Trung Quốc "phủi tay"với Nhật Bản - Hàn Quốc vì tranh chấp lãnh thổ

Thứ Ba, 23/08/2016, 08:35
Cuộc họp của 3 Ngoại trưởng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tại thủ đô Tokyo vào ngày 22-8 đã bị hoãn bởi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị không tham gia. Nguyên do bắt nguồn từ những tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Tokyo.



Theo tin từ tờ South China Morning Post thì việc Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị hoãn chuyến đi đến Nhật Bản vì Bắc Kinh - Tokyo đã không đạt được thỏa thuận về cách thức giải quyết tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông và những vấn đề khác liên quan đến việc Seoul quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Trước đó, nguồn tin từ hãng Yonhap cho biết, các Thứ trưởng Ngoại giao của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã nhóm họp hôm 21-8 để chuẩn bị Hội nghị cấp Ngoại trưởng đầu tiên trong 5 năm nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa 3 nước láng giềng khu vực Đông Bắc Á. Đây là cuộc họp cấp Thứ trưởng lần thứ 11 kể từ khi cơ chế này được khởi động vào tháng 3 năm 2007.

Cũng theo tin từ Hãng Yonhap thì mục đích của cuộc gặp Ngoại trưởng là nhằm chuẩn bị nội dung cho cuộc gặp thượng đỉnh 3 nước có thể được tổ chức bên lề Hội nghị cấp cao nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại Trung Quốc vào đầu tháng 9 tới.

Nói về việc này, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Akiba cho biết: “Chúng tôi chưa đi đến giai đoạn có thể công bố một thời gian cụ thể cho cuộc họp của 3 Ngoại trưởng. Chúng tôi hy vọng có thể công bố điều này càng sớm càng tốt”.

Nhật Bản đang triển khai hệ thống tên lửa mới quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP

Giới quan sát thì nhận định, với việc rút họp vào phút chót của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, rõ ràng, Trung Quốc vẫn còn tỏ thái độ thờ ơ với các cuộc đàm phán cấp cao cùng Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này cho thấy, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và 2 quốc gia láng giềng này không hề đơn giản, thậm chí còn xấu đi do những tranh chấp và xung đột lợi ích chồng chéo.

Cụ thể, đối với Tokyo, Bắc Kinh vẫn có nhiều hành động thách thức trong đó có sự kiện 4 tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 21-8 bất chấp việc Nhật Bản trao công hàm phản đối.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật (JCG) cho hay, 4 tàu này đi lại khoảng một giờ đồng hồ và một trong những tàu này dường như có trang bị súng.

Cùng với đó, hải quân Trung Quốc còn thực hiện các cuộc tập trận “đối đầu” ở biển Hoa Đông từ hôm 18-8. Bắc Kinh cũng tuyên bố xây cầu cảng dành cho tàu chiến gắn liền với công trình xây dựng căn cứ quân sự ở một đảo thuộc quần đảo Nam Kỷ, ngoài khơi thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 100km.

Trước tình hình đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm 16-8 đã đăng tải trên trang web của cơ quan này những tài liệu cho thấy tình hình ở biển Hoa Đông đang ngày càng phức tạp.

Nhật Bản đã buộc phải đề nghị tăng ngân sách quốc phòng lên 5.160 tỷ yên ( 51 tỷ USD) cho năm tài chính 2017 và tuyên bố phát triển một loại tên lửa đất đối hải mới nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của nước này ở các đảo phía Nam xa xôi.

Trong khi đó, mối giao bang giữa Trung Quốc và Hàn Quốc trong những tháng gần đây cũng bị thách thức khi Seoul quyết định triển khai THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc.

Ngày 22-8, 3 máy bay của Trung Quốc đã bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) chồng lấn giữa hai nước và chỉ rời đi sau khi Hàn Quốc phát tín hiệu cảnh báo và cử máy bay chiến đấu hộ tống.

Hãng Yonhap dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho rằng, đây là động thái “biểu dương lực lượng của Trung Quốc khi nước này công khai bày tỏ sự tức giận trước quyết định của Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai THAAD trên lãnh thổ nước này. Trung Quốc cho rằng, THAAD sẽ làm suy yếu lợi ích an ninh chiến lược của Bắc Kinh trong khu vực.

Trong khi đó, Hàn Quốc lại nhấn mạnh rằng, lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ triển khai ở Hàn Quốc không gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng và hệ thống này được thiết kế để chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Sông Thương
.
.
.