Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Thứ Bảy, 31/03/2018, 08:43
Đó là những gì mà báo giới Mỹ viết khi nói đến tuyên bố về cuộc chiến ở Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29-3.

Theo đó, ông Donald Trump khẳng định, Mỹ sẽ rút khỏi Syria "rất sớm", trong khi các quan chức khác trong chính quyền thì nhấn mạnh tới một cuộc chiến lâu dài để ngăn chặn sự hồi sinh của IS.

Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra trong một sự kiện diễn ra tại Ohio. Tổng thống Mỹ cho biết, lực lượng quân đội Mỹ sẽ rời Syria trong thời gian sớm nhất. 

"Nhân tiện xin thông báo, chúng tôi đang lật đổ và phá bỏ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chúng tôi sẽ rút khỏi Syria, sớm thôi. Hãy để những người khác giải quyết vấn đề này. Chuyện này sẽ nhanh thôi", ông Donald Trump nói. 

Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng còn nhận định rằng, 100% những vùng lãnh thổ mà IS đang chiếm giữ, trải dài từ Iraq và Syria sẽ sớm được giải phóng, không chỉ nhờ các lực lượng an ninh, quân đội của Iraq, Syria, Nga, Iran mà còn nhờ vào liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu với các đồng minh Arab cùng người Kurd. 

Đài CNN cho hay, trong bài phát biểu về cơ sở hạ tầng hôm 29-3, Tổng thống Mỹ đã nhắc đi nhắc lại việc rút quân khỏi Syria như để một lần nữa khẳng định quyết tâm của mình. 

Ông Donald Trump nhấn mạnh, Mỹ đã chi tới 7.000 tỷ USD để theo đuổi các cuộc chiến tranh khác nhau ở Trung Đông trong khi biên giới Mỹ-Mexico không được bảo vệ, Ohio không có đủ kinh phí để xây dựng trường học mới. 

"Dường như có điều gì đó sai sai. Mỹ đã lãng phí quá nhiều vào các cuộc chiến tại Trung Đông... Chúng ta cần trở về đất nước chúng ta thuộc về và muốn thuộc về nó", ông Donald Trump khẳng định. 

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông chủ Nhà Trắng hứa hẹn sẽ tập trung nguồn chi tiêu của Mỹ trong tương lai vào việc tạo thêm việc làm và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất quán với chính sách "Nước Mỹ trước tiên".

Cảnh hoang tàn đổ nát ở thị trấn Arbin, phía Đông Ghouta ở Syria. Ảnh: AP

Báo cáo của Lầu Năm Góc cho thấy, Mỹ chính thức tham gia vào cuộc chiến ở Syria khi tiến hành một cuộc không kích cùng với các quốc gia Arab tại miền Bắc Syria vào ngày 22-9-2014. 

Cuộc không kích khi đó được chia thành 3 đợt và tờ USNews đã viết: "Việc Anh và Đức sớm đưa ra quyết định tấn công IS ở Syria là chuyện bình thường bởi trước đó họ đã nhận được không ít lời kêu gọi từ phía Pháp. 

Tuy nhiên, còn một điểm nữa mang tính quyết định nhất trong việc này chính là sự tham gia của Nga tại Syria. Thắng lợi của không quân Nga trong các cuộc không kích, tiêu diệt IS đã khiến Mỹ và các nước phương Tây “giật mình” nhìn lại và phải hành động ngay nếu không muốn “thất bại thảm hại”. 

Khi thanh thế của Nga trong các chiến dịch quân sự ở Syria ngày càng gia tăng thì Mỹ, Anh, Pháp Đức lại càng phải dè chừng hơn nữa bởi như thế thì âm mưu sử dụng IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad của họ sẽ bất thành. 

Liên quân quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu không muốn những gì mà họ đã tạo ra ở Trung Đông bị thay đổi bởi Nga. Hơn nữa, mảnh đất Trung Đông giàu có tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ đã trở thành “miếng bánh” mà không một cường quốc nào muốn nó rơi vào tay đối thủ. 

Thêm vào đó, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin được tung hô bởi chính người dân Trung Đông đã khiến cho những quốc gia này nổi giận. Họ muốn trở thành bá chủ những vùng đất giàu có tại Syria, Iraq. 

Vì thế, họ phải lựa chọn phương án “đánh úp” nhằm giành lại thế chủ động". Trong cuộc chiến ở Syria, lần đầu tiên Mỹ đã sử dụng các máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại F-22 Raptor và tên lửa Tomahawk  có giá gần 1,6 triệu USD/chiếc. Tính trung bình, mỗi đợt không kích, Mỹ phải chi tới hơn trăm triệu USD. 

Đáng chú ý là quá trình can thiệp của Mỹ và đồng minh tại Syria luôn bị cựu Phó Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Morell, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách tình báo Michael Vicker và cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford chỉ trích là kém hiệu quả. 

Nhiều quan chức khác của Mỹ cũng thừa nhận cuộc chiến tuyên truyền của họ không mang lại ảnh hưởng nhiều song không ai dám lên tiếng yêu cầu Mỹ "dừng cuộc chơi". 

Đến nay, Mỹ vẫn đang duy trì một lực lượng 2.000 nhân viên quân sự ở miền Đông Syria với  nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng địa phương đánh đuổi IS và ngăn không cho cuộc xung đột tại Syria lan rộng thêm.

Theo giới quan sát, tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ gây bất ngờ không chỉ với cộng đồng quốc tế mà với cả giới chức trong nước. Bởi lẽ, trước đây, khi đưa ra nhận xét về hoạt động của quân đội Mỹ, ông Donald Trump từng liên tục nhấn mạnh rằng, Washington không đặt ra thời hạn hoặc báo trước hành động cho kẻ địch. 

Tháng 1 vừa qua, trong bài phát biểu chiến lược tại Syria, cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (người vừa bị cách chức do bất đồng quan điểm với Tổng thống) cũng khẳng định, quân đội Mỹ sẽ ở lại Syria không chỉ cho tới khi IS bị thất bại hoàn toàn mà còn để chống lại ảnh hưởng của Iran và cuối cùng là hỗ trợ việc lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thì từng nói, duy trì sự hiện diện quân sự và ngoại giao tại Syria vì lợi ích quốc gia của chính nước Mỹ và "không nên mắc cùng một sai lầm của năm 2011 khi quyết định rút quân quá sớm của Mỹ khỏi Iraq đã tạo cơ hội cho mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda trỗi dậy và sau đó là sự xuất hiện của IS". 

Còn nữ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Dana White ngay sau phát biểu của Tổng thống Donald Trump đã nói với phóng viên rằng: "Mỹ vẫn còn những công việc quan trọng phải làm tại Syria nhằm đảm bảo đánh bại tên khủng bố cuối cùng. 

Cam kết của chúng tôi là chiến thắng lâu dài trước cái được gọi là "vương quốc Hồi giáo" và những tư tưởng cực đoan của khủng bố IS". Riêng phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao không đưa bình luận nào. Nhiều người đã đặt câu hỏi liệu tuyên bố rút quân có phải là bước chuyển mới trong chính sách của Mỹ tại Syria hay không?

Phan Hiển
.
.
.