Tiến triển trong phòng chống COVID-19 trên toàn thế giới

Thứ Năm, 05/03/2020, 16:18

Khi dịch COVID-19 mới xảy ra ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, chính phủ nước này đã gặp rất nhiều khó khăn, tâm dịch Vũ Hán đã bị đóng cửa hoàn toàn và hàng triệu người làm việc tại nhà hoặc tự cách ly trong nhiều tuần liền.

Ảnh AP. 

Các bệnh viện dã chiến được xây dựng trong vài ngày để điều trị số lượng bệnh nhân khổng lồ. Những người không tuân thủ các quy tắc kiểm dịch hoặc nói dối về lịch sử đi lại bị giam giữ. Những biện pháp tưởng như hà khắc nhưng mọi nỗ lực đã được đền đáp khi tình hình đang dần ổn định ở Trung Quốc đại lục, và tỷ lệ các trường hợp mới giảm hàng ngày.

“Chúng tôi thấy được các biện pháp toàn diện mà Trung Quốc đã thực hiện và chúng tôi tin rằng điều đó đã có tác động đến việc thay đổi quỹ đạo tự nhiên của dịch bệnh ở Trung Quốc”, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, chuyên gia tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.

Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 119 trường hợp nhiễm virus mới vào cuối ngày 4/3, chỉ có 4 trường hợp không phải ở tỉnh Hồ Bắc, những con số cho thấy xu hướng giảm ở Trung Quốc.

Thay vào đó, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã lan ra nhiều nước khác, với những ổ bệnh mới đáng báo động ở Mỹ, Trung Đông và châu Âu. Những cảnh tượng từng chỉ xuất hiện ở Trung Quốc và Đông Á như khẩu trang, thuốc khử trùng tay và cuộn giấy vệ sinh cháy hàng, tàu hỏa được khử trùng và các địa điểm công cộng vắng tanh, giờ đang xuất hiện trên toàn cầu khi các nhà chức trách trên toàn thế giới vật lộn chống dịch bùng phát.

Tại Mỹ, nơi đã ghi nhận 126 ca nhiễm và 9 trường hợp tử vong, phần lớn các ca nhiễm ở bang California và Washington. Nhiều thành phố trên khắp đất nước, từ San Francisco đến Seattle, và thậm chí toàn bộ bang Washington, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Điều này cho phép chính quyền địa phương và tiểu bang tiếp cận nhiều hơn với các nguồn lực khẩn cấp và tài trợ để chuẩn bị cho một đợt bùng phát lớn hơn.

Các cơ quan liên bang cũng đang nghiên cứu các biện pháp ứng phó: quân đội Mỹ cho biết các phòng thí nghiệm quân sự đang nghiên cứu vaccine, trong khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép nhân viên y tế sử dụng nhiều loại mặt nạ khác nhau, giúp họ linh hoạt hơn khi đối mặt nguồn cung cấp mặt nạ khan hiếm.

Tuy nhiên, chính phủ cũng đang gặp trở ngại. Ngày càng nhiều lo ngại về khả năng tiếp cận các bộ dụng cụ xét nghiệm, trong khi việc triển khai thử nghiệm của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và các tiêu chí nghiêm ngặt về đối tượng có thể được xét nghiệm, làm chậm trễ quá trình xét nghiệm.

Ảnh Getty Images. 

Cho đến nay, Mỹ chỉ có thể thực hiện khoảng 3.600 xét nghiệm, đáng lo ngại khi so với tại các quốc gia như Hàn Quốc và ở châu Âu, nơi hàng ngàn xét nghiệm đang được thực hiện mỗi ngày.

FDA ban đầu cho biết Mỹ sẽ có thể thực hiện khoảng 1 triệu xét nghiệm vào cuối tuần này, nhưng sau đó đã phải nói rõ lại sự khác biệt “giữa khả năng đưa bộ dụng cụ xét nghiệm ra phòng thí nghiệm với khả năng xét nghiệm của phòng thí nghiệm”.

Chính sách liên bang cũng có những sự mơ hồ, đặc biệt là trong cách ly kiểm dịch và hạn chế đi lại. Chính quyền Trump đã công bố các quy tắc mới vào đầu tháng 2, nhưng đưa ra quá ít chi tiết, khiến các quan chức địa phương khó thực thi. San Antonio, bang Texas, thậm chí đã đệ đơn kiện chính phủ liên bang về sự bất đồng trong giao thức kiểm dịch.

