Thế giới bừng sáng hy vọng hòa bình sau thượng đỉnh Mỹ – Triều

Thứ Năm, 14/06/2018, 08:00
Để hòa bình thực sự bao trùm Bán đảo Triều Tiên cần rất nhiều nỗ lực khác trong tương lai, song, dù thế nào, 5 lần bắt tay, 4 cam kết lớn trong cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Mỹ-Triều ngày 12-6 tại Singapore vẫn khiến cả thế giới sống dậy niềm tin về việc mọi mâu thuẫn trên thế giới đều có thể hóa giải bằng đối thoại.



Quốc đảo Đông Nam Á Singapore ngày 12-6 chứng kiến sự thành công ngoài mong đợi của hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như cái bắt tay nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo đương nhiệm của hai nước từng có những trang dài lịch sử ở trong thế thù địch.

Hội nghị thượng đỉnh khép lại với Tuyên bố chung, trong đó cam kết thiết lập mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên, đáp ứng khát khao của hai dân tộc về hòa bình và thịnh vượng, nỗ lực xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định cũng như hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Các đại diện của Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga là những nước đầu tiên lên tiếng bình luận về cuộc họp thượng đỉnh lịch sử Trump-Kim. Trong một tuyên bố phát đi ngay sau hội nghị, Liên minh Châu Âu cho hay: “Mục tiêu cuối cùng về việc duy trì phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID) cùng được chia sẻ bởi toàn thể cộng đồng thế giới và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay tại Singapore ngày 12-6.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ca ngợi thượng đỉnh “là một bước trong một giải pháp toàn diện” và hứa hợp tác nhiều hơn với Washington, Bắc Kinh, Seoul, Moscow và nhiều nước khác để giải quyết hàng loạt vấn đề mà Triều Tiên sẽ đối mặt nếu họ chân thành muốn tái hội nhập vào cộng đồng thế giới.

Phát biểu trong buổi họp báo ngày 13-6, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhận định căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã giảm sau hội nghị thượng đỉnh này, dù các vấn đề Triều Tiên không phải dễ dàng có thể giải quyết trong một cuộc họp.

Trước đó, ngày 12-6, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore là một “hội nghị thượng đỉnh lịch sử”. “NATO ủng hộ mạnh mẽ tất cả các nỗ lực đưa đến đích cuối cùng là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, tuyên bố của ông Jens Stoltenberg nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã hoan nghênh thượng đỉnh “là bước tiến quan trọng” và nhấn mạnh Nga sẵn sàng “đóng góp chính trị, trí tuệ, kinh nghiệm và sáng tạo” nhằm giúp giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Ryabkov cũng kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán 6 bên (có sự tham dự của Triều Tiên và Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga), theo hãng tin TASS.

Trung Quốc cũng đã tán dương thượng đỉnh Trump-Kim. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Lịch sử mới đã được thực hiện. Trung Quốc hoan nghênh và ủng hộ điều đó. Đây cũng là mục tiêu bao hàm những mong muốn và nỗ lực của Trung Quốc”.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia đánh giá hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là thành tựu lịch sử, đáng ca ngợi của cả hai bên. Trong một cuộc phỏng vấn, chuyên gia cấp cao Sourabh Gupta từ Viện Nghiên cứu Trung-Mỹ tại Washington nhấn mạnh việc đưa ra và trao đổi những nguyên tắc quan trọng, bao quát và tiên tiến để thiết lập nền tảng lâu bền cho hòa bình, hòa giải và sự thịnh vượng cùng sự đồng thuận đạt được sau đó trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là thành tựu lịch sử, nếu được thực thi đầy đủ, sẽ mở ra nhiều hy vọng hơn.

Cùng chung quan điểm, Giáo sư chính trị toàn cầu và quan hệ quốc tế tại Đại học Pennsylvania, Avery Goldstein coi đây là “bước đi đầu tiên” cho tiến trình phi hạt nhân hóa và thiết lập một cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời phân tích rằng hội nghị thượng đỉnh này ít nhất đã làm cho cuộc xung đột quân sự giữa Triều Tiên và Mỹ “ít có khả năng xảy ra hơn trong tương lai”.

Trong khi đó, ông Michael Swaine, thành viên cấp cao thuộc Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie, cho rằng cả hai nước nên tiếp tục thúc đẩy những tiến triển tích cực đã đạt được cho tới nay, nếu không hai bên sẽ “sớm quay trở lại tình trạng đe dọa và căng thẳng như trước đây”.

Tuy vậy, còn nhiều ý kiến trái chiều về Tuyên bố chung này cũng như kết quả chung của cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Theo Reuters, tuyên bố chung Mỹ-Triều Tiên, đạt được sau khoảng 5 tiếng thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo cùng các cố vấn hôm 12-6, chịu chỉ trích là “chung chung” cũng như thiếu cam kết cụ thể liên quan đến phi hạt nhân hóa.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” trên Bán đảo Triều Tiên, tuy vậy, lại không đề cập cụ thể về khung thời gian hay các biện pháp, điều vốn là điểm chủ chốt trong quá trình dẫn tới thượng đỉnh.

Trước thềm cuộc gặp, nhiều người đã đặt kỳ vọng Tổng thống Mỹ có thể đàm phán được một thỏa thuận về quá trình phi hạt nhân hóa nhanh chóng và cụ thể trên Bán đảo Triều Tiên. Một số chuyên gia “không ngần ngại” thể hiện sự thất vọng khi “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược”, vốn là những yêu cầu cốt lõi lâu nay của Nhà Trắng, dường như không được đề cập trong Tuyên bố chung này một cách rõ ràng, theo Guardian.

Một số nhà phê bình gay gắt hơn còn gợi lại tình hình cách đây vài tháng khi tình hình trên Bán đảo Triều Tiên “căng hơn dây đàn” và đẩy các bên có liên quan vào tình thế sẵn sàng “xông trận”. Triều Tiên liên tục thử và “phô trương” tiềm lực hạt nhân của mình với tên lửa đạn đạo có tầm bắn vươn đến đất Mỹ lục địa hay những “lời qua tiếng lại” giữa hai nhà lãnh đạo. Nhưng đó là chuyện của vài tháng trước.

“Quá khứ không định hình cho tương lai, và lịch sử đã chứng minh điều đó khi kẻ thù có thể trở thành bằng hữu”. Đó là nhận định của Tổng thống thứ 45 của Mỹ trong buổi họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều đã diễn ra thành công, nhưng điều mà giới phân tích đang chờ đợi chính là những gì mà hai bên sẽ làm trong tương lai, liệu có đúng những gì đã cam kết hay không. Tuy vậy, Thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn là một điểm sáng, một sự khởi đầu tốt đẹp và khơi dậy niềm tin về việc giải quyết các vấn đề trên thế giới mà không phải dùng đến vũ lực.

Duy Tiến
.
.
.