Thế giới lo ngại trước các sự cố căng thẳng tại Vịnh Oman và eo biển Hormuz
- Iran trưng bằng chứng không liên quan vụ tấn công tàu dầu ở Vịnh Oman
- Mỹ điều tàu tên lửa rầm rập tới sát Iran sau sự cố trên Vịnh Oman
Với việc Mỹ và các đồng minh ngay lập tức đổ lỗi cho Iran sau vụ việc cũng làm gia tăng lo ngại về nguy cơ xung đột quân sự lớn hơn tại khu vực vốn đã nhiều bất ổn này.
Hôm 13-6, tàu chở dầu Front Altair của Công ty Vận tải Norway đang trên hành trình từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc) đã bốc cháy sau khi bị tấn công.
Chiếc tàu thứ hai là Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) vận hành cũng bốc cháy khi đang trên hành trình từ một cảng của Saudi Arabia đến Singapore.
Sau vụ việc, Mỹ, Anh và Saudi Arabia đã ngay lập tức lên tiếng quy trách nhiệm cho Iran và đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Quyền Đại sứ Mỹ tại LHQ Jonathan Cohen cho biết: “Mỹ đang đánh giá Iran cần phải chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công này. Không có nhóm ủy nhiệm nào trong khu vực có nguồn lực và kĩ năng để hành động với mức độ tinh vi như vậy. Iran có vũ khí, có chuyên gia và thông tin tình báo để thực hiện. Iran đang làm những gì mà nước này tuyên bố là sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu qua eo biển Hormuz”.
Một trong hai chiếc tàu bị bốc cháy trên Vịnh Oman sau vụ tấn công. Ảnh: IRNA |
Cáo buộc nhằm vào Iran được đưa ra với lập luận rằng, những vụ tấn công này có thể giúp nước Cộng hòa Hồi giáo chứng minh với các đối thủ thấy họ có thể làm bất ổn thị trường dầu thế giới như đã tuyên bố, cũng như làm lợi cho quốc gia này trong bối cảnh đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Giá dầu thô đã tăng 4% sau vụ tấn công, gián tiếp thúc đẩy doanh thu của Iran với tư cách là nhà sản xuất dầu. Mỹ cùng ngày cũng cho biết đang thảo luận với các đồng minh về biện pháp khác nhau để bảo vệ tuyến hàng hải quốc tế quan trọng tại Vịnh Oman sau vụ tấn công.
Iran ngay lập tức phủ nhận các cáo buộc này. Bộ Ngoại giao Iran cho rằng, cáo buộc của Washington nhằm vào Tehran là một “chiến thuật ngoại giao” để gia tăng áp lực lên quốc gia Hồi giáo này sau hàng loạt biện pháp trừng phạt.
Vụ tấn công cũng có thể là sản phẩm của một “âm mưu phức tạp” từ những đối thủ của Iran trong khu vực, ám chỉ các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hoặc Israel từ lâu đã muốn Mỹ phải có tiếp cận cứng rắn hơn với Iran.
Nga thì cảnh báo hậu quả những hành động quy chụp liên quan đến sự cố này khi chưa có điều tra cụ thể, đồng thời cho rằng không nên lợi dụng vụ việc để gia tăng áp lực với Iran.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này sẽ thúc đẩy quan hệ phát triển ổn định với Iran bất kể tình hình thay đổi ra sao. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về những diễn biến mới có thể làm leo thang đối đầu quân sự khu vực, trong khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng cần phải có các điều tra toàn diện về vụ tấn công.
“Thông tin về vụ tấn công hai tàu chở dầu tại Vịnh Oman là đáng lo ngại. Do đó rất cần thiết để có các thông tin đáng tin cậy, phân tích cụ thể tình hình. Những diễn biến này đang đi ngược lại con đường mà chúng tôi ủng hộ cho khu vực. Các nước cần phải hiểu rằng, leo thang tình hình là nguy hiểm và những sự cố này có thể dẫn đến leo thang. Chúng ta cần giảm căng thẳng và cần sự đóng góp của tất cả các bên”, ông Heiko Maas nói.
Cũng trong ngày 13-6, HĐBA LHQ đã có cuộc họp kín thảo luận về vụ tấn công mới nhất, nhưng không có bất cứ thông báo chính thức nào được đưa ra sau cuộc họp. Đại sứ Kuwait tại LHQ Mansour al-Otaibi cho rằng, việc thảo luận là cần thiết nhưng không quốc gia nào đưa ra bất cứ bằng chứng có thể chỉ rõ trách nhiệm vụ tấn công do ai thực hiện.
Vụ tấn công cũng diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ở thăm Iran, với nỗ lực làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Phía Iran cho rằng, vụ tấn công này nhằm ngăn chặn đối thoại hữu nghị và kích động gây hấn, đồng thời kêu gọi các nước không được để những kẻ có lợi từ “chiến thuật ngoại giao lừa dối” này. Vụ việc cũng cho thấy những thách thức an ninh tại tuyến đường biển quan trọng này.
Một lượng dầu và khí đốt được vận chuyển qua đường ống, nhưng đa số được chở bằng tàu và tàu phải đi qua eo biển Hormuz và Vịnh Oman. Trong khi quốc tế kêu gọi một cuộc điều tra minh bạch và toàn diện về vụ tấn công thì những cáo buộc đổ lỗi cho nhau có thể làm gia tăng đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran.
Iran sẽ giải cứu các thuyền viên tàu chở dầu bị tấn công trong thời gian ngắn nhất có thể Ngày 14-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết nước này có trách nhiệm duy trì an ninh tại eo biển Hormuz ở vùng Vịnh, đồng thời cho rằng, việc đổ lỗi cho Tehran về các vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu tại Vịnh Oman là để “gây hoang mang”. Ông Abbas Mousavi cũng khẳng định Iran giải cứu các thuyền viên trên những tàu chở dầu bị tấn công trong thời gian ngắn nhất có thể. Mỹ đã đổ lỗi cho Iran đứng sau các vụ tấn công vào 2 tàu chở dầu, song Tehran kiên quyết bác bỏ, cho rằng cáo buộc của Washington là “vô căn cứ”. PV |