Mỹ - Nhật Bản và Trung Quốc:

Đấu khẩu về kế hoạch tác chiến liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Thứ Tư, 27/03/2013, 08:40
Ngoài vấn đề ở bán đảo Triều Tiên, vùng Đông Bắc Á đang tiếp tục lún sâu vào căng thẳng sau khi xảy ra cuộc đấu khẩu mới giữa Mỹ-Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh thông tin Washington-Tokyo lên kế hoạch tác chiến nhằm đối phó với Bắc Kinh trong việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tin từ hãng AFP ngày 26/3 cho biết, Trung Quốc tuyên bố kiên quyết giữ lập trường cứng rắn và sẵn sàng bảo vệ vùng lãnh hải trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông mà nước này cho là thuộc chủ quyền của mình. Bản fax được gửi từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc tới văn phòng đại diện của hãng AFP cũng nhấn mạnh, quân đội Trung Quốc sẽ bảo vệ đến cùng chủ quyền biển đảo và “Trung Quốc phản đối mọi hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình trên biển Hoa Đông”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh rất quan tâm và sẽ theo dõi sát sao thông tin này. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn khẳng định, nước này không từ bỏ quyền lợi ở khu vực quần đảo mà họ đang nắm quyền kiểm soát hành chính.

Xung đột được dự báo có thể sẽ xảy ra nhất là khi tờ Nikkei của Nhật Bản lại thông tin từ nguồn tin ở Lầu Năm Góc cho biết, giới chức quân đội Nhật và Mỹ đang cố gắng thúc đẩy việc xây dựng một kế hoạch tác chiến chung nhằm giành lại quyền kiểm soát quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nếu như Trung Quốc xâm chiếm hoặc đổ bộ.

Từ tháng 9 năm ngoái, tàu hải giám Trung Quốc thường xuyên đi vào vùng biển gần khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông khiến quan hệ Nhật-Trung càng thêm căng thẳng.

Kế hoạch tác chiến này dự kiến sẽ được hoàn thành vào mùa hè năm nay. Trước đó, Mỹ-Nhật đã có những dự kiến và xác định địa điểm cụ thể dành cho các quân cảng, cơ sở vật chất, cơ sở y tế, giao thông và kho hàng… cho quân đội Mỹ sử dụng trong trường hợp xảy ra xung đột trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Điều này có nghĩa, nếu kế hoạch tác chiến được phê duyệt, quân đội Mỹ sẽ cùng hành động với quân đội Nhật Bản để chống lại những động thái từ Trung Quốc. Tướng Shigeru Iwasaki, Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hồi cuối tuần trước cũng đã có cuộc gặp và bàn thảo với Đô đốc Samuel Locklear, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ tại Hawaii về vấn đề này.

Theo đó, Nhật Bản và Mỹ cũng sẵn sàng tác chiến để đối phó với tình trạng khẩn cấp hoặc khủng hoảng có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên hoặc eo biển Đài Loan. Nguồn tin từ trang web quân sự Strategy Page còn cho hay, Mỹ có thể sử dụng một loại bom thông minh chống Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột. Loại bom này được gọi là vũ khí tấn công phối hợp trực tiếp (JDAM), được dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS.

Giới phân tích nhận định, kế hoạch hành động chung Nhật - Mỹ này như lời răn đe, cảnh báo Trung Quốc không nên “lấy thịt đè người” nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh hồi tháng 2 cho phép các tàu tuần tra của mình đi vào vùng biển Hoa Đông, quanh khu vực quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và sự xuất hiện liên tiếp của tàu hải giám Trung Quốc trên vùng biển này.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng, kế hoạch phòng ngự chung của Mỹ và Nhật Bản do Mỹ xây dựng sẽ một lần nữa đưa lực lượng phòng vệ Nhật Bản vào tầm kiểm soát của Mỹ, khiến lực lượng này trở thành đội biệt động đắc lực của Mỹ trong chiến lược quân sự toàn cầu.

Thực chất của cái gọi là tác chiến chung là Mỹ lợi dụng vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để chi phối Nhật Bản đồng thời lấy đó để “dọa dẫm” Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc sẽ không dao động trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, không run rẩy trước lời đe dọa này.

Hiện chưa có lời khẳng định chính thức nào từ Nhật Bản về thông tin nói trên. Nhưng trong bài phát biểu trên kênh truyền hình NHK hôm 24/3, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kisida đã cảnh báo, sự nổi lên của Trung Quốc là mối đe dọa không chỉ riêng đối với Nhật Bản mà cả toàn bộ khu vực châu Á.

Việc công ty đóng tàu Pháp DCNS ký hợp đồng bán cho Trung Quốc các thiết bị hỗ trợ trực thăng hạ cánh trên boong trong điều kiện thời tiết xấu khiến Tokyo lo ngại, hải quân Trung Quốc sẽ được tăng cường tiềm lực tại khu vực quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Dẫu vậy, ông Fumio Kisida vẫn nhấn mạnh rằng Tokyo mong cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, đặc biệt trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Shinzo Abe và tân Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 5 tới

Huyền Chi
.
.
.