Tổng thống Nicolas Maduro cứng rắn trước mọi sức ép

Thứ Ba, 29/01/2019, 10:42
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hiện đang tiếp tục đối mặt với sức ép của phương Tây muốn lật đổ chính quyền của ông khi có thêm nhiều nước công nhận chức danh “tổng thống lâm thời” tự phong của phe đối lập Juan Guaido. Có được sự hậu thuẫn của quân đội, Tổng thống Nicolas Maduro vẫn cứng rắn đáp trả nhằm bảo vệ chính quyền.

Tổng thống Nicolas Maduro hôm 27-1 đã bác bỏ một tối hậu thư quốc tế kêu gọi nước này tổ chức các cuộc bầu cử trong vòng 8 ngày, đồng thời tuyên bố ông Juan Guaido đã vi phạm Hiến pháp khi tự phong là “tổng thống lâm thời”.

Bên cạnh đó, Tổng thống Venezuela khẳng định để ngỏ kênh đối thoại và một cuộc gặp giữa ông với người đồng cấp Mỹ Donald Trump là không chắc chắn nhưng không có nghĩa là không thể xảy ra. Cùng ngày, ông Nicolas Maduro đã dự buổi diễn tập quân sự với sự phô diễn của các thiết bị quân sự nhằm chứng tỏ với thế giới rằng, ông vẫn còn sự hậu thuẫn của quân đội và cáo buộc thủ lĩnh đối lập Guaido đang tham gia cuộc đảo chính do Mỹ chỉ đạo.

Tổng thống Nicolas Maduro trong chuyến thị sát một căn cứ quân sự ở thành phố Valencia. (Ảnh: Reuters).

“Từ ngày 10 đến 15-2, chúng tôi sẽ tiến hành cuộc diễn tập quân sự quan trọng nhất trong lịch sử 200 năm. Điều quan trọng nhất là tạo tinh thần khích lệ cho quân đội để tất cả các đơn vị quân đội tin tưởng không thế lực nào dám đụng đến vùng đất thiêng liêng của chúng tôi. Venezuela muốn hòa bình nhưng chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng bởi không ai tôn trọng kẻ yếu. Sức mạnh và lòng dũng cảm luôn được tôn trọng”, ông Nicolas Maduro nói.

Ông cũng lên án âm mưu kích động quân đội đảo chính, tố cáo hàng nghìn tin nhắn đã được gửi đến các binh sỹ mỗi ngày thông qua ứng dụng WhatsApp và các diễn đàn mạng xã hội từ nước láng giềng Colombia.

Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố đã giành chiến thắng tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 27-1 khi nhiều nước khác như Cuba, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ của ông, đồng thời lên án âm mưu đảo chính. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino đã khẳng định các lực lượng vũ trang nước này không công nhận một tổng thống tự phong hay một tổng thống “được dựng lên bởi những lợi ích đen tối”.

Tại cuộc họp khẩn này, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và gìn giữ hòa bình, bà Rosemary DiCarlo nhấn mạnh đối thoại và hợp tác là yếu tố hết sức quan trọng để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Venezuela. “Chúng ta phải cố gắng giúp mang lại một giải pháp chính trị để người dân Venezuela được hưởng hòa bình, thịnh vượng và tất cả các quyền con người”, bà Rosemary DiCarlo nhấn mạnh.

Nhắc lại thiện chí của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sẵn sàng giúp Venezuela giải quyết cuộc khủng hoảng, bà DiCarlo nêu rõ mối quan tâm chính hiện nay là sự thịnh vượng của người dân Venezuela cũng như việc đảm bảo họ được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi. Quan chức Liên hợp quốc này kêu gọi các bên tại Venezuela hợp tác và đối thoại nhằm chấm dứt tình hình đáng lo ngại hiện nay.

Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel đã lên án những cáo buộc mang tính “vu khống” đối với Cuba của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong một bài phát biểu tại HĐBA LHQ.

