Thương mại Mỹ-Trung Quốc lại bất ổn trong bối cảnh dịch bệnh
Đây được coi là bước đi tiếp theo của Washington trong việc tiến tới trừng phạt Bắc Kinh vì xử lý không tốt trong giai đoạn đầu khi dịch COVID-19 mới bùng phát.
Cụ thể, trong buổi trả lời chất vấn cử tri trực tuyến bên trong Nhà tưởng niệm Lincoln ở Washington ngày 4-5, Tổng thống Donald Trump nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đồng ý với thoả thuận này bởi những lệnh áp thuế của Mỹ, và nói đó là “công cụ đàm phán tốt nhất mà Mỹ từng nghĩ rằng sẽ không bao giờ dùng tới”.
“Vì những gì đã xảy ra, chúng tôi sẽ phải xem xét điều gì sẽ xảy ra. Trung Quốc đã lợi dụng chúng tôi. Bây giờ họ phải mua và nếu không mua, chúng tôi sẽ chấm dứt thoả thuận, đơn giản vậy thôi”, ông Trump đưa ra lời cảnh báo.
Tổng thống Trump tại buổi trả lời chất vấn cử tri trực tuyến bên trong Nhà tưởng niệm Lincoln ở Washington hôm 4-5. (Ảnh: Getty) |
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã giúp giảm thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, Mỹ chấm dứt các kế hoạch áp thuế đối với 155 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời giảm một nửa thuế quan xuống còn 7,5% đối với 120 tỷ USD hàng hóa khác.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ mức thuế 25% đã áp dụng trước đó đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cam kết sẽ mua một số sản phẩm nông nghiệp, sản xuất và năng lượng trị giá khoảng 200 tỷ USD trong hai năm tới, tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.
Nhiều người đã đặt ra suy đoán rằng Trung Quốc hiện chưa có khả năng thực hiện cam kết trên do nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Thực tế, GDP quý I/2020 của Trung Quốc giảm 6,8%, đánh dấu quý tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 1992, tỷ lệ tăng trưởng này thậm chí còn thấp hơn cả con số dự báo là 6,5%.
Có thể nói, trong bối cảnh ông Trump hôm 1-5 đã đưa ra lời cảnh báo tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc “chắc chắn là một lựa chọn”, thì động thái đe doạ huỷ thoả thuận thương mại giai đoạn một đánh dấu một bước đi mới để hiện thực hoá những biện pháp của Washington nhằm trừng phạt cách hành xử của Bắc Kinh đối với đại dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 đang giáng một đòn nặng vào nền kinh tế toàn cầu với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Theo giới quan sát, việc Trung Quốc và Mỹ thời gian qua liên tục gia tăng những bất đồng là điều hoàn toàn không có lợi trong thời điểm hiện tại.
“Bắc Kinh và Washington cần phải ‘mạo hiểm’ bước những bước đi để khôi phục được sự tin tưởng lẫn nhau bằng cách tập trung vào lợi ích chung và chống lại kẻ thù chung,… thông qua những sáng kiến song phương và cùng nhau thể hiện vai trò lãnh đạo để ngăn chặn đại dịch COVID-19 và đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại con đường tăng trưởng bền vững”, bài viết của chuyên gia Kevin P Gallagher và Yu Yongding trên CNA có đoạn.
Theo hai chuyên gia, sau tất cả, không có bất kì sự liên quan nào giữa virus với chính trị, sắc tộc, tôn giáo hay quốc tịch, và không có một quốc gia nào có thể tự mình chiến thắng cuộc chiến chống lại đại dịch.