Thế giới cần đoàn kết chống đại dịch COVID-19

Thứ Năm, 26/03/2020, 09:08
Từ khi khởi phát cách đây 3 tháng, dịch COVID-19 liên tiếp mang đến những dấu mốc bi thảm mới và tạo ra mối đe dọa chưa từng có cho nhân loại. Để chiến thắng “kẻ thù chung” này, cộng đồng quốc tế rõ ràng cần cho thấy một nỗ lực chung, tạm gác lại những bất đồng hiện hữu.


Những cái dang tay thiết thực

“Thương gửi từ nước Nga” – là dòng chữ được viết bằng tiếng Nga, tiếng Italia và tiếng Anh quanh hình quốc kỳ hai nước Nga-Italia trong khung trái tim, in trên những tấm pano cỡ nhỏ dán quanh hàng chục thùng container chứa đầy thiết bị y tế và xe khử trùng quân sự vừa đáp xuống tại sân bay Pratica di Mare nằm sát thủ đô Rome, Italia, từ 22 đến 24/3.

Xe tải quân sự đưa hàng viện trợ Nga lên máy bay chuẩn bị sang Italia. Ảnh: TASS

Những thiết bị y tế đó cùng 100 chuyên gia y tế quân sự hàng đầu của Nga, chia thành 8 nhóm phản ứng nhanh, được huy động đến Italia để giúp đỡ quốc gia châu Âu này ứng phó với dịch COVID-19, trong bối cảnh Italia đối mặt tình trạng thiếu thốn nguồn lực y tế do số ca nhiễm và tử vong vì dịch ngày càng tăng nhanh.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, 14 chuyến bay bằng vận tải cơ quân sự hạng nặng Il-76 từ Moscow đến Rome đã được tiến hành sau khi Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đồng ý đề xuất giúp đỡ của Nga trong cuộc điện đàm cuối tuần trước với Tổng thống Vladimir Putin. Trước khoản viện trợ này, giữa tháng 3, Moscow đã chuyển ít nhất 100.000 bộ kit xét nghiệm COVID-19 cho 16 nước bị ảnh hưởng bởi dịch. 

Không chỉ Nga, nhiều nước khác trên thế giới đã hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ những quốc gia, khu vực bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 bằng hành động thiết thực.

Hôm 24/3, Reuters cho biết, đoàn 52 bác sĩ Cuba đã đến Italia giúp nước này chiến đấu với đại dịch COVID-19. Đây là đoàn bác sĩ thứ 6 mà Havana gửi đi các nước những ngày gần đây. Các bác sĩ Cuba được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm.

Họ là những người tiên phong trong chống dịch tả ở Haiti hay dịch Ebola ở châu Phi những năm 2010. Trung Quốc, nơi dịch COVID-19 khởi phát nhưng mới đây đã khống chế được số ca nhiễm, cũng quyết định gửi đến Tây Ban Nha và Italia các lô hàng viện trợ.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây nhiều thiệt hại cho Iran, quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất Trung Đông, Liên minh châu Âu (EU) hôm 24/3 đã thông qua gói viện trợ trị giá 20 triệu euro cho Iran. EU cũng tỏ ra ủng hộ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải ngân khoản 5 tỷ USD mà Tehran đề nghị vay IMF cách đây không lâu nhằm giúp Iran có nguồn lực chống lại đại dịch.

Tại Mỹ, tuy có năng lực chăm sóc y tế cộng đồng hàng đầu thế giới, song diễn biến bất ngờ của đại dịch COVID-19 đã đẩy nước này vào tình cảnh thiếu hụt thiết bị y tế.

Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 24/3 cho hay, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ hy vọng rằng Seoul có thể trợ giúp cung cấp thiết bị y tế. Đáp lại, ông Moon nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ “làm hết mức có thể” để giúp Washington.

Trong diễn biến liên quan, dù đề nghị Hàn Quốc trợ giúp, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đích thân gửi thư cho Chủ tịch Kim Jong-un để ngỏ lời hỗ trợ Triều Tiên chống đại dịch khi mà Triều Tiên còn chưa xác nhận ca nhiễm COVID-19 nào. Bất chấp đàm phán Mỹ - Triều bế tắc suốt một năm qua, lời đề nghị của ông Trump dường như khiến quan hệ giữa hai nước ấm nồng trở lại.