Thông qua mạng xã hội Twitter, nhà lãnh đạo Cuba chỉ trích những tuyên bố của ông Pompeo và cho rằng đó là sự vu khống, và sẽ hoàn toàn không có tác dụng trước những dân tộc không bao giờ từ bỏ nền độc lập và chủ quyền của mình. Phản ứng trên của Chủ tịch Cuba là lời đáp trả trước việc Ngoại trưởng Mỹ, trước đó vào cùng ngày, đã cáo buộc Cuba trực tiếp làm gia tăng căng thẳng tại Venezuela và can thiệp vào các vấn đề nội bộ nước này. Ông Mike Pompeo còn cho rằng Bộ Nội vụ Cuba thậm chí đã cử người đến bảo vệ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez cũng đã bác bỏ cáo buộc của người đồng cấp Mỹ cho rằng Cuba “là thế lực nước ngoài can thiệp vào tình hình Venezuela”.

Ông nhấn mạnh Cuba kịch liệt bác bỏ những cáo buộc mà Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra tại HĐBA LHQ, đồng thời khẳng định sự công kích của quan chức Mỹ nhằm vào giá trị pháp lý của hiến pháp của Venezuela cuối cùng sẽ thất bại. Tuyên bố của Ngoại trưởng Cuba được đưa ra nhằm đáp trả phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ tại HĐBA LHQ nói rằng “không có quốc gia nào làm nhiều hơn Cuba để giữ ông Nicolas Maduro tại vị”.

Chia sẻ quan điểm này, Đại sứ Nam Phi tại LHQ Jerry Mtjila mới đây cho biết Nam Phi bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây tại Venezuela, khẳng định rằng Nam Phi kiên quyết phản đối mọi nỗ lực phi pháp, vi hiến nhằm thay đổi Chính phủ Venezuela, nhấn mạnh HĐBA LHQ không thể được sử dụng để công nhận những thay đổi vi hiến của bất kỳ chính phủ nào. Do đó, Nam Phi quan ngại sâu sắc về những diễn biến nhằm thay đổi các cơ chế hợp hiến của bầu cử tại Venezuela.

Đại sứ Nam Phi nhấn mạnh bất kỳ khiếu nại hoặc tranh chấp nào cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua các cơ chế và quy trình phù hợp được quy định trong Hiến pháp, luật bầu cử Venezuela và không chịu ảnh hưởng từ bên ngoài. Đây là tiêu chuẩn và thông lệ tốt nhất đối với tất cả các nền dân chủ pháp trị.

Nam Phi ủng hộ tuyên bố ngày 24-1 vừa qua tại Davos, Thụy Sĩ của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, trong đó kêu gọi giảm căng thẳng nhằm ngăn chặn bạo lực và các bên có liên quan cần khẩn trương cam kết đối thoại chính trị toàn diện và đáng tin cậy để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài ở Venezuela. Nam Phi kêu gọi tất cả các bên cần tham dự quá trình đối thoại quốc gia để đảm bảo sự thống nhất, hòa giải và tiến tới giải pháp chính trị cho tình hình hiện nay.

Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ này cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, cũng như các cơ quan hữu quan của LHQ hợp tác với Chính phủ Venezuela và các nước láng giềng hỗ trợ tạo dựng các cơ hội đối thoại, hợp tác để giảm những khó khăn, thách thức mà người dân Venezuela đang phải đối mặt.

Hãng thông tấn AVN của Venezuela dẫn kết quả cuộc khảo sát của hãng Hinterlaces cho thấy 84% số người được hỏi nhất trí của giải pháp đối thoại giữa chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro với phe đối lập nhằm giải quyết các vấn đề của đất nước.

Bên cạnh đó, 81% ý kiến của người dân Venezuela phản đối các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ chống lại nước này, trong khi đó chỉ có 17% ủng hộ các chính sách của Washington. Khảo sát cũng cho thấy 86% số người được hỏi phản đối sự can dự quân sự vào tình hình chính trị nước này. Kết quả khảo sát này dựa trên ý kiến của 1.580 người thông qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp tại nhà.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.