Trong cộng đồng, sự lo lắng về virus dường như đang tăng lên. Khẩu trang và nước rửa tay bán sạch ở nhiều nơi. Một phụ nữ ở California chia sẻ rằng cô đã ghé thăm 15 cửa hàng trong hai ngày và chỉ để tìm một hộp khẩu trang.

Tại châu Âu, ổ dịch đầu tiên phải nói đến Italia, tuy nhiên, giờ dịch đã lan ra khắp châu lục. Liên minh châu Âu nâng mức rủi ro từ trung bình lên cao, và cảnh báo mọi quốc gia chuẩn bị tinh thần cho sự bùng phát của dịch.

Tại Italia, nơi đã có 79 người thiệt mạng, các thành phố và thị trấn ở phía Bắc đã bị đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần, với khoảng 100.000 người bị cách ly. Các trường học bị đình chỉ, không gian công cộng như bể bơi hoặc công viên bị đóng cửa, và các sự kiện lớn cũng bị hủy để giảm nguy cơ lây lan.

Một lực lượng đặc nhiệm của chính phủ Italia đang làm việc suốt ngày đêm để quản lý các trường hợp được xác nhận, giám sát các quy trình y tế trên toàn quốc và làm việc với các cơ quan quốc tế như WHO và Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu. Gần 400 trường hợp mắc bệnh đã được báo cáo ở Pháp, Tây Ban Nha và nhiều nơi khác.

Ảnh AP. 

Lệnh hạn chế đi lại quốc tế đã được đưa ra trong nỗ lực kiểm soát bệnh. Các quốc gia và hãng hàng không từ Mỹ đến Kenya đã tạm dừng các chuyến bay đến Italia nhưng biên giới EU vẫn mở, các bộ trưởng y tế EU cảnh báo rằng đóng cửa biên giới là một “biện pháp không tương xứng và không hiệu quả”.

Anh cũng đưa ra một “kế hoạch chiến đấu” chống lại virus và đã triển khai xét nghiệm virus tại 12 phòng thí nghiệm trên toàn quốc. Gần 14.000 người đã được xét nghiệm trên khắp nước Anh cho đến nay.

Ở châu Á, mọi sự chú ý hiện vẫn đổ dồn về Hàn Quốc, nơi có số lượng bệnh nhân lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục. Hơn một nửa trong số 5.612 trường hợp tại nước này có liên quan đến một nhánh của nhóm tôn giáo Shincheonji ở miền Nam đất nước.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 3/3 tuyên bố nước này “tham chiến chống lại” COVID-19. Chính phủ đã đề xuất một ngân sách bổ sung trị giá khoảng 9,8 tỷ USD để ứng phó và phục hồi, sẽ được đệ trình để phê duyệt trong ngày 5/3.

Nhà chức trách đã ráo riết triển khai xét nghiệm trên toàn quốc, thậm chí thiết lập các trạm kiểm tra mà tại đó mọi người có thể được kiểm tra trong vài phút mà không cần rời khỏi xe của họ. Ngoài ra, chính quyền cũng đã sử dụng các công nghệ sáng tạo trong cuộc chiến này, như hệ thống GPS đặt báo động khi bệnh nhân vi phạm kiểm dịch tại nhà. Ở Hàn Quốc và các nơi khác ở châu Á như Singapore và Hong Kong, đã có nhiều chiến dịch thông tin lớn để thông tin cho dân chúng về các biện pháp phòng ngừa cơ bản nhưng quan trọng như rửa tay, tránh xa đám đông và không chạm vào mặt.

Hàng triệu người vẫn đang làm việc tại nhà trên khắp châu Á, bao gồm nhân viên các cơ quan chính phủ và các công ty tư nhân thực hiện các thỏa thuận làm việc linh hoạt hoặc từ xa để tạo khoảng cách xã hội tốt hơn.

Các sự kiện và các cuộc tụ họp công cộng đã bị hủy vì cùng một lý do - tại Nhật Bản, giải đấu danh dự Rugby Sevens đã bị hủy vì nỗi sợ COVID-19. Chính phủ các nước và vùng lãnh thổ cũng đã phải giải quyết các vấn đề bất ngờ như việc quét sạch siêu thị trong hoảng loạn.

