Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông - một trong 10 mối đe dọa hàng đầu thế giới

Thứ Ba, 22/03/2016, 08:58
Sự bành trướng của Trung Quốc đang tạo ra sự phức tạp lớn về an ninh ở khu vực Biển Đông. Báo cáo của bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn The Economist của Anh công bố ngày 21-3 cho hay, nếu xếp ở nguy cơ chiến tranh thì Biển Đông đứng ở vị trí thứ 8 trong danh sách các mối đe dọa hàng đầu hiện nay trên thế giới. Vì vậy, theo nhiều nhà phân tích, ASEAN phải đoàn kết như một bó đũa và có vai trò quan trọng để giải quyết xung đột tại Biển Đông.


Tranh chấp làm tổn hại quan hệ

Theo tin từ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, trong bảng đánh giá những rủi ro toàn cầu mới nhất của EIU, nguy cơ chiến tranh tại Biển Đông đứng ở vị trí thứ 8. Đặc biệt, trong phần đánh giá về nguy cơ ở Biển Đông, EIU đã nêu ra một loạt các hành động gây leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, trong đó có việc mới triển khai tên lửa đất đối không tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. 

Báo cáo có đoạn viết: “Việc khẳng định chủ quyền bằng những hành động như trên của Trung Quốc sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua quân sự trong khu vực và tạo ra nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc sự tính toán sai lầm dẫn tới sự leo thang căng thẳng” và rằng “bất kỳ sự tranh cãi xấu đi nào (ở Biển Đông) cũng có thể làm tổn hại nghiêm trọng tới mối quan hệ kinh tế trong khu vực và có nguy cơ gây trở ngại dòng chảy thương mại toàn cầu và xét ở phạm vi rộng hơn, làm suy giảm niềm tin vào kinh tế toàn cầu”… 

Trước đó, tại hội thảo quốc tế mang tên “Vấn đề địa chính trị đang nổi lên ở Ấn Độ Dương” do Hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương (SIOS) tổ chức tại trung tâm thủ đô New Delhi, ngoài việc khẳng định khu vực Ấn Độ Dương là một trong những khu vực năng động và đầy sức sống trên thế giới, các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận nhiều về vấn đề Biển Đông tại phiên thảo luận “Tầm ảnh hưởng địa chính trị của Biển Đông”. 

GS Baladas Ghoshal, học giả nổi tiếng của SIOS cho rằng, Biển Đông đang nổi lên là một điểm nóng chủ yếu, không chỉ liên quan tới các nước trong khu vực này mà còn ra cả ngoài khu vực khi mà Trung Quốc đang tiến hành hoạt động xây dựng ồ ạt và quân sự hóa vùng biển này, đồng thời tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông - một trong những tuyến đường biển chủ chốt của thế giới. 

Thiếu tướng Hải quân O P Sharma thì dẫn các khái niệm và luật pháp quốc tế để khẳng định, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn khu vực Biển Đông là không theo luật pháp quốc tế và không theo Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc cũng là một thành viên. 

Một tàu của Trung Quốc đã ngang nhiên tấn công tàu Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Ảnh: AP.

Đại diện Việt Nam tham dự hội thảo là ông Võ Xuân Vinh đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISAS) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đã có bài tham luận lên án hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Trong khi đó, Thời báo Hàn Quốc phiên bản tiếng Anh số ra ngày 17-3 đã đăng loạt bài về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới góc độ luật pháp quốc tế, trong đó khẳng định yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường chữ U”) của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn tùy tiện và không có cơ sở, trong khi Việt Nam có đầy đủ chủ quyền về mặt pháp lý đối với hai quần đảo này. 

Nhắc lại các hội nghị quốc tế trong quá khứ cũng như việc Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bản đồ Trung Quốc cổ thế kỷ XVIII, do họa sĩ người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ năm 1735, cho thấy biên giới phía Nam của Trung Quốc kéo dài đến sát đảo Hải Nam chứ không hề có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, tờ báo còn nhấn mạnh, cho đến nay, Trung Quốc chưa đưa ra được bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ khu vực Biển Đông một cách liên tục, hoà bình từ xa xưa.

ASEAN phải như một bó đũa

Phân tích những sai lầm nghiêm trọng của Bắc Kinh khi theo đuổi chính sách ngày càng quyết đoán đối với Biển Đông, nhiều học giả đã khẳng định, UNCLOS cần là nền tảng pháp lý quan trọng để giải quyết các thách thức an ninh trong khu vực này còn ASEAN phải đoàn kết như bó đũa để thúc đẩy hợp tác và hòa bình. 

Tại “Đối thoại ASEAN về luật pháp quốc tế: Tăng cường các quy định của pháp luật trong khu vực đối với luật quốc tế về biển” được tổ chức hôm 17-3 ở thủ đô Jakarta, Indonesia, nhiều ý kiến nhất trí rằng, Biển Đông là vấn đề liên quan đến an ninh khu vực và mối quan hệ giữa nhiều quốc gia. 

GS-TS Robert Beckman - Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore nhận định, trước hết cần phải dựa vào UNCLOS, dựa vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sắp tới cần phải sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông dựa trên các cơ sở pháp lý. Để thực hiện được vấn đề này, ông cho rằng, cần một giải pháp lâu dài và sẽ gặp rất nhiều cản trở, đòi hỏi sự nỗ lực của các bên liên quan. 

Thứ nữa, như Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN đề xuất thì tất cả các nước ASEAN cần phải có cùng hiểu biết về tầm quan trọng của UNCLOS và đoàn kết thống nhất, thảo luận cũng như giải quyết các vấn đề nảy sinh dựa trên khuôn khổ UNCLOS. 

Còn Thứ trưởng Bộ Điều phối hàng hải và Tài nguyên biển của Indonesia Arif Havas Oegroseno thì cho rằng, tất cả các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS để chia sẻ lợi ích cùng nhau hơn là đi ngược lại luật để gây ra những tranh chấp, ảnh hưởng môi trường an ninh của khu vực cũng như ảnh hưởng đến sự thịnh vượng chung. Thương mại hàng hải ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Hợp tác hàng hải phải được coi là một khía cạnh tự nhiên mang tính trách nhiệm của các quốc gia liên quan.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.