Thương mại toàn cầu đối mặt thách thức lớn nếu Mỹ rời WTO

Thứ Sáu, 16/08/2019, 07:55
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết, Washington sẽ sớm rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu nước này tiếp tục bị đối xử không công bằng. Giới chuyên gia nhận định, tuyên bố trên là nhằm tái khẳng định khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump và nếu trở thành sự thật, việc này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn đối với các hoạt động thương mại toàn cầu.


Từng lần lượt rút khỏi các thể chế thương mại đa phương như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), hôm 14-8 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump lại dọa sẽ rút khỏi WTO - tổ chức giúp xác lập và điều hành hệ thống thương mại toàn cầu. Phát biểu trước đám đông công nhân ủng hộ tại một nhà máy hóa chất ở Pennsulvania, ông Trump nói: "Chúng ta sẽ ra đi nếu chúng ta buộc phải làm vậy".

Đây là lần thứ hai trong năm 2019 ông Trump tuyên bố sẽ rời khỏi tổ chức này. Theo chính quyền Washington, thời gian qua WTO đã gây khó dễ cho Mỹ và đối xử không công bằng với nước này. Gần đây nhất, hôm 26-7, ông Trump yêu cầu WTO phải xem xét lại quy chế quốc gia đang phát triển của một số nước, trong đó có Trung Quốc, vì ông Trump cho rằng, các nước này lợi dụng một vài điều khoản không phù hợp với tình hình hiện tại để được hưởng các ưu đãi thương mại.

Thế giới đứng trước nguy cơ gia tăng tỷ lệ xung đột bạo lực nếu Mỹ rời WTO. Nguồn: CGTN.

Tổng thống Trump thậm chí còn tuyên bố, nếu WTO không thể tìm ra lỗ hổng trong vòng 90 ngày thì Mỹ sẽ đơn phương không coi các nước đó là các nước đang phát triển.

Không những vậy, trong khi kêu gọi cải cách, chính quyền của ông Trump cũng làm tê liệt hoạt động của WTO. Washington đã ngăn việc bổ nhiệm thành viên mới vào Cơ quan Giải quyết Tranh chấp WTO, khiến tổ chức có nguy cơ phải ngừng hoạt động vào cuối năm nay.

Giới chuyên gia nhận định, hiện nay, ảnh hưởng của Mỹ với WTO vẫn mang tính quyết định vì vai trò độc tôn của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu và trao đổi thương mại của Mỹ vẫn đóng vai trò quyết định với hoạt động thương mại thế giới.

Tuy nhiên, sau hơn hai thập kỷ WTO được thành lập, nhiều thực thể kinh tế-chính trị trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức Mỹ, từ đó làm thay đổi nhiều cơ chế do Mỹ tạo ra và chi phối. Và lý giải trên có thể được coi là câu trả lời hợp lý cho việc ông Trump cảnh báo rời WTO - là để đảm bảo vị thế và lợi ích của nước này.

Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump vẫn luôn giữ quan điểm ủng hộ các cơ chế song phương. Áp dụng cơ chế này, Mỹ có thể khai thác tốt nhất lợi thế tuyệt đối của mình là sức mạnh Mỹ - cả về chính trị, kinh tế, quân sự - để đối phương phải nhượng bộ, điều mà trong cơ chế đa phương không dễ gì có được.

Về WTO, đây được coi là một diễn đàn thương lượng về mậu dịch theo hướng tự do hoá thương mại lớn nhất toàn cầu với 160 thành viên và chiếm tới 98% giao dịch thương mại quốc tế.

Ngoài việc thương lượng để loại bỏ các rào cản thương mại, WTO còn đưa ra các nguyên tắc và cơ sở pháp lý cho thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp thương mại giữa các thành viên, và giám sát việc thực hiện các hiệp định trong khuôn khổ WTO.

Gary Clyde Hufbauer, cựu quan chức thương mại Mỹ, hiện là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Peterson về kinh tế quốc tế cho rằng, quan điểm kinh tế của ông Trump không đồng điệu với những mục tiêu hoạt động nêu trên của WTO.

Ông Gary Clyde Hufbauer viện dẫn, hai sắc lệnh đầu tiên mà ông Trump đã ký từ khi làm Tổng thống Mỹ liên quan đến thương mại không công bằng và chống bán phá giá. Trong tương lai, nếu cắt bỏ các ràng buộc với WTO, Mỹ có thể nâng thuế "vô tội vạ", dẫn tới việc buộc những quốc gia khác phải có các biện pháp đáp trả.

Cụ thể, các nước thành viên WTO khác có thể tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, áp đặt những yêu cầu phiền toái, khiến các doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh trên thị trường.

Ngược lại, Mỹ cũng sẽ không còn khả năng xử lý các hành vi thương mại bất bình đẳng dựa trên hệ thống xử lý tranh chấp của WTO  và sẽ bị cô lập trong nền kinh tế thế giới. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng giá và giảm sự lựa chọn với người tiêu dùng Mỹ, giảm khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm, làm tăng tỷ lệ xung đột bạo lực giữa các quốc gia.

CNN dẫn phân tích của chuyên gia thương mại Chad Bown lưu ý rằng, lựa chọn quay lưng lại với thế giới, Mỹ sẽ bị cô lập trong sân chơi toàn cầu, nhưng đây không thể là lựa chọn của một mình Tổng thống Trump.

"Ông Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ không thể tự quyết định được việc này, mà phải thông qua Quốc hội Mỹ và không có gì chắc chắn là đa số các thượng nghị sỹ Cộng hoà trong Quốc hội cũng muốn Mỹ rút ra khỏi WTO. Trong khi đó, ý tưởng này chắc chắn sẽ bị đảng Dân chủ phản đối và cản trở tại Hạ viện, nơi đảng này đang nắm quyền kiểm soát", ông Chad Bown nêu rõ.

Thêm vào đó, một sự hỗn loạn thường trực sẽ không phải là giải pháp cho những vấn đề của trao đổi thương mại quốc tế, chứ chưa nói tới tham vọng định ra luật chơi toàn cầu của nước Mỹ. Do vậy, có thế thấy rằng, ông Trump hiện chỉ ngỏ ý hoặc ngầm có ý như vậy với mục đích yêu cầu WTO cải tổ bộ máy và cách thức hoạt động để tối đa hóa lợi ích của Mỹ, đặc biệt là trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Linh Đan (tổng hợp)
.
.
.