Vấn đề tương tự hiện đang diễn ra ở Australia, nước đã công bố các trường hợp nhiễm mới trong tuần này sau gần một tháng không ghi nhận trường hợp mới. Hình ảnh từ các thành phố như Sydney và Brisbane cho thấy các cửa hàng tạp hóa trống rỗng và đám đông chen lấn tranh giành các sản phẩm.

Để ứng phó với bệnh dịch, các chính phủ đã kêu gọi mọi người đừng hoảng loạn khi mua hàng, và cho rằng không có mối đe dọa nào đối với nguồn cung. Các siêu thị cũng đã áp đặt giới hạn về số lượng mua sắm có thể đối với các mặt hàng như giấy vệ sinh.

Ảnh AP. 

Tại Iran, ổ dịch tại Trung Đông, đã có hơn 2.300 ca nhiễm và 77 trường hợp tử vong. Gần 8% các nhà lập pháp của nước đã dương tính với virus. Iran đã huy động một đội ngũ toàn quốc gồm 300.000 nhân viên và chuyên gia y tế. Các chuyên gia quốc tế của WHO cũng đã đến Tehran trong tuần này để làm việc với các cơ quan y tế và phối hợp nỗ lực ứng phó.

Những người cố gắng rời khỏi thành phố Qom, tâm dịch của Iran, sẽ bị cách ly nếu họ bị sốt và xuất hiện các triệu chứng liên quan. Iran cũng đã thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn, như tạm thời thả hơn 54.000 tù nhân trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus.

Chỉ trong hai tuần qua, virus đã lan sang hơn 10 quốc gia Trung Đông khác. Nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới với Iran hoặc áp đặt các hạn chế đi lại, trong khi một số quốc gia bao gồm Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Kuwait đã ra lệnh sơ tán công dân của họ khỏi Iran.

Iraq đã đóng cửa tất cả các trường học, rạp chiếu phim, quán cà phê và các không gian công cộng khác trong hai tuần và cấm công dân của họ đi du lịch đến các quốc gia như Iran, Kuwait và Bahrain.

Ảnh AP. 

Mặc dù chưa ghi nhận sự bùng phát lớn của virus ở châu Phi hoặc Mỹ Latinh, một số quốc gia ở những khu vực này đã báo cáo các trường hợp nhiễm virus đầu tiên vào tuần trước, làm gia tăng mối lo ngại về việc virus có thể tiếp tục lan rộng.

Ở Châu Phi, các trường hợp đã được xác nhận ở Ai Cập, Algeria, Nigeria, Senegal và Tunisia. Sau khi xác nhận trường hợp đầu tiên, chính quyền Nigeria bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng xử lý ổ dịch, nhấn mạnh đã có kinh nghiệm trong dịch Ebola ở Tây Phi.

Tuy nhiên, WHO đã cảnh báo rằng một ổ dịch có thể gây thiệt hại lớn cho châu Phi hơn nhiều so với Trung Quốc. Những điều kiện khó khăn tại châu lục này có thể gây phức tạp cho quá trình phòng dịch: chỉ có 42% người Nigeria được sử dụng xà phòng và nước sạch trong khu vực sinh sống của họ, trong khi 25% không được sử dụng nước.

Châu lục này hiện đang chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, như giám sát các điểm nhập cảnh và việc qua lại biên giới.

Các chuyên gia của WHO đã được cử đến các quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương và cơ quan này đang cung cấp cho các phòng thí nghiệm châu Phi các thiết bị xét nghiệm, thuốc thử để phân tích hóa học và đào tạo nhân viên.

Trong khi đó, ở Châu Mỹ Latinh và Caribbean, các trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận ở Mexico, Argentina, Brazil, Chile, Ecuador và Dominican.

Tương tự như các tiểu bang và thành phố của Mỹ, các quốc gia như Mexico, Guatemala và Panama đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp hoặc cảnh báo cấp cao để chuẩn bị cho một đợt bùng phát lớn hơn.

Ngay cả các quốc gia không có trường hợp được xác nhận cũng không lơ là. Panama đã dành 2,5 triệu USD cho ứng phó với COVID-19, phát động một chiến dịch thông tin công khai và đang tiến hành các buổi đào tạo cho nhân viên y tế.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.