia, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Hội nghị đã đạt được nhiều nhận thức chung trong việc cùng đối phó với dịch bệnh. Trung Quốc hy vọng, các bên tiếp tục tăng cường hợp tác, sớm đưa nhận thức chung triển khai trên thực tế.
Trung Quốc mong muốn các bên tiếp tục ủng hộ vai trò của WHO, tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phòng chống dịch, tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, thúc đẩy hoàn thiện hệ thống quản trị y tế toàn cầu, tăng cường điều phối chính sách vĩ mô, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định và an toàn, không để kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Còn Tổng thống Donald Trump thì nhấn mạnh, ông đánh giá cao những ý kiến và đề xướng trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị.
Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt của G20 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát nhanh trên toàn cầu, tác động sâu sắc và nhiều mặt đến kinh tế thế giới, cũng như sự ổn định, phát triển của nhiều quốc gia.
Tham dự Hội nghị trực tuyến có các nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước thành viên G20 và một số nước khách mời, cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), WHO, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)... Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cam kết sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các biện pháp kinh tế để giảm thiểu các tác động của dịch COVID-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị nhất trí phối hợp giảm thiểu các tác động của dịch COVID-19 đối với thương mại quốc tế, bảo đảm sự vận hành của các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các nguyên vật liệu, sản phẩm y tế thiết yếu. Lời khẳng định trên được G-20 đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu các trang thiết bị y tế nhằm dồn nguồn lực cho việc phòng, chống đại dịch COVID-19 trong nước.
Để đối phó với vấn đề này, lãnh đạo G20 cho biết, họ sẽ đứng ra điều phối nhằm ngăn chặn “những sự can thiệp không cần thiết”. Lãnh đạo G20 nhấn mạnh: “Các biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ sức khỏe người dân sẽ được triển khai tới đúng đối tượng, với số lượng thích hợp, minh bạch và mang tính chất tạm thời”.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung G20 về ứng phó dịch COVID-19, trong đó thể hiện quyết tâm chính trị, cam kết mạnh mẽ và đoàn kết trong phòng chống dịch COVID-19, cũng như thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển bền vững, bao trùm.
Bên cạnh những nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19, G20 cũng đưa ra những cam kết về kinh tế với tổng trị giá lên đến 5.000 tỷ USD cùng các giải pháp đảm bảo tính thanh khoản trên quy mô lớn, các gói tín dụng bảo đảm khác nhằm giải cứu nền kinh tế toàn cầu trước tác động của đại dịch.
G20 cũng hối thúc IMF và WB “ủng hộ các quốc gia trong việc triển khai mọi biện pháp cần thiết ở mức cao nhất” để đối phó với đại dịch COVID-19. Các nhà lãnh đạo G20 cũng cam kết sẽ sớm lấp đầy khoản thiếu hụt tài chính chi cho các kế hoạch ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của WHO cũng như sẵn sàng chia sẻ các dữ liệu về dịch bệnh và các biện pháp ứng phó về dịch bệnh trên toàn cầu.