Quân Chính phủ Syria bị NATO dội bom: To mồm thì thắng!

Thứ Năm, 10/12/2015, 22:47
Việc một doanh trại của quân Chính phủ Syria bị dội bom ngày 6-12 làm chết 4 binh sĩ và làm bị thương hàng chục người khác đang trở thành đề tài tranh luận sôi nổi. Syria tố cáo đó là hành động của liên quân do Mỹ dẫn đầu, Mỹ “cãi bay cãi biến” và đổ lỗi đó cho Không quân Nga.

Trên bầu trời Syria giờ là máy bay chiến đấu của 5-6 quốc gia, dội bom ai chả biết đâu mà lần. Giờ có vẻ như chỉ có ai “to mồm” thì người đó chiếm thế thượng phong trên các phương tiện truyền thông.

Thông tin đầu tiên về việc liên quân do Mỹ đứng đầu không kích vào mục tiêu của quân đội Syria ở khu vực Ayash, thuộc tỉnh Deir al-Zor, miền Đông Syria, ngày 6-12, được Đài Phát thanh Sham FM của Syria phát đi. Theo bản tin, vụ tấn công đã làm 4 binh sĩ Syria thiệt mạng. Ngoài số người chết và 13 người bị thương còn có 3 xe bọc thép, 4 xe quân sự và một kho vũ khí bị phá hủy.

Deir al-Zor hiện do IS kiểm soát phần lớn. Khu vực này có vai trò cực kỳ quan trọng đối với IS bởi có nhiều mỏ dầu - nguồn thu chính của IS.

Trong cùng ngày, Bộ Ngoại giao Syria nhanh chóng gửi công hàm phản đối tới Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vụ việc trên. Phía chính quyền Damascus nêu rõ: 4 máy bay liên quân do Mỹ cầm đầu đã bắn 9 quả tên lửa không đối đất vào trại quân đội chính phủ ở Deir ez-Zor.

Cơ quan thông tấn SANA của Syria trích dẫn công hàm của chính quyền Damascus viết: "Syria gay gắt lên án hành động xâm lược của liên minh do Mỹ dẫn đầu đi ngược với các mục tiêu và quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an lập tức phản ứng với vụ tấn công và có biện pháp để điều này không lặp lại".

Công hàm còn nói, cuộc tấn công của liên quân nhắm vào quân Chính phủ Syria gây trở ngại cho các nỗ lực chống khủng bố và lần nữa yêu cầu Mỹ hành động nghiêm túc.

Liên minh do Mỹ dẫn đầu thực hiện các phi vụ đánh bom các vị trí của IS ở Syria từ tháng 9-2014 mà không được sự ủy thác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Kể từ ngày 30-9 năm nay, được Tổng thống Bashar al-Assad đề nghị, Nga đã mở chiến dịch không kích các mục tiêu khủng bố ở Syria. Như vậy xét về mặt chính thức thì chỉ có quân đội Nga là có quyền không kích tại Syria, tất cả các cuộc không kích từ nước khác đều là phi pháp. Chả thế mà hôm 5-12, Tổng thống Assad tuyên bố việc Anh mở không kích tại Syria là phạm pháp.

Phản ứng trước tố cáo trên của truyền thông và chính quyền Damascus, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã “chối bay”. Hôm 7-12, Đại tá Steven Warren, người phát ngôn của liên quân chống tổ chức khủng bố IS, tuyên bố: “Chúng tôi có đọc được thông tin từ Syria, nhưng chúng tôi không tổ chức bất kỳ cuộc không kích nào ở khu vực đó tại tỉnh Deir al-Zor ngày 6-12”.

Ông Warren cho biết, liên quân do Mỹ dẫn đầu trong ngày 6-12 chỉ không kích ở Deir al-Zor tại vị trí cách khu vực binh sĩ Syria bị sát hại khoảng 55 km về phía đông nam, gần thị trấn Ayyash.

Người phát ngôn của liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu, Đại tá Steve Warren, phủ nhận việc dội bom quân chính phủ Syria.

Chưa dừng lại ở đây, cũng trong ngày 7-12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông John Kirby cho biết, không có thông tin nói rằng cuộc không kích căn cứ quân sự của Syria ở tỉnh Deir ez-Zor có thể do máy bay Nga gây ra, nhưng ông cũng khẳng định không quân Mỹ và đồng minh không tiến hành không kích vào lực lượng quân đội Syria. “Tôi sẽ không bình luận những gì Lầu Năm Góc cho biết về vụ không kích này, nhưng tôi biết chính xác là không phải do Mỹ gây ra” - ông Kirby nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, ông không có bằng chứng cho thấy các vụ đánh bom có thể do máy bay Nga thực hiện, và đảm bảo rằng các hành động của liên minh phương Tây do Mỹ dẫn đầu chỉ duy nhất nhắm vào các lực lượng IS.

Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra xác nhận các thông tin được phát đi từ Mỹ và chính quyền Syria. Nếu thông tin của Damascus là đúng thì đây rõ ràng là một cú đánh trực diện của Mỹ vào Nga.

Damascus tố cáo liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công một căn cứ quân sự của Syria tại tỉnh Deir al-Zor ngày 6-12.

Từ hơn 2 tháng nay, Nga đem quân không kích các nhóm khủng bố để bảo vệ chính quyền Assad. Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây lại tố cáo rằng Nga không đánh IS hay các nhóm khủng bố khác mà cứ “nhằm” phe đối lập Syria mà ném bom. Đây là lực lượng do Mỹ ủng hộ cả về tài chính lẫn quân sự nhằm lật đổ chính quyền Assad. Với việc đánh bom vào quân đội Chính phủ Syria, liên quân do Mỹ dẫn đầu như muốn gửi thông điệp tới Nga rằng “nếu máy bay của quý vị đánh “đàn em” của chúng tôi thì chúng tôi sẽ đánh lại đồng minh của quý vị”.

Trên bầu trời Syria hiện có đến gần trăm loại máy bay từ các liên minh khác nhau tham gia không kích các nhóm khủng bố. Ngoài Nga, liên minh do Mỹ dẫn đầu tập hợp tới khoảng 60 quốc gia tham gia không kích tại Syria từ tháng 8-2014. Dưới mặt đất, có  ít nhất 5 lực lượng đang hiện hữu, gồm quân chính phủ Damascus, phe đối lập Syria, lực lượng IS và Nusra, nhóm Hezbollah. Giữa một mớ hỗn độn như thế, chuyện ai đánh ai khó mà xác định được.

Anh và Đức bắt đầu không kích IS

Chỉ vài giờ sau khi Quốc hội bật đèn xanh, sáng sớm ngày 3-12 những chiếc máy bay Tornado của Không lực Hoàng gia Anh đã mở những cuộc tấn công đầu tiên nhắm vào các cứ điểm của IS tại Syria.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh cho biết, một cơ sở chế biến dầu tại Syria cách biên giới Iraq 50km đã trở thành mục tiêu. 4 chiếc Tornado cất cánh trong đêm từ căn cứ Akrotiri ở Chypre, nơi Không quân Anh có 8 chiếc loại này. 2 chiếc Tornado và 6 máy bay chiến đấu Typhoon sắp đến bổ sung cho phi đội tại Chypre. Như thế Anh là quốc gia thứ 6 tham gia oanh kích IS tại Iraq và Syria.

Tuy nguyên tắc của sự can thiệp mở rộng này đang gây tranh luận trong công chúng vì còn ám ảnh bởi cuộc chiến tại Iraq dưới thời Thủ tướng Tony Blair nhưng vẫn là một thành công đầu  tiên về ngoại giao của Tổng thống Pháp Francois Hollande sau cuộc khủng bố 13-11. Trong tuần qua, ông đã có cuộc chạy đua ngoại giao, gặp gỡ Thủ tướng David Cameron và được Thủ tướng hứa sẽ đưa quân đội Anh tham chiến bên cạnh lực lượng Pháp.

Giờ đây mọi ánh mắt đều hướng sang Berlin. Hôm 1-12, Hội đồng Bộ trưởng đã chấp thuận nguyên tắc can thiệp quân sự của Đức trong cuộc chiến chống IS, đặc biệt là tại Syria, sứ mệnh có thể cần đến 1.200 binh sĩ. Đến ngày 4-12, Hạ viện Đức đã thảo luận về quyết định này.

“Trong vòng 3 ngày chúng ta phải quyết định xem Đức có nên tham chiến không, nhưng chúng ta không thể quyết định theo vận tốc của một chiếc phản lực Tornado” - dân biểu cánh tả Petra Sitte nhấn mạnh.

Về phía chính phủ, mọi người nhắc đến tính hợp pháp của sứ mệnh xét theo nghị quyết của LHQ kêu gọi chống IS và lời yêu cầu của Pháp, đồng thời nhấn mạnh rằng vẫn cần phải có những cuộc thương thảo để chế độ Assad và phe đối lập ngừng xung đột để có thể chiến thắng IS. Cuối cùng với 503 phiếu thuận trên tổng số 630 phiếu, Hạ viện Đức đã chính thức chấp nhận quyết định của chính phủ cho triển khai 1.200 quân và 6 chiếc máy bay để tham gia vào các chiến dịch quân sự quốc tế chống lại IS.

Đây sẽ là sứ mệnh quan trọng nhất của Đức ở nước ngoài. Những chiếc Tornado của Đức sẽ thực hiện các chiến dịch thám sát tại Syria, và Đức cũng điều một chiến hạm hoạt động bên cạnh hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle của Pháp.

Mê Linh (tổng hợp)

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.
.