Cần sự chung tay bằng chính sách

Khởi phát từ một khu nhà ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc cuối tháng 12, dịch COVID-19 chỉ mất vỏn vẹn 3 tháng để len lỏi tới 194 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 424.000 người nhiễm, 19.000 người thiệt mạng (tính đến 18h ngày 25/3).

Mức độ tác động và hệ lụy của dịch bệnh khác nhau ở mỗi quốc gia, song các chuyên gia đều nêu lên một thực tế là nếu mầm mống của dịch COVID-19 vẫn còn ở đâu đó trên thế giới thì nó luôn có thể bùng phát trở lại với hậu quả ngày càng nặng nề trong thời kỳ toàn cầu hóa ngày nay.

Để dập tắt dịch bệnh, giới chuyên gia cho rằng, ngoài việc phải thúc đẩy hơn nữa các hoạt động viện trợ, vốn có vai trò rất quan trọng giúp các nước thiếu hụt nguồn lực y tế chống lại COVID-19, cộng đồng quốc tế cần vượt qua bất đồng và tìm kiếm tiếng nói chung bằng chính sách.

Theo Reuters, cuộc họp trực tuyến vào ngày 26/3 của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) do Arab Saudi chủ trì là cơ hội quan trọng để các nước thực hiện điều đó.

Từ khi chính thức công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu cách đây hai tuần, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhiều lần phát đi thông điệp khẳng định COVID-19 là kẻ thù chung của nhân loại và bởi vậy, các nước cần chung sức ứng phó. Đây cũng là lời kêu gọi từ nhiều ngày nay của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres.

Trong thông điệp phát đi ngày 24/3, ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 thông qua kế hoạch “thời chiến”, trong đó có gói kích thích kinh tế hàng nghìn tỷ USD cho các doanh nghiệp, người lao động và hộ gia đình ở các nước đang phát triển đang vật lộn chống dịch COVID-19.

Theo ông Guterres, G20 chiếm 85% GDP toàn cầu và có lợi ích trực tiếp cũng như vai trò quan trọng giúp các nước đang phát triển ứng phó với khủng hoảng dịch bệnh. Ông lưu ý, COVID-19 là cuộc khủng hoảng với nhiều mối đe dọa ngay cả ở các nước giàu nhất, hệ thống y tế cũng bị áp lực. Các nước cần đoàn kết để tránh nguy cơ một thảm họa nhân đạo mới xảy ra.

Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO, ông Ghebreyesus khẳng định ông sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra cam kết chính trị nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời hối thúc nhóm G20 phối hợp với nhau nhằm thúc đẩy việc sản xuất thiết bị bảo hộ thiết yếu phục vụ nhân viên chăm sóc y tế.

LHQ kêu gọi dừng bắn toàn cầu vì COVID-19

Trong thông điệp phát đi ngày 24/3 từ trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Mỹ, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi một lệnh “ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức” nhằm bảo vệ những người dân dễ bị tổn thương tại các vùng chiến sự khỏi sự hoành hành của đại dịch COVID-19.

“Sự lây lan mạnh của COVID-19 giải thích cho sự điên rồ của chiến tranh… Đó là lý do tại sao hôm nay tôi kêu gọi một lệnh ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức ở mọi ngõ ngách trên toàn thế giới”, ông Guteres nhấn mạnh. Theo Tổng thư ký Guterres, đã đến lúc ngừng xung đột vũ trang, chấm dứt giao tranh, pháo kích và oanh tạc, thay vào đó là cùng nhau tập trung vào cuộc chiến thực tế “giải cứu sinh mạng của chính chúng ta”.

Cần lưu ý rằng, dù dịch xuất hiện khắp thế giới, nhưng các nước loạn lạc vì chiến tranh như Yemen, Libya, Syria lại chưa công bố dịch hoặc mới thông báo có một vài trường hợp nhiễm COVID-19. Giới chuyên gia cảnh báo, tình hình thực tế tại những nước này có thể tệ hơn nhiều so với báo cáo, do hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng đã bị phá hủy trong các cuộc xung đột, còn hàng chục triệu người dân đang sống trong cảnh đói khổ, thiếu thông tin, không thể phân biệt được bệnh thông thường, đâu là triệu chứng khi nhiễm COVID-19.

Khoa Nguyễn

Thiện Minh
.
